Đây là một trong những khảo sát toàn cầu lớn nhất về các chuyên gia nước ngoài. Năm nay có gần 9.300 chuyên gia nước ngoài trên toàn cầu chia sẻ quan điểm về chất lượng cuộc sống, tình trạng tài chính và việc chăm sóc một gia đình khi sống ở nước ngoài.
Theo khảo sát, gần 1/3 (31%) các chuyên gia nước ngoài tham gia khảo sát năm nay cho biết họ chuyển đến sống ở một nước khác vì muốn có thử thách mới. Lý do lớn nhất là “triển vọng nghề nghiệp tốt hơn”, được 38% người chọn.
Khảo sát lần thứ 7 này của HSBC cho thấy, Thụy Sỹ xếp thứ nhất trong số 34 nước trong khảo sát. Xếp sau đó là Singapore, Trung Quốc, Đức và Bahrain.
Trong khi đó, châu Á được xem là điểm đến ưa thích của các chuyên gia nước ngoài có thu nhập cao thích tìm kiếm thử thách. Trong khảo sát năm nay, châu Á nổi lên thành khu vực có mức thu nhập tốt nhất, với gần 1/5 chuyên gia nước ngoài (19%) có thu nhập trên 200.000 USD/năm và 65% cho biết thu nhập sau thuế của họ tăng từ khi chuyển đến đây.
Châu Á cũng là khu vực thu hút các chuyên gia nước ngoài thích tìm kiếm thử thách nhiều nhất, với 44% người tham gia khảo sát sống tại châu Á cho biết đây là lý do chính họ chuyển tới khu vực này.
Các chuyên gia nước ngoài hướng đến châu Á hầu hết là những người thuộc các nước phương Tây như Mỹ và Anh. Điều này cho thấy sự khác biệt văn hoá, ngôn ngữ, và các cơ hội tiềm năng chính là những thử thách thú vị cho các chuyên gia nước ngoài từ phương Tây.
Những chuyên gia nước ngoài ở Thái Lan và Việt Nam cho biết chi phí sống ở hai nước này hợp lý. Năm nay, có khoảng 2/3 trong tổng số các chuyên gia nước ngoài trong khảo sát tin rằng cuộc sống ở Thái Lan và Việt Nam có chất lượng cao hơn (lần lượt là 69% và 62%), với nhiều người cũng cho biết mức thu nhập sau thuế cao hơn (lần lượt là 72% và 75%). Các chuyên gia nước ngoài tại Thái Lan và Việt Nam cũng cho biết, họ đi du lịch nhiều hơn kể từ khi tới các quốc gia này.
Kết bạn ở Việt Nam dễ dàng
Việt Nam xếp thứ 16 trong tổng 34 nước về xếp hạng chung. Trong đó, xếp thứ 8 về xếp hạng kinh tế chuyên gia nước ngoài; thứ 15 về trải nghiệm chuyên gia nước ngoài; thứ 25 về nuôi dạy con cái ở nước ngoài.
Theo khảo sát năm nay, cuộc sống của chuyên gia nước ngoài tại Việt Nam xoay quanh du lịch, thử thách bản thân và vui chơi do chi phí thấp hơn giúp những chuyên gia nước ngoài sử dụng nguồn thu nhập một cách tốt nhất. Cứ 10 chuyên gia nước ngoài thì có gần 8 người (79%) nói họ đi du lịch nhiều hơn so với khi còn ở nước họ (so với tỷ lệ trung bình toàn cầu là 58%).
“Hãy ăn đồ ăn địa phương và đi du lịch trong nước một cách dễ dàng với ngân sách vừa phải” – đây là ý kiến phổ biến của chuyên gia nước ngoài tại Việt Nam.
Các chuyên gia nước ngoài tại Việt Nam không còn thấy lương của họ tăng so với các chuyên gia ở các nước khác, với 52% chuyên gia nước ngoài tại Việt Nam nói họ có thu nhập nhiều hơn tại đây so với tại nước xuất xứ của họ, tỷ lệ này so với trung bình toàn cầu là (53%). Nhưng 75% các chuyên gia nước ngoài tại Việt Nam cho biết thu nhập sau thuế của họ tăng kể từ khi chuyển tới đây so với tỷ lệ trung bình toàn cầu chỉ là 53%.
Một “bí kíp” mà các chuyên gia nước ngoài trong khảo sát chia sẻ là hãy hoà mình vào lễ hội năm mới Âm lịch hay còn gọi là “Tết” của người Việt. Rất nhiều chuyên gia nước ngoài (89%) nói họ thích văn hoá địa phương, nhiều hơn so với trung bình toàn cầu là 83%. Việt Nam có nhiều điều thú vị cho các chuyên gia nước ngoài thích phiêu lưu.
Ẩm thực địa phương là một phần nổi bật trong đời sống tại Việt Nam. Với 87% nói họ thích giá cả tại Việt Nam so với trung bình toàn cầu là 72%. Tuy nhiên, thức ăn ngon mà thiếu những người bạn thân thiện thì còn gì thú vị?
Gần 3/4 (73%) chuyên gia nước ngoài tại Việt Nam thấy dễ kết bạn (so với trung bình toàn cầu là 54%) và tỷ lệ tương tự nói người dân địa phương thân thiện một cách bất ngờ (so với trung bình toàn cầu chỉ 48%). Với tất cả những lý do trên, không bất ngờ khi Việt Nam xếp hạng 3 trong số những điểm đến lý tưởng cho các chuyên gia nước ngoài muốn cải thiện chất lượng cuộc sống.