Quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém thời gian qua có sự chỉ đạo thống nhất cao từ Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ với sự tham gia hỗ trợ của các cơ quan chức năng, bộ - ban - ngành liên quan; trong đó, có vai trò của chủ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), cùng BHTGVN và tổ chức khác cũng như các TCTD hỗ trợ. Định hướng chung đối với việc xử lý các TCTD thuộc diện kiểm soát đặc biệt là áp dụng nhiều công cụ nhằm ưu tiên giúp các TCTD này cải thiện thanh khoản, khắc phục vấn đề và phục hồi hoạt động bình thường, qua đó bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền.
Chủ trương, định hướng để BHTGVN cử cán bộ tham gia điều hành QTDND được kiểm soát đặc biệt
Đến nay, khung pháp lý cho quá trình cơ cấu lại TCTD yếu kém được quy định tương đối hoàn chỉnh, tuy nhiên, trong quá trình triển khai, vẫn còn một số tồn tại, khó khăn. Điều này đòi hỏi cần có thêm biện pháp xử lý đa dạng, gia tăng các nguồn lực sẵn có và hoàn thiện hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ để góp phần thúc đẩy quá trình xử lý các TCTD hiệu quả và triệt để hơn, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của người gửi tiền, góp phần ổn định hệ thống ngân hàng. Trong đó, việc sử dụng nguồn lực của BHTGVN để tham gia sâu hơn vào quá trình xử lý này đang được khuyến khích và quan tâm.
Tại Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 8/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định BHTGVN cần tham gia tái cơ cấu có hiệu quả đối với TCTD yếu kém. Tại Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 12/3/2019, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo tăng cường vai trò và giao nhiệm vụ cho BHTGVN trong việc nghiên cứu đề xuất việc sửa đổi Luật BHTG để sử dụng nguồn tiền kết dư phí BHTG để xử lý TCTD yếu kém. Mới đây nhất, NHNN giao nhiệm vụ cho BHTGVN tại Thông báo số 135/TB-NHNN (22/4/2022): “Trong thời gian chờ sửa Luật BHTG và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, chủ động phối hợp với Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng đề xuất, nghiên cứu phương án, giải pháp để tham gia mạnh mẽ hơn trong việc tái cơ cấu QTDND bằng nguồn lực của BHTG, trong đó có cơ chế cử cán bộ tham gia Hội đồng quản trị, Ban điều hành QTDND yếu kém được kiểm soát đặc biệt”.
Các điều kiện, tiêu chuẩn đối với các chức danh thuộc Hội đồng quản trị, Ban điều hành QTDND nói trên được quy định tại Điều 20, Điều 23, Điều 24 Mục 2 Chương II Thông tư số 44/VBHN ngày 05/12/2019 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về QTDND.
Nhiều câu hỏi đặt ra đối với BHTGVN
Theo các quy định hiện hành, BHTGVN đã được được cử nhân sự tham gia Ban Kiểm soát đặc biệt tại TCTD theo chỉ đạo của NHNN. Song, việc cử cán bộ tham gia quản trị, điều hành QTDND được kiểm sát đặc biệt là một vấn đề mới, có tính chất khác so với việc tham gia Ban Kiểm soát đặc biệt. Trong nhiều trường hợp, khi QTDND yếu kém rơi vào kiểm soát đặc biệt, ban lãnh đạo của quỹ đó đã có những sai phạm nghiêm trọng, dẫn tới khởi tố, bắt tạm giam hoặc đã bỏ trốn. Hoạt động thường xuyên của quỹ sẽ bị gián đoạn nghiêm trọng, gây tâm lý hoang mang, lo lắng đối với người gửi tiền. Khi NHNN, BHTGVN và các cơ quan có liên quan cử nhân sự tham gia quản trị, điều hành QTDND được kiểm soát đặc biệt sẽ góp phần gia tăng khả năng phục hồi hoạt động bình thường, đồng thời tạo điều kiện cho quá trình xử lý pháp nhân khi buộc phải tính đến phương án phá sản TCTD.
Tuy nhiên, rất nhiều câu hỏi đặt ra để BHTGVN có thể triển khai hiệu quả nhiệm vụ cử cán bộ tham gia điều hành QTDND được kiểm soát đặc biệt theo các chủ trương, định hướng và chỉ đạo nói trên. Đó là những vấn đề về cơ chế pháp lý, chế độ chính sách đối với người lao động, nguồn nhân lực cần thiết cũng như năng lực nghiệp vụ phù hợp và trách nhiệm của các cá nhân được điều động thực hiện nhiệm vụ. Việc cử nhân sự để tham gia Hội đồng quản trị, Ban điều hành QTDND yếu kém thuộc diện kiểm soát đặc biệt là một nội dung lớn, có tác động đến nhiều mặt hoạt động của BHTGVN.
Cụ thể, hiện chưa có văn bản pháp luật quy định cụ thể, rõ ràng về việc cử người của BHTGVN tham gia Hội đồng quản trị, Ban điều hành QTDND yếu kém được kiểm soát đặc biệt. Như vậy, hành lang pháp lý của hoạt động này vẫn còn nhiều vướng mắc.
Với hành lang pháp lý chưa rõ ràng, BHTGVN chưa thể sửa đổi bổ sung hoặc ban hành mới những văn bản quản trị điều hành nội bộ nhằm thực hiện hoạt động này. Việc cử cán bộ tham gia điều hành QTDND được kiểm soát đặc biệt sẽ dẫn tới việc phải sửa đổi, bổ sung hàng loạt văn bản như: Quy chế về điều động, luân chuyển, giao nhiệm vụ, bố trí, sắp xếp người lao động; Hệ thống mô tả vị trí chức danh công việc; Quy chế trả lương; Quy chế tuyển dụng; Quy chế chi tiêu nội bộ; Quy chế đào tạo nghiệp vụ liên quan kiểm soát đặc biệt; v.v.. Đặc biệt, BHTGVN hiện chưa xây dựng hệ thống điều kiện, tiêu chuẩn cụ thể để có thể xác định đối tượng thuộc đơn vị phòng /ban, vị trí công tác nào phù hợp cử tham gia hội đồng quản trị, ban điều hành QTDND được kiểm soát đặc biệt.
Mặt khác, hiện nay, người lao động của BHTGVN đang làm việc theo Hợp đồng lao động đã ký kết. Hợp đồng lao động này chưa đề cập tới việc cử nhân sự tới nhận nhiệm vụ tại một tổ chức khác, nằm bên ngoài BHTGVN. Việc cử cán bộ tham gia lãnh đạo, điều hành QTDND được kiểm soát đặc biệt, để thực hiện đúng các quy định của pháp luật, cần được quy định rõ trong hợp đồng lao động giao kết với người lao động, Thỏa ước lao động tập thể hoặc một văn bản nào khác mà có sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Bên cạnh đó, năng lực cán bộ có thể cử tham gia hội đồng quản trị, ban điều hành QTDND được kiểm soát đặc biệt cũng là một vấn đề cần được nghiêm túc xem xét, lưu tâm. Đây là một nhiệm vụ đặc thù, đòi hỏi cán bộ không chỉ có tiêu chuẩn bằng cấp phù hợp mà còn phải có kinh nghiệm, nắm vững nghiệp vụ, có khả năng lãnh đạo và xử lý tình huống một cách linh hoạt trong môi trường hoạt động của TCTD.
Để tổ chức BHTG phát huy vai trò hỗ trợ phục hồi QTDND được kiểm soát đặc biệt
Việc BHTGVN phát huy vai trò hỗ trợ phục hồi QTDND được kiểm soát đặc biệt thông qua cử nhân sự tham gia quản trị, điều hành TCTD là cần thiết. Song để thực hiện hiệu quả, thông suốt, cần một hệ thống các giải pháp toàn diện.
Thứ nhất, điều tiên quyết là phải nghiên cứu và xây dựng được hệ thống văn bản pháp luật quy định về việc cử người của BHTGVN tham gia Hội đồng quản trị, Ban điều hành QTDND yếu kém được kiểm soát đặc biệt.
Thứ hai, BHTGVN cần nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới một số văn bản quản trị điều hành nội bộ, như: Hợp đồng lao động cùng các Điều khoản miễn trách; Quy chế về điều động, luân chuyển, giao nhiệm vụ, bố trí, sắp xếp người lao động; Hệ thống mô tả vị trí chức danh công việc; Quy chế trả lương / thưởng / phụ cấp; Quy chế tuyển dụng; Quy chế chi tiêu nội bộ; Quy chế đào tạo, v.v. một cách phù hợp, quy định rõ các chế độ đãi ngộ, chính sách liên quan đến việc cử nhân sự nhận nhiệm vụ tại QTDND được kiểm soát đặc biệt.
Thứ ba, cần nghiên cứu, làm rõ các điều kiện, tiêu chuẩn và nhiệm vụ được giao, đặc biệt là lĩnh vực chuyên môn, sở trường và nguyện vọng cá nhân của cán bộ đó; lấy đó làm cơ sở để xác định đối tượng có thể cử đi tham gia Hội đồng quản trị, Ban điều hành QTDND yếu kém được kiểm soát đặc biệt.
Thứ tư, đối với nguồn nhân sự sẵn có tại BHTGVN thì cần thiết kế, xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo, tập huấn về ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Trước mắt ưu tiên có phương án đào tạo cấp tốc và kịp thời cho cán bộ, chi nhánh trên địa bàn có QTDND yếu kém được kiểm soát đặc biệt.
Thứ năm, nghiên cứu, xem xét và cân nhắc phương án tuyển mới hoặc thuê nhân sự bên ngoài có chuyên môn trong ngành tài chính – ngân hàng, có kinh nghiệm quản lý cùng các kỹ năng liên quan để tham gia Hội đồng quản trị, Ban điều hành QTDND yếu kém được kiểm soát đặc biệt. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế phù hợp cho việc thuê nhân sự ngoài BHTGVN nhằm thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Thứ sáu, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu tổng hợp, hợp tác quốc tế để có cơ hội trao đổi, học tập kinh nghiệm các tổ chức BHTG quốc tế về việc cử nhân sự của của tổ chức BHTG tham gia vào cơ cấu lãnh đạo, điều hành TCTD yếu kém được kiểm soát đặc biệt đem lại hiệu quả cao nhất.