Những thay đổi được đề xuất sẽ chính thức trao quyền hạn cho CDIC trong vai trò của cơ quan xử lý các tổ chức thành viên và CDIC sẽ được chính thức yêu cầu những ngân hàng lớn nhất nước này phải xây dựng, đệ trình các kế hoạch dự phòng xử lý đổ vỡ.
Giám đốc điều hành Chính sách, Bảo hiểm và Rủi ro, ông Greg Cowper đã thông báo với Ủy ban Thượng viện về Ngân hàng, Mậu dịch và Thương mại rằng, sau cuộc khủng hoảng tài chính, các quyền hạn của CDIC đã được mở rộng nhằm đáp ứng yêu cầu thúc đẩy hoạt động xử lý có trật tự các ngân hàng có vai trò quan trọng đối với hệ thống ngân hàng của Canada trong trường hợp xảy ra đổ vỡ. Các chức năng và quyền hạn mới của CDIC hiện đã được cụ thể hóa trong Luật CDIC. Ông Greg Cowper nhấn mạnh, CDIC ủng hộ các sáng kiến tăng cường vai trò và quyền hạn của CDIC vì chúng phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và giúp cải thiện khung khổ xử lý tại Canada.
Kể từ khi được thành lập vào năm 1967, CDIC đã xử lý 43 vụ đổ vỡ của các tổ chức thành viên có ảnh hưởng đến khoảng 2 triệu người dân Canada. Không ai bị mất một đồng đô la tiền gửi nào nhờ cơ chế bảo vệ của CDIC. Trong vai trò một Tổng công ty của liên bang, khi xảy ra đổ vỡ, CDIC đóng góp vào sự ổn định hệ thống tài chính tại Canada thông qua cơ chế BHTG cho những tổn thất của tiền gửi đủ điều kiện được bảo hiểm tại các tổ chức thành viên trong trường hợp xảy ra đổ vỡ. CDIC bảo vệ xấp xỉ 700 tỷ đô la tiền tiết kiệm của các tổ chức thành viên, bao gồm các ngân hàng, tổ chức tín dụng liên bang cũng như các công ty hay tổ chức ủy thác và cho vay tín dụng có huy động tiền gửi và chịu sự điều chỉnh của Luật Tín dụng Hợp tác xã. Nguồn vốn hoạt động của CDIC được hình thành từ các khoản phí đóng góp của các thành viên. CDIC không được cấp vốn cho hoạt động từ nguồn vốn công.
Thái Huy – Chi nhánh BHTGVN tại TP. HCM