Hiểu biết về tài chính để đưa ra những quyết định đúng đắn
Hiểu biết tài chính (financial literacy), theo định nghĩa của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD, 2012), là tổng hợp nhận thức, kiến thức, kỹ năng, thái độ và hành vi tài chính cần thiết để có thể đưa ra được các quyết định an toàn và cuối cùng đạt được lợi ích về tài chính.
Còn theo Hiệp ước Basel II, hiểu biết tài chính là một trong bốn yếu tố cấu thành nên trụ cột số 3 của hệ thống ổn định tài chính - kỷ luật thị trường. Theo nghĩa rộng nhất, “kỷ luật thị trường” là một cơ chế mà qua đó các thành viên thị trường theo dõi và kỷ luật những hành vi rủi ro quá mức của các ngân hàng/ tổ chức tài chính. Thuật ngữ “kỷ luật thị trường” đang ngày càng phổ biến bởi các nhà hoạch định chính sách có xu hướng đề cao vấn đề này bên cạnh việc xây dựng các khung pháp lý – vốn đòi hỏi phải có những nỗ lực lớn và thời gian dài mới có thể tác động sâu sắc tới thị trường. Ngoài ra, nhiều khi các vấn đề về cân đối vĩ mô cũng tác động và hạn chế đáng kể những chính sách điều hành, trong khi đó, việc tăng cường kỷ luật thị trường luôn cần thiết và ổn định với mức độ tác động sâu rộng, đem lại lợi ích bền vững cho toàn hệ thống tài chính.
Hiểu biết tài chính giúp các thành viên tham gia thị trường xử lý một cách chính xác những thông tin mà các tổ chức tài chính công bố, từ đó có thể ra những quyết định đúng đắn. Trong trụ cột “kỷ luật thị trường”, các thành viên dùng sự hiểu biết của mình để theo dõi hệ thống tài chính - ngân hàng, cùng với những cơ chế kỷ luật hiệu quả, quản trị nội bộ ngân hàng tốt, cơ chế bắt buộc công bố thông tin đầy đủ và tin cậy sẽ giúp hệ thống tổ chức tài chính hoạt động an toàn, nhà đầu tư hạn chế tối đa rủi ro thua thiệt do thiếu hiểu biết về tài chính.
Nguồn: Rethinking Market Discipline in Banking - Lessons from the Financial Crisis, World Bank, 2010.
Phổ cập kiến thức tài chính giúp tăng niềm tin của người gửi tiền
Kiến thức tài chính tác động đến tất cả các lĩnh vực đời sống của con người. Sự cần thiết của việc phổ cập kiến thức tài chính cho người gửi tiền được thể hiện qua các yếu tố sau:
Thứ nhất, việc phổ câp kiến thức tài chính cho người gửi tiền giúp tăng niềm tin của người gửi tiền vào các định chế tài chính và các chính sách của Nhà nước đối với các định chế này, từ đó giúp gia tăng tiết kiệm và đầu tư, góp phần thúc đẩy quá trình tăng trưởng kinh tế.
Thứ hai, cung cấp một nền tảng giáo dục tài chính, tạo thói quen tiết kiệm, đặc biệt là đối với người có thu nhập thấp, luôn sống dưới áp lực tài chính, thiếu kỹ năng quản lý dòng tiền, làm cho họ trở thành nhóm dễ bị tổn thương.
Thứ ba, tạo điều kiện phát triển tín dụng lành mạnh tới những đối tượng trước đó bị phụ thuộc vào những nguồn tiền vay khác như từ gia đình, bạn bè hay tín dụng đen.
Thứ tư, tạo ra các kênh thanh toán, chuyển tiền mới tới những đối tượng chưa có tài khoản ngân hàng và phải sử dụng các loại hình chuyển tiền phi chính thức tốn kém và rủi ro khác. Là một phương thức chống thất thoát trong việc phân phối những khoản trợ cấp và các khoản phúc lợi khác của Chính phủ. Giờ đây, những khoản trợ cấp này có thể gửi thẳng tới tài khoản của người thụ hưởng thay vì trả tiền mặt.
Thứ năm, tạo niềm tin thúc đẩy nhu cầu đầu tư, kinh doanh, cải thiện năng suất lao động tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Thứ sáu, giúp giảm các vụ án lạm dụng tài chính, tích tụ nợ vay quá mức, phân bổ kém hiệu quả các khoản tiết kiệm cá nhân.
Thứ bảy, khi có kiến thức tài chính, công dân có thể biết cách khởi nghiệp, xây dựng dự án kinh doanh và quản lý tài chính cho chính doanh nghiệp của mình.
Thứ tám, giúp tầng lớp trung lưu hoạch định và sử dụng ngân sách cá nhân một cách hiệu quả, ra các quyết định trong những lĩnh vực tài chính cá nhân xuất phát từ các lợi ích dài hạn, tránh vay mượn nhiều, có định hướng rõ ràng trong sử dụng các dịch vụ và sản phẩm do các định chế tài chính cung ứng, nhận biết các mối đe dọa và giảm rủi ro lừa đảo từ các thành viên thiếu lương tâm và thiếu trung thực của thị trường.
Thứ chín, giúp người gửi tiền chuẩn bị tốt hơn các tình huống khủng hoảng và có thể tự bảo vệ mình tốt hơn, định hướng tốt hơn trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu, lựa chọn cho mình các kế hoạch hưu trí, tiết kiệm, am hiểu các bảng khai thuế, có quyết định đúng đắn về đầu tư và tài chính khác, không rơi vào tình trạng lo lắng.
Thứ mười, người dân được phổ cập kiến thức tài chính sẽ góp phần vận hành hiệu quả thị trường tài chính đang ngày càng trở nên phức tạp. Nhờ có khả năng so sánh rủi ro và thu nhập của các công ty tài chính, ngân hàng khác nhau, những người am hiểu tài chính sẽ góp phần khuyến khích thúc đẩy cạnh tranh. Mặt khác, thông qua những yêu cầu về các sản phẩm đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của họ, người dân am hiểu tài chính sẽ khuyến khích các nhà cung ứng nỗ lực nghiên cứu và tung ra thị trường các sản phẩm và dịch vụ mới, tích cực ứng dụng công nghệ và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Mười một, góp phần nâng cao nhận thức về quyền và lợi ích của người gửi tiền. Người có nền tảng kiến thức tài chính tốt có thể làm dịu những biến động mạnh trên thị trường tài chính bởi họ ít có thiên hướng phản ứng vội vàng hoặc quá mạnh trước các nhân tố bên ngoài.
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam với việc phổ cập kiến thức tài chính cho người gửi tiền
Nhận thức được tầm quan trọng của kiến thức tài chính đối với người gửi tiền, BHTGVN đã thường xuyên tổ chức phổ cập chính sách BHTG cũng như những kiến thức tài chính cơ bản cho người gửi tiền ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Cụ thể, trong năm 2017, BHTGVN đã tổ chức chuỗi sự kiện tuyên truyền tại các tỉnh như Hà Nam, Sơn La, Quảng Ninh, Quảng Bình, Phú Thọ, Hà Tĩnh, Trà Vinh, Nam Định, Lâm Đồng... Ngoài hình thức tổ chức các sự kiện tuyên truyền, BHTGVN còn đa dạng hóa hình thức tuyên truyền như sử dụng các tiểu phẩm có lồng ghép nội dung chính sách để phát trên các đài phát thanh, truyền hình địa phương. Tham gia các hội nghị thành viên của các Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) để triển khai tuyên truyền chính sách BHTG cũng như kiến thức tài chính trực tiếp tới những khách hàng, người gửi tiền ở các QTDND. Phối hợp chính quyền các thôn, xã, các chi hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, hội người cao tuổi, hội nông dân thảo luận về chính sách BHTG và kiến thức tài chính cơ bản. Ngoài ra, BHTGVN còn thường xuyên cập nhật thông tin về chính sách tài chính tiền tệ của Việt Nam cũng như chính sách BHTG trên website và bản tin của BHTGVN.
Bên cạnh việc tiếp tục mở các hội nghị, thảo luận nhằm tuyên truyền chính sách BHTG và kiến thức tài chính tại các vùng miền trong cả nước, BHTGVN sẽ tiếp tục thúc đẩy phổ cập kiến thức tài chính và chính sách BHTG tới cộng đồng.
Việc phổ cập kiến thức tài chính cho người dân nói chung và người gửi tiền nói riêng không phải là vấn đề đơn giản. Cần có một cơ quan chủ trì toàn bộ chương trình bởi đó là yếu tố đảm bảo sự tham gia phối hợp nhịp nhàng giữa các bên. Mỗi người dân có kiến thức tài chính tốt sẽ là nền móng tạo nên một đất nước có nền kinh tế ổn định, vượt qua mọi khó khăn trong thời kỳ kinh tế mở cửa, cạnh tranh khốc liệt.
Ths Hồ Thanh Xuân
Chi nhánh BHTGVN tại TP Hà Nội
Tài liệu tham khảo:
The OECD Project on Financial Education, 2009
Theo Basel II, có 3 trụ cột cấu thành ổn định tài chính: 1) Các yêu cầu về vốn tối thiểu, 2) Cơ chế giám sát, 3) Kỷ luật thị trường
www.div.gov.vn