Hoạt động chia sẻ thông tin giữa CDIC và OCC nhằm hướng đến hỗ trợ quản lý khủng hoảng và lập kế hoạch dự phòng ứng phó khủng hoảng, cả trong giai đoạn có điều kiện kinh doanh bình thường và trong thời kỳ chịu sức ép lớn về tài chính.
Ủy ban ổn định tài chính toàn cầu (FSB) đánh giá hoạt động hợp tác song phương giữa Canada và Mỹ trong xử lý các ngân hàng có hoạt động xuyên biên giới là một trong những cách thức phối hợp quan trọng của các cơ chế xử lý hiệu quả đối với các tổ chức tài chính lớn.
Mục đích cho các hoạt động hợp tác trong xử lý ngân hàng giữa Canada và Mỹ hay với các đối tác hàng đầu là những tổ chức BHTG và cơ quan giám sát tài chính của các nước là nhằm thúc đẩy hợp tác, chia sẻ thông tin và lập kế hoạch dự phòng cho xử lý đổ vỡ. CDIC sẽ tiếp tục phối hợp với các đối tác trong nước và quốc tế để một mặt tăng cường quan hệ đối tác và mặt khác cải thiện hoạt động hợp tác và điều phối xuyên quốc gia.
Tại Mỹ, Cơ quan kiểm soát tiền tệ OCC có chức năng điều hành, quản lý và giám sát khối ngân hàng cấp quốc gia và các hiệp hội tiết kiệm cấp liên bang cùng các chi nhánh và đơn vị cấp liên bang trực thuộc các ngân hàng nước ngoài đang hoạt động trên lãnh thổ Mỹ. OCC là một cơ quan độc lập thuộc Bộ Tài chính Mỹ.
Trong khi đó, tại Canada, CDIC là Tổng công ty liên bang có nhiệm vụ góp phần vào sự ổn định của hệ thống tài chính Canada thông qua chức năng cung cấp dịch vụ BHTG để bù đắp tổn thất cho các khoản tiền gửi đủ điều kiện được chi trả bảo hiểm tại các tổ chức BHTG thành viên của CDIC trong trường hợp xảy ra đổ vỡ. CDIC hiện bảo vệ xấp xỉ 700 tỷ USD tiền gửi tiết kiệm của các tổ chức tham gia BHTG – bao gồm các ngân hàng, tổ chức tín dụng cấp liên bang cùng các công ty, hiệp hội ủy thác và cho vay có tham gia huy động tiền gửi và chịu sự điều chỉnh của Luật Hiệp hội tín dụng hợp tác xã. Nguồn vốn của CDIC được hình thành từ nguồn thu phí BHTG do các tổ chức thành viên đóng góp. CDIC không tiếp nhận nguồn vốn ngân sách để hoạt động.