Giám đốc phụ trách Hội nhập Kinh tế Khu vực của ADB, ông Iwan J. Azis nói rằng mặc dù thị trường trái phiếu châu Á và các khách vay của nó hiện ở một vị thế tốt hơn so với hồi diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998, song thời điểm khó khăn chắc chắn đang nằm ở phía trước, khi khu vực sẽ phải đối mặt với thách thức chi phi đi vay cao hơn và giá tài sản đi xuống, gây ảnh hưởng đến bảng cân đối của các công ty và làm giảm tăng trưởng kinh tế.
ADB lưu ý rằng hầu hết các chính phủ trong khu vực đã bỏ lỡ cơ hội huy động vốn giá rẻ để tài trợ cho chi tiêu cơ sở hạ tầng quan trọng, ảnh hưởng đến tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo trong tương lai, bởi theo ước tính của thiết chế tài chính lớn nhất khu vực này, châu Á cần chi tiêu ít nhất 8.000 tỷ USD cho phát triển cơ sở hạ tầng từ năm 2010 đến năm 2020 để duy trì tăng trưởng kinh tế.
Theo báo cáo “Asia Bon Monitor,” trong quý II/2013 thị trường trái phiếu Indonesia đã tăng 2,2% so với quý Một và tăng 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái lên 118 tỷ USD, trong đó trái phiếu doanh nghiệp tăng 23,6% lên 21 tỷ USD, và trái phiếu chính phủ tăng 10,3% lên 97 tỷ USD.
Cùng kỳ, thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ của các nền kinh tế đang nổi ỏ Đông Á, bao gồm Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam cũng mở rộng lên 6.800 tỷ USD, tăng 1,7% so với quý trước đó.
Tuy nhiên mức tăng này chậm hơn so với mức tăng tương ứng 2,9% trong quý Một, chủ yếu do các nhà đầu tư thận trọng hơn trước khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sớm bắt đầu giảm mua trái phiếu do rút dần chính sách QE.
Phát hành trái phiếu bằng đồng nội tệ cũng đang tiếp tục được triển khai trong khu vực Đông Á, với tổng giá trị 827 tỷ USD trong quý Hai, tăng 4% so với quý Một, trong đó trái phiếu chính phủ tăng 26,8% lên 659 tỷ USD, song trái phiếu doanh nghiệp lại giảm 20,1% xuống 168 tỷ USD, do các khách hàng phải đối mặt với chi phí đi vay cao hơn.
Tình trạng hỗn loạn trên thị trường tài chính toàn cầu cũng đã gây khó khăn và tốn kém hơn cho các công ty các nền kinh tế đang nổi ở Đông Á, nhất là các công ty có mức đánh giá tín dụng thấp, phải vay bằng đồng ngoại tệ như USD, euro hay đồng yen.
Tuy nhiên, theo ADB, so với thời kỳ khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998, thì các chính phủ và doanh nghiệp trong khu vực hiện nay ít bị tổn thương hơn khi đồng tiền mất giá hay có sự biến động đột ngột về chi phí đi vay do nắm giữ các khoản nợ tái phiếu bằng đồng nội tệ nhiều hơn so với đồng ngoại tệ.
ADB cho rằng để xây dựng khả năng phục hồi và hỗ trợ tăng trưởng, Đông Á cần tiếp tục phát triển nguồn tài chính ổn định hơn, trong đó cần vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng nhiều hơn, bởi nguốn vốn này có xu hướng ổn định hơn so với đầu tư thị trường vốn.
Ngoài ra khu vực còn cần khuyến khích một phạm vi rộng lớn hơn sự tham gia của các nhà đầu tư trái phiếu, bao gồm cả các quỹ hưu trí để có thể có thêm vốn đầu tư vào các lĩnh vực giao thông vận tải, năng lượng, viễn thông và các cơ sở hạ tầng khác./.