Đã đến lúc thiết lập Cơ chế BHTG khu vực
Trong phát biểu tại Hội thảo do Ngân hàng Pháp tổ chức hôm 28/3, bà Lagarde phát động: “Tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo khối EU tái khởi động các cuộc thảo luận, đàm phán với thiện chí và đạt được những thỏa hiệp, dù còn nhiều khó khăn, để khai thông tiềm năng cho Liên minh ngân hàng toàn khối”.
Cơ chế BHTG chung để bảo vệ người gửi tiền với hạn mức 100.000 Euro là một trụ cột nổi bật trong Liên minh ngân hàng EU, hiện đã áp dụng Cơ chế giám sát đơn độc và xử lý thống nhất các ngân hàng quan trọng đối với toàn hệ thống.
Những tiến triển của quá trình đàm phán về cơ chế BHTG khu vực còn nhỏ bé và chậm chạp, hầu hết do sự phản đối của nước Đức với hình thức này. “Chúng ta có thể tìm được những cách thức giải quyết các vấn đề quan ngại về pháp lý của từng nước” - Bà Lagarde nhấn mạnh.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thành công trong việc loại trừ những đề xuất về Cơ chế BHTG chung khỏi những kết luận của cuộc họp thượng đỉnh EU hồi tháng 12 năm ngoái, mặc dù vấp phải những phản đối mạnh mẽ từ một số quốc gia trong khối này. Berlin đã từ chối việc tương hỗ hóa các rủi ro của người gửi tiền trừ khi các ngân hàng có thể cắt giảm nợ xấu xuống mức thấp.
Nợ xấu do ngân hàng trong khối EU nắm giữ đã giảm trong những năm gần đây. Năm 2017, tỷ lệ nợ xấu trung bình dưới 3,74% so với tỷ lệ nợ xấu của các khoản vay khác là 3.7%. Tuy nhiên, các cơ quan giám sát chỉ ra rằng mức độ này vẫn còn đáng lo ngại ở các quốc gia như Hy Lạp.
Trước những tiến triển trong quá trình lành mạnh hóa bảng cân đối tài chính của các ngân hàng, IMF, ECB, Ủy ban Châu Âu, Chủ tịch Eurogroup và phần lớn các quốc gia thành viên ủng hộ xây dựng Cơ chế BHTG chung.
Vấn đề nợ công
Các quan chức Châu Âu cho biết, cốt lõi của sự bất đồng thuận không chỉ là mức độ nợ xấu mà còn là khối lượng nợ công do một số ngân hàng nắm giữ và rủi ro chủ quyền của đất nước họ. Do đó, tiến trình đàm phán về Cơ chế BHTG có liên quan đến đàm phán về xử lý nợ công.
Trọng số không rủi ro hiện tại của nợ công đã được Ủy ban Basel xem xét ở quy mô quốc tế, nhưng chưa đạt được thỏa thuận nào. Kết quả là Ủy ban Basel đã quyết định không đưa ra bất kỳ đề xuất nào liên quan. Vấn đề này cũng đã được thảo luận bởi các quốc gia thành viên trong nhóm chuyên gia của Hội đồng Châu Âu.
Cũng theo các nguồn tin từ Châu Âu, có một sự bế tắc giữa việc xử lý theo quy định đối với nợ công và Cơ chế BHTG chung. Để khắc phục tình trạng này, các nhà đàm phán đang đề xuất xem xét hình thức BHTG chung mà các nước Châu Âu muốn phát triển trong 10 năm tới và chuyển nó thành các đề xuất cụ thể, bao gồm cả vấn đề nợ công.
“Chúng tôi đang xem xét việc hoàn thiện Liên minh ngân hàng một cách rộng hơn. Mặc dù có thể không đạt được một thỏa thuận vào tháng 6, nhưng sẽ đưa ra được những kết quả nhất định.” - Một quan chức Châu Âu cho hay.