Thực tiễn triển khai công tác giám sát kết hợp kiểm tra tại Chi nhánh
Chính thức đi vào hoạt động từ ngày 19/10/2016, Chi nhánh BHTGVN tại TP. Đà Nẵng đã khẳng định được vai trò là “cánh tay nối dài” của BHTGVN, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền tại khu vực Duyên hải Trung Trung Bộ. Đến nay, Chi nhánh được giao quản lý 62 tổ chức tham gia BHTG (61 QTDND và 01 chi nhánh ngân hàng nước ngoài) trên địa bàn 6 tỉnh, thành phố:Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định.
Tại Chi nhánh, hoạt động giám sát từ xa và kiểm tra tại chỗ có mối quan hệ mật thiết, bổ trợ cho nhau, kết quả của hoạt động này là đầu vào cho hoạt động kia và ngược lại.
Cụ thể, đối với kiểm tra định kỳ, kết quả giám sát từ xa là một trong những căn cứ để Chi nhánh đưa ra định hướng xây dựng kế hoạch kiểm tra hàng năm như xác định số lượng và đối tượng dự kiến kiểm tra. Hiện nay, Chi nhánh xây dựng kế hoạch kiểm tra (1 đến 3 năm/lần) đối với một QTDND căn cứ từng loại hình, quy mô nguồn vốn và kết quả phân loại đối với tổ chức đó. Hoạt động giám sát thực hiện cung cấp thông tin, số liệu của các QTDND bao gồm mạng lưới tổ chức và hoạt động, việc chấp hành các quy định của BHTGVN như hồ sơ pháp lý, tình hình cấp, thu hồi Chứng nhận tham gia BHTG, số liệu giám sát, số liệu về việc tính và thu phí theo kế hoạch kiểm tra định kỳ của Chi nhánh, cũng như kiểm tra mở rộng theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN. Đồng thời, kết quả giám sát cũng giúp xác định những nội dung cần chú trọng/lưu ý khi tiến hành kiểm tra.
Đối với kiểm tra đột xuất, tính đến nay, hoạt động giám sát đã đề xuất 33 trường hợp QTDND cần thực hiện kiểm tra, cung cấp 75 lượt thông tin, số liệu của các QTDND cho các đoàn Kiểm tra, trong đó có 71 lượt kiểm tra định kỳ và 04 lượt kiểm tra theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN. Việc cung cấp thông tin đầy đủ giúp các đoàn kiểm tra xem xét, đối chiếu số liệu một cách nhanh chóng, thuận tiện và đưa ra nhận xét đánh giá toàn diện hơn về hoạt động của các QTDND.
Bên cạnh đó, hoạt động kiểm tra là một trong những thông tin đầu vào quan trọng trong việc lập báo cáo giám sát, giúp cho việc giám sát, đánh giá tuân thủ quy định của pháp luật về BHTG đối với QTDND trên địa bàn Chi nhánh quản lý được chính xác, đầy đủ, toàn diện. Đặc biệt, kết quả kiểm tra việc quản lý và niêm yết bản sao Chứng nhận tham gia BHTG là cơ sở phục vụ cho công tác theo dõi, cấp Chứng nhận tham gia BHTG như: Cấp bổ sung bản sao Chứng nhận cho các đơn vị chưa đề nghị cấp; cấp đổi Chứng nhận cho các đơn vị làm mất, rách nát, hư hỏng hoặc thông tin trên chứng nhận bị sai/có thay đổi; thu hồi Chứng nhận đối với những đơn vị không còn hoạt động... Đến nay, hoạt động kiểm tra của Chi nhánh đã cung cấp 75 kết luận kiểm tra làm thông tin đầu vào cho hoạt động giám sát, với 54 lượt kiến nghị QTDND bổ sung đầy đủ hồ sơ pháp lý và 65 lượt kiến nghị về công tác tính và nộp phí BHTG.
Theo đó, phòng Giám sát của Chi nhánh có trách nhiệm theo dõi và thông báo cho phòng Kiểm tra kết quả thực hiện kết luận kiểm tra của QTDND về những nội dung liên quan tình hình và kết quả cung cấp thông tin về tiền gửi được bảo hiểm; thông tin về đề nghị cấp và thu hồi bản sao Chứng nhận tham gia BHTG; các thông tin và báo cáo khác theo yêu cầu của BHTGVN. Việc thông báo này được thực hiện theo định kỳ hàng quý, nhằm cung cấp những thông tin cần thiết để đề xuất biện pháp xử lý; hoặc kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền có biện pháp xử lý đối với tổ chức được kiểm tra không thực hiện hay thực hiện không đầy đủ, không kịp thời kết luận kiểm tra.
Trong năm 2020 và 2021, Chi nhánh được phân công kiểm tra 04 QTDND theo các nội dung chỉ đạo của Thống đốc NHNN trong khi số lượng cán bộ kiểm tra còn mỏng. Vì vậy, các đoàn kiểm tra của Chi nhánh phải trưng dụng thêm cán bộ của phòng Giám sát nhằm thực hiện kiểm tra được nhanh chóng, chính xác hơn. Trong quá trình triển khai, các cán bộ của đoàn kiểm tra đã phối hợp nhịp nhàng, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhằm đạt kết quả kiểm tra khách quan, chính xác, trung thực.
Thông qua hoạt động giám sát, kiểm tra, Chi nhánh có cái nhìn tổng quan về tình hình hoạt động của QTDND, đặc biệt là hoạt động huy động tiền gửi tiết kiệm, quản lý ấn chỉ cũng như đạo đức, trình độ của cán bộ QTDND trong việc huy động vốn, từ đó đưa ra những cảnh báo rủi ro liên quan cho QTDND và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý kịp thời các vi phạm, giảm thiểu rủi ro cho hệ thống tài chính ngân hàng.
Căn cứ vào kết quả giám sát và kiểm tra, Chi nhánh gửi thông báo nhắc nhở đối với các đơn vị có vi phạm các quy định của BHTG như vi phạm trong việc tính và nộp phí BHTG, chậm bổ sung hồ sơ pháp lý, chậm gửi hồ sơ đề nghị cấp Chứng nhận, bản sao Chứng nhận tham gia BHTG; hoặc đưa ra những cảnh báo việc chấp hành các quy định về an toàn hoạt động ngân hàng của các QTDND, về rủi ro hoạt động của QTDND, về công tác quản trị rủi ro liên quan đến đạo đức cán bộ của QTDND.
Một số tồn tại, hạn chế
Thực tế trong quá trình phối kết hợp hai công tác giám sát và kiểm tra vẫn còn một số tồn tại cần được khắc phục, cụ thể: Chất lượng các báo cáo giám sát nhằm đảm bảo tính kịp thời, giúp phát hiện, cảnh báo sớm các tổ chức tham gia BHTG có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật về BHTG cũng như an toàn trong hoạt động ngân hàng chưa cao. Môi trường liên kết mạng nội bộ giữa các phần mềm nghiệp vụ giám sát và kiểm tra chưa được hoàn thiện dẫn đến việc cung cấp, trao đổi thông tin giữa hai nghiệp vụ vẫn đang được thực hiện thủ công.
Đối với vi phạm về an toàn hoạt động được phát hiện qua kiểm tra, Chi nhánh đã có kết luận và kiến nghị nhưng việc thực hiện các biện pháp khắc phục của QTDND vẫn còn chậm. Đối với những vi phạm quy định pháp luật về BHTG việc xử phạt còn khó khăn, chậm hoặc còn nhẹ, mới chỉ mang tính nhắc nhở, thiếu các biện pháp nghiêm khắc đối với những đơn vị không chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về BHTG.
Giải pháp tăng cường hiệu quả phối hợp giám sát và kiểm tra tại Chi nhánh
Tăng cường chất lượng thông tin của giám sát cung cấp cho kiểm tra và ngược lại
Trước hết, hoạt động giám sát nghiên cứu và đưa ra các chỉ tiêu cảnh báo phù hợp (đặc biệt là trong việc theo dõi, giám sát thường xuyên tình hình hoạt động, biến động số dư tiền gửi của các tổ chức tham gia BHTG trên địa bàn) để cung cấp thông tin đầu vào hữu hiệu nhằm xây dựng kế hoạch kiểm tra và thực hiện kiểm tra đúng trọng tâm, trọng điểm. Cán bộ làm công tác giám sát cần được đào tạo bài bản về chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao kỹ năng phân tích, đánh giá. Bên cạnh đó, để kết quả kiểm tra trở thành một trong những thông tin đầu vào quan trọng, hiệu quả cho công tác giám sát, nội dung kiểm tra cần đảm bảo xác định đúng trọng tâm của chương trình kiểm tra theo định kỳ và đột xuất.
Tăng cường chất lượng phối hợp công tác giám sát và kiểm tra
Thứ nhất, Chi nhánh xây dựng và hoàn thiện môi trường liên kết mạng nội bộ, trao đổi thông tin giữa các bộ phận nghiệp vụ, đảm bảo việc cung cấp thông tin giữa hai mảng nghiệp vụ chính là giám sát và kiểm tra, cập nhật tự động, thường xuyên. Số liệu giám sát đáp ứng được yêu cầu của thời điểm kiểm tra, đồng thời kết quả kiểm tra cung cấp nguồn thông tin để đối chiếu kết quả giám sát nhằm xây dựng các báo cáo giám sát tổng hợp và xếp loại chính xác hơn.
Thứ hai, để có thể xử lý các kiến nghị sau giám sát và kiểm tra một cách chất lượng hơn, công tác giám sát và công tác kiểm tra cần tuân thủ theo thông tin giám sát được xây dựng ở thời điểm thực hiện và so sánh với kết luận kiểm tra đã được thông qua trong kỳ kiểm tra lần trước. Đây là một biện pháp gối đầu (kiểm tra lại kết quả giám sát và giám sát lại kết quả kiểm tra), giúp cho thông tin giám sát được kiểm chứng thông qua hoạt động kiểm tra, và kết quả kiểm tra được tra soát, theo dõi thực hiện thông qua hoạt động giám sát, từ đó có thể phát hiện ra những sai phạm, rủi ro tiềm ẩn của QTDND.