Chiều 3/11, tại phiên họp thường kỳ tháng 10/2017 của Chính phủ, khi đánh giá về tình hình kinh tế xã hội, tin vui đầu tiên mà Thủ tướng thông báo là Ngân hàng Thế giới (WB) đã xếp hạng môi trường kinh doanh Việt Nam tăng 14 bậc, từ 82 lên 68. Cùng với đó, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's đã nâng mức đánh giá triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực”. Thủ tướng nhìn nhận và đánh giá cao công tác điều hành của NHNN. Trước đó, cuối tháng 9, Diễn đàn Kinh tế Thế giới cũng đã công bố năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 5 bậc, từ 60 lên 55 trong tổng số 137 nền kinh tế.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch – Đầu tư cho thấy, trên thị trường tiền tệ, hoạt động ngân hàng, các chỉ tiêu tiền tệ, tín dụng diễn biến phù hợp với định hướng duy trì ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Tín dụng cho nền kinh tế tăng trưởng tốt ngay từ đầu năm. Mặt bằng lãi suất tương đối ổn định, lãi suất cho vay giảm dần nhờ việc điều chỉnh giảm lãi suất điều hành và lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên. Tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định. Dự trữ ngoại hối nhà nước tăng.
Trên thực tế, thời gian qua, để ổn định mặt bằng lãi suất huy động, tạo cơ sở vững chắc giảm lãi suất cho vay, NHNN đã triển khai đồng bộ các công cụ và giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, trong đó có việc đáp ứng kịp thời nhu cầu thanh khoản cho các tổ chức tín dụng (TCTD) để TCTD có đủ nguồn vốn cho vay nền kinh tế, nhờ đó giúp duy trì lãi suất trên thị trường 2 luôn duy trì ở mức thấp, tạo điều kiện giảm chi phí vốn vay của các TCTD. NHNN đã giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành. Cụ thể, giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6,5%/năm xuống 6,25%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,5%/năm xuống 4,25%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 7,5%/năm xuống 7,25%/năm. Nhờ đó đã hỗ trợ các TCTD giảm chi phí vốn vay (giảm 0,5% lãi suất cho vay ngắn hạn cho các khách hàng thuộc 5 nhóm đối tượng ưu tiên).
NHNN linh hoạt trong điều hành nhưng kiên định trong mục tiêu duy trì ổn định thị trường tiền tệ, nhờ đó lạm phát đã được kiểm soát theo mục tiêu do Quốc hội đề ra, vị thế VND được nâng cao, tỷ giá ổn định; tất cả các yếu tố đó là nền tảng cơ bản giúp ổn định mặt bằng lãi suất huy động VND để từng bước giảm lãi suất cho vay.
Về điều hành tỷ giá, tỷ giá trung tâm tiếp tục được NHNN điều hành linh hoạt, bám sát diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ; điều chỉnh linh hoạt tỷ giá mua ngoại tệ để có điều kiện tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước trong những giai đoạn cung-cầu thị trường ngoại tệ thuận lợi; đồng thời NHNN chủ động và linh hoạt điều tiết thanh khoản VND hợp lý, qua đó góp phần bình ổn định thị trường ngoại tệ, tỷ giá theo mục tiêu đề ra.
Theo NHNN, cung - cầu thị trường ngoại tệ trong nước những tháng gần đây khá thuận lợi: cán cân thương mại từ tháng 7 trở lại đây liên tục xuất siêu, trong đó tháng 8 và tháng 9 xuất siêu ở mức cao (lần lượt 1,58 tỷ USD và 1,1 tỷ USD); các dòng vốn nước ngoài FDI, FII, kiều hối tiếp tục thuận lợi. Trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ dồi dào, trạng thái ngoại tệ của các TCTD ở mức dương cao, vì vậy để tăng dự trữ ngoại hối nhà nước, trong tháng 10 vừa qua, NHNN giảm tỷ giá mua ngoại tệ kết hợp thực hiện mua kỳ hạn để khuyến khích các TCTD sớm bán ngoại tệ cho NHNN. Thanh khoản thị trường tốt, hệ thống các TCTD mua ròng ngoại tệ từ khách hàng; các nhu cầu hợp lý, hợp pháp của tổ chức, cá nhân về ngoại tệ đều được đáp ứng đầy đủ, kịp thời; NHNN tiếp tục mua được ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. Tỷ giá diễn biến cơ bản ổn định so với cuối năm 2016.
Ông Nguyễn Tú Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) nhận định, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất vào cuối năm được đánh giá là lên đến hơn 96%, nhưng biến động về giá các đồng tiền trong thời gian qua không nhiều, đồng USD có hồi phục từ cuối tháng 9 nhưng vẫn ở mức thấp. Bên cạnh đó, sự đảo chiều ngoạn mục của cán cân thương mại đã giúp cải thiện mạnh mẽ cán cân vãng lai, giảm mạnh áp lực về cầu ngoại tệ cuối năm (mà theo mùa vụ thường tăng cao hơn).
Các mô hình dự báo của NHNN và một số ngân hàng thương mại cũng cho thấy, cán cân tổng thể sẽ tiếp tục thặng dư lớn. Từ hồi tháng 6 khi thâm hụt thương mại đang ở mức cao nhưng các dự báo vẫn cho thấy, cán cân tổng thể có khả năng thặng dư khoảng 2 tỷ USD nay đã có chuyển biến rất nhanh ở cán cân thương mại và giải ngân FDI tăng nhanh thì khả năng cán cân tổng thể sẽ thặng dư vượt xa mức 2 tỷ USD.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN sẽ tiếp tục bám sát diễn biến của thị trường và trạng thái ngoại tệ của các NHTM để chủ động điều chỉnh các diễn biến bất thường nếu có. Với tình hình cung - cầu trong nước khá thuận lợi, diễn biến thị trường quốc tế chưa có gì bất thường, gần như chắc chắn tỷ giá sẽ không biến động quá lớn.