Dự thảo được Chính phủ Ấn Độ công bố có quy định về việc thành lập Tổng công ty Xử lý đổ vỡ, có chức năng giám sát các tổ chức tài chính, đánh giá sức chịu đựng và thực hiện các biện pháp điều chỉnh trong trường hợp xảy ra đổ vỡ. Tổng công ty này sẽ đánh giá rủi ro và phân loại các tổ chức tài chính vào các nhóm: rủi ro thấp, rủi ro trung bình, rủi ro trọng yếu, nguy cơ đổ vỡ cao, và tình trạng khẩn nguy. Trong trường hợp tổ chức tài chính được xếp vào nhóm khẩn nguy, Tổng công ty Xử lý đổ vỡ sẽ được trao quyền hạn tiếp quản tổ chức đó, đồng thời xử lý vấn đề trong thời gian 1 năm và có thể kéo dài thêm 1 năm nữa nếu cần thiết.
Việc thành lập Tổng công ty xử lý đổ vỡ sẽ dẫn tới giải thể và chuyển giao trách nhiệm bảo lãnh tín dụng từ Tổng công ty BHTG và Bảo lãnh tín dụng (DICGC) – trực thuộc NHTW Ấn Độ - tổ chức được thành lập từ thập niên 70 của thế kỷ XX, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ cho tất cả các khoản tiền gửi ngân hàng.
Theo Dự luật, khi thành lập Tổng công ty Xử lý đổ vỡ, các ngân hàng sẽ nộp phí cho Tổng công ty này thay vì DICGC. Tuy nhiên, Dự luật lại không nêu cụ thể giới hạn tiền gửi được bảo hiểm hay hạn mức trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền, mà quyền quyết định về hạn mức trả tiền bảo hiểm được đặt trong tay Tổng công ty Xử lý đổ vỡ.
Bên cạnh đó, Dự luật cũng quy định về cơ chế giải cứu ngân hàng (bail-in) khi cho phép ngân hàng ghi nhận nợ và phát hành chứng khoán đối với các khoản tiền gửi. Giải pháp gây lo ngại về việc ảnh hưởng nặng nề tới quyền lợi của người gửi tiền.
Ngành ngân hàng Ấn Độ đang oằn mình trước gánh nặng nợ xấu. Theo Báo cáo Ổn định Tài chính của NHTW Ấn Độ công bố tháng 6/2017, tổng tỷ suất tài sản không sinh lời trên nợ của hệ thống ngân hàng nước này ở mức 9,6%, tính tới tháng 3/2017. Trong khi đó, hạn mức BHTG hiện tại của Ấn Độ nằm trong nhóm thấp nhất toàn cầu. Hơn hai thập kỷ qua, hạn mức BHTG tại Ấn Độ vẫn ở mức 100.000 Rs (khoảng 1.500 USD) bao gồm cả gốc và lãi cho mỗi người gửi tiền tại mỗi ngân hàng trong trường hợp ngân hàng đổ vỡ.
Tháng 12/2017, ngay sau khi Chính phủ Ấn Độ công bố việc đệ trình Dự luật FRDI lên Quốc hội, làn sóng phản đối đã nổi lên với những tiếng nói mạnh mẽ từ Phòng Công nghiệp Ấn Độ, Liên đoàn lao động Ngân hàng Ấn Độ, cũng như của người gửi tiền.
Luật Xử lý đổ vỡ tài chính và Bảo hiểm tiền gửi được cho là nỗ lực củng cố lòng tin của người gửi tiền vào các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính trong thời kỳ khủng hoảng, siết chặt kỷ luật đối với các tổ chức tài chính bằng cách hạn chế việc sử dụng ngân sách để xử lý đổ vỡ. Tuy nhiên, với những phản ứng dữ dội từ công chúng, Chính phủ Ấn Độ đã quyết định rút dự luật khỏi chương trình nghị sự của Quốc hội. Nguồn tin của báo Times of India cho biết, trước thời gian bầu cử, Chính phủ nước này không muốn thực hiện những thay đổi chính sách có tính nhạy cảm.
Đ.T.T
Nguồn:
https://timesofindia.indiatimes.com/business/india-business/bail-in-clause-govt-to-drop-frdi-bill-to-calm-depositors/articleshow/65047997.cms
http://www.financialexpress.com/money/cabinet-approves-proposal-to-introduce-financial-resolution-and-deposit-insurance-bill-2017/717734/
http://www.thehindu.com/business/Industry/the-frdi-bill-and-concerns-of-the-depositor/article21081902.ece
http://www.businesstoday.in/current/economy-politics/assocham-govt-remove-bail-in-frdi-bill-bank-deposits-only-financial-security-pensioners/story/266018.html