Đạo luật C-15 quy định về việc áp dụng cơ chế cứu trợ (bail-in) nhằm giúp tái cấp vốn cho các ngân hàng lớn của Canada bằng cách chuyển đổi một số khoản nợ thành cổ phiếu phổ thông trong khi các tổ chức này vẫn đang hoạt động. Trong trường hợp đổ vỡ ngân hàng, các cổ đông của ngân hàng và các nhà đầu tư sẽ chịu tổn thất, chứ không phải người nộp thuế hoặc người gửi tiền.
Đặc điểm chính của chính sách cứu trợ ngân hàng được đề cập đến trong Đạo luật C-15 là:
- Chính phủ chỉ đạo CDIC chuyển đổi cổ phần và khoản nợ của các ngân hàng có vai trò quan trọng đối với hệ thống (DSIBs) tại Canada thành cổ phiếu phổ thông trong trường hợp các ngân hàng này trở nên không còn khả năng hoạt động;
- Các hình thức chuyển đổi cổ phần và khoản nợ được sẽ quy định cụ thể trong Đạo Luật Tổng công ty BHTG Canada (hiện chưa được nêu cụ thể).
- Việc chuyển đổi sẽ không áp dụng cho các khoản nợ chưa thanh toán/ dư nợ vào thời điểm luật có hiệu lực mà sẽ chỉ áp dụng đối với khoản nợ phát sinh sau thời điểm đó;
- Việc chuyển đổi sẽ không áp dụng cho các khoản tiền gửi ngân hàng được bảo hiểm hoặc không được bảo hiểm;
- Theo pháp luật, CDIC sẽ quy định các điều khoản và điều kiện chuyển đổi, bao gồm cả thời gian thực hiện.
- “Ngân hàng có vai trò quan trọng trong hệ thống” (DSIBs) sẽ được yêu cầu duy trì nguồn vốn tối thiểu để khắc phục thiệt hại bao gồm vốn pháp định và nợ tùy thuộc vào việc chuyển đổi.
Như vậy, mục đích của cơ chế cứu trợ là cho phép chuyển đổi các khoản nợ ngân hàng thành vốn pháp định trong trường hợp “ngân hàng có vai trò quan trọng trong hệ thống” có nguy cơ đổ vỡ, từ đó đảm bảo rằng (a) Chính phủ không phải sử dụng tiền thuế của người dân để giải cứu ngân hàng; và (b) hệ thống tài chính của Canada duy trì ổn định bằng cách khuyến khích các cổ đông và chủ nợ của các ngân hàng giám sát các hoạt động rủi ro của tổ chức, do nếu ngân hàng bị đổ vỡ, chính họ sẽ là đối tượng phải chịu thiệt hại.
DTT