IDIC được thành lập và đi vào hoạt động vào ngày 22/9/2005 theo Luật BHTG được Quốc hội Indonesia ban hành năm 2004. Trước khi thành lập IDIC, Chính phủ Indonesia đã thực hiện bảo hiểm toàn bộ tiền gửi để lấy lại niềm tin của công chúng vào hệ thống tài chính, ngân hàng đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng tài chính ở Châu Á năm 1997. Tuy nhiên, việc bảo hiểm toàn bộ đã dẫn tới những rủi ro về mặt đạo đức và gia tăng gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, do đó cần phải thay đổi chính sách BHTG cho phù hợp với tình hình mới. Luật BHTG Indonesia đã thể hiện những thay đổi ở quốc gia này và chứng minh tính hiệu quả sau một thời gian triển khai. Đồng thời, để ứng phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu, Chính phủ Indonesia cũng đã ban hành một số quy định mới về việc giám sát tài chính, trong đó có quy định trách nhiệm của IDIC.
IDIC hoạt động độc lập, minh bạch với nhiệm vụ chính là bảo vệ tiển gửi của người gửi tiền và tích cực tham gia vào hoạt động ổn định của hệ thống ngân hàng, có trách nhiệm giải trình với Tổng thống Indonesia và cơ quan quản lý cấp cao. Trong 6 năm hoạt động, tổng tài sản của IDIC đã tăng từ 4 nghìn tỷ IDR (khoảng 470 triệu USD) lên tới hơn 25 nghìn tỷ IDR (khoảng 2,9 tỷ USD). IDIC có vai trò quan trọng không chỉ bảo vệ tốt quyền lợi người gửi tiền mà còn góp phần ổn định tài chính bằng việc ngăn ngừa đổ vỡ ngân hàng.
Luật BHTG Indonesia tập trung vào một số nội dung sau:
- Về tổ chức BHTG
Nhiệm vụ
- Bảo vệ người gửi tiền;
- Tham gia tích cực vào việc tăng cường ổn định của hệ thống tài chính.
Quyền hạn
- Quản lý quỹ BHTG;
- Thu phí và xây dựng hệ thống;
- Tiếp cận với thông tin về tiền gửi và báo cáo tài chính của ngân hàng nhằm quản trị rủi ro;
- Tiếp nhận xử lý, chi trả cho người tiền và thanh lý ngân hàng đổ vỡ;
- Tiếp quản nhiệm vụ của Đại hội đồng cổ đông của ngân hàng bị đổ vỡ hoặc giải thể.
- Cơ chế tham gia BHTG
Theo Luật BHTG Indonesia, tất cả các ngân hàng hoạt động trên lãnh thổ của Indonesia phải tham gia BHTG bắt buộc, bao gồm các chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng con nước ngoài. Hiện nay IDIC bảo hiểm cho 109 ngân hàng thương mại, 1674 ngân hàng nông thôn và 165 ngân hàng đạo Hồi.
- Loại tiền gửi được bảo hiểm
Bao gồm tiền gửi tiết kiệm, tài khoản vãng lai, tiền gửi có kỳ hạn, chứng nhận tiền gửi chứng chỉ tiền gửi, tiền gửi đạo Hồi và và các loại tiền gửi khác.
- Hạn mức chi trả tiền gửi được BHTG
Hạn mức BHTG được chi trả cho mỗi cá nhân tại mỗi ngân hàng là 100.000.000 IDR ( 11.000 USD). Hạn mức này gấp khoảng 9,6 lần GDP bình quân đầu người của Indonesia. Để đối phó với khủng hoảng nâng cao niềm tin công chúng với hệ thống tài chính ngân hàng, từ ngày 13/10/2008 đến nay, Chính phủ Indonesia đã tạm thời nâng hạn mức BHTG lên 2 tỷ IDR (khoảng 222.222 USD). Việc tính chi trả tiền gửi được bảo hiểm được áp dụng với mức lãi suất cao nhất. Luật BHTG Indonesia quy định hạn mức BHTG có thể được điều chỉnh khi xảy ra một trong các điều kiện sau đây:
+ Một lượng tiền lớn bị đồng loạt rút khỏi hệ thống ngân hàng (rút tiền hàng loạt);
+ Tỷ lệ lạm phát cao trong một số năm;
+ Số người gửi được bảo hiểm hoàn toàn chiếm dưới 90% tổng số người gửi tiền;
+ Tồn tại nguy cơ khủng hoảng tài chính đe dọa làm suy giảm niềm tin của công chúng vào hệ thống ngân hàng và tác động xấu tới sự ổn định hệ thống tài chính.
- Về năng lực tài chính
Nguồn vốn của IDIC bao gồm nguồn vốn Nhà nước và vốn tư nhân. Nguồn vốn ban đầu không hoàn lại là 4 nghìn tỷ IDR ( khoảng 435 triệu USD). Nguồn vốn từ các ngân hàng thành viên nộp phí đồng hạng là 0,1% số dư tiền gửi bình quân 6 tháng/lần và phí thành viên ban đầu là 0,1% vốn điều lệ một lần duy nhất. Số dư hoạt động hàng năm sẽ được phân bổ 80% cho quỹ BHTG và 20% cho các quỹ dự trữ đã lập. Quỹ BHTG được sử dụng nhằm chi trả cho các tài khoản được bảo hiểm, chi phí liên quan đến việc chi trả hoặc thanh lý và cấp bổ sung trong việc xử lý ngân hàng đổ vỡ. Các quỹ dự trữ đã lập là các nguồn lực có tác dụng tăng cường năng lực thực hiện chức năng và nhiệm vụ của IDIC. Quỹ mục tiêu của IDIC bằng 2,5% tổng số dư tiền gửi của hệ thống ngân hàng. Trên cơ sở đánh giá tổn thất dự kiến, IDIC định kỳ lập dự phòng cho các khoản tổn thất do chi trả bảo hiểm; IDIC được quyền nhận sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ. Nếu IDIC gặp vấn đề về thanh khoản, Chính phủ sẽ hỗ trợ thanh khoản. Còn nếu vốn IDIC bị giảm xuống thấp hơn mức vốn ban đầu, Chính phủ sẽ phục hồi mức thiếu hụt vốn đó.
- Về phí BHTG
Các thành viên đóng phí BHTG đồng hạng 6 tháng/lần là 0,1%/trên tổng số tiền gửi (0,2%/năm). Điều 15 Luật BHTG Indonesia quy định: Tỷ lệ phí cố định có thể được điều chỉnh sang hệ thống phí theo mức độ rủi ro. Trong trường hợp thiết lập hệ thống phí điều chỉnh theo mức độ rủi ro, chênh lệch giữa các hạng phí cao nhất không được vượt quá 0,5%. IDIC đã và đang nghiên cứu các vấn đề có liên quan để ứng dụng hệ thống phí trên cơ sở rủi ro nhằm đảm bảo nguyên tắc thị trường.
- Về các nghiệp vụ BHTG
+ Giám sát, kiểm tra
Nhằm đối phó với khủng hoảng tài chính và tăng cường sự ổn định hệ thống ngân hàng trong nước, ngày 27/10/2011, Chính phủ Indonesia đã ban hành Luật của Cơ quan dịch vụ tài chính (FSA). Luật quy định nhằm tăng tính trách nhiệm của IDIC trong việc giám sát thị trường tài chính, theo đó quy định thanh lập Diễn đàn phối hợp ổn định hệ thống tài chính (FSSCF), cải thiện quyền hạn của IDIC để thực hiện chức năng kiểm tra tại chố và tích hợp dữ liệu/chia sẻ thông tin giữa các thành viên trong mạng an toàn tài chính, yêu cầu IDIC chuẩn bị trước về cơ sở hạ tầng thông tin, cơ cấu tổ chức và nguồn lực cũng như các tiêu chuẩn hoạt động khác. FSSCF là một diễn đàn để thực hiện phối hợp, điều phối, chia sẻ thông tin để duy trì tính ổn định của hệ thống tài chính bao gồm các thành viên là Bộ Tài chính, Thống đốc NHTW Indonesia, Chủ tịch FSA và Chủ tịch IDIC. Các thành viên thường xuyên tổ chức họp mặt ít nhất 3 tháng 1 lần hoặc đột xuất nếu cần thiết.
Theo Luật FSA, IDIC được phép thực hiện kiểm tra tại chỗ các thành viên dựa trên các chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của IDIC. Phạm vi kiểm tra là phí, thứ tự/hạng mục của các khoản tiền gửi ngân hàng, lãi suất, các khoản nợ xấu và khoản được ghi lại, các ngân hàng gặp vấn đề chất lượng tài sản và các vi phạm trong lĩnh vực tài chính. Để thực hiện kiểm tra, IDIC đã tuyển các chuyên gia về kiểm tra ngân hàng và xây dựng tổ chức cũng như đào tạo kỹ năng nguồn lực.
- Cơ chế chia sẻ thông tin tích hợp:
FSA, Ngân hàng TW và IDIC có nghĩa vụ phải xây dựng và duy trì cơ chế chia sẻ thông tin tích hợp để từng tổ chức có thể truy cập vào dữ liệu/ thông tin cần thiết một cách kịp thời. Những thông tin được trao đổi là những thông tin chung hoặc cụ thể về ngân hàng, báo cáo tài chính của ngân hàng, báo cáo kiểm tra ngân hàng do Ngân hàng TW, IDIC hoặc FSA và những thông tin quy định về bảo mật. Luật FSN cũng quy định quy trình đưa ra quyết định đối với những tổ chức tín dụng gặp vấn đề có gây ảnh hưởng đến hệ thống, các biện pháp khẩn cấp để hỗ trợ thanh khoản, và phương pháp xử lý các tổ chức tài chính bị đổ vỡ.
Luật FSN đề xuất sẽ cho phép IDIC đưa ra được những biện pháp khẩn cấp để hỗ trợ cho những công ty được bảo hiểm bị mất khả năng thanh khoản, ảnh hưởng đến hệ thống, cũng như thực hiện xử lý các công ty được bảo hiểm bị đổ vỡ.
- Cơ chế phân tích xử lý ngân hàng đổ vỡ
Ngân hàng TW Indonesia xây dựng 3 hạng mục giám sát bao gồm: giám sát thông thường cho các ngân hàng có vốn đảm bảo và lành mạnh; giám sát tăng cường cho các ngân hàng tiềm ẩn khó khăn hoặc có mức vốn không đảm bảo; giám sát đặc biệt cho các ngân hàng đang đối mặt với những khó khăn đe dọa đến khả năng tiếp tục hoạt động hoặc có số vốn thiếu hụt nghiêm trọng. Trong quá trình giám sát tăng cường, bên giám sát sẽ hướng dẫn ngân hàng lập kế hoạch làm việc để vượt qua các vấn đề đang gặp phải, tăng cường công tác đánh giá, hoặc nếu cần thiết thực hiện giám sát tại chỗ. Trong quá trình giám sát đặc biệt, bên giám sát hướng dẫn ngân hàng/ cổ đông đưa ra kế hoạch khôi phục vốn. Yêu cầu ngân hàng thực hiện đầy đủ các hoạt động giám sát bắt buộc hoặc chỉ đạo ngân hàng/ cổ đông thay đổi ban lãnh đạo, xóa bỏ các khoản nợ xấu, sáp nhập…NHTW theo đó thông báo và chia sẻ thông tin/dữ liệu với IDIC liên quan đến ngân hàng đang được giám sát đặc biệt. IDIC cùng với ngân hàng TW thực hiện thẩm định/ kiểm tra tại chỗ công tác thu thập dữ liệu nhằm chuẩn bị phân tích xử lý, sử dụng phương pháp kiểm tra với chi phí thấp hơn. Trong trường hợp ngân hàng không thể đáp ứng được các yêu cầu bắt buộc để giải quyết các vấn để trong vòng 3 tháng, ngân hàng đó sẽ bị tuyên bố đổ vỡ.
Nếu NHTW tuyên bố một ngân hàng đổ vỡ không có rủi ro hệ thống, NHTW sẽ chuyển giao NH đó cho IDIC xử lý trên cơ sở phương pháp kiểm tra với chi phí thấp hơn và P&A trong tương lai. IDIC có quyền hạn xác định phương pháp xử lý cho ngân hàng đổ vỡ thông thường.
Các lựa chọn xử lý ngân hàng đổ vỡ thông thường:
- Giải cứu một ngân hàng đổ vỡ dưới hình thức bơm vốn khi ngân hàng đáp ứng đủ các yêu cầu cụ thể;
- IDIC đề xuất NHTW thu hồi giấy phép của ngân hàng sau đó chi trả cho các khoản tiền gửi được bảo hiểm và thanh lý tài sản của ngân hàng;
Nếu NHTW chỉ ra rằng ngân hàng đổ vỡ mang tính hệ thống, NHTW sẽ triệu tập một Buổi họp Ban điều phối (CC). CC là diễn đàn mạng an toàn tài chính với các thành viên là Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc NHTW và Chủ tịch IDIC;
CC có thể tuyên bố ngân hàng đổ vỡ tác động đến hệ thống hay không, sau đó yêu cầu IDIC thực hiện xử lý dựa trên Luật IDIC;
- Giải cứu thông thường: phương phương này được lựa chọn dựa trên phương pháp kiểm tra với chi phí ít hơn nếu để đổ vỡ.
- Giải cứu có tính hệ thống: IDIC có thể giải cùng cùng hoặc không cùng với sự tham gia của cổ đông.
+ Nguyên tắc xử lý đổ vỡ: Là nguyên tắc chi phí tối thiểu trên cơ sở tính toán lợi ích giữa việc “ cứu” ngân hàng hoặc không cứu ngân hàng.
+ Để tiến hành chi trả nhanh chóng hoặc quyết định phương án xử lý phù hợp, tổ chức BHTG cần sớm có thông tin về ngân hàng có vấn đề. Vì vậy cơ quan giám sát ngân hàng sẽ thông báo và chia sẻ với IDIC dữ liệu/ thông tin liên quan đến ngân hàng có vấn đề đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt. IDIC phối hợp chặt chẽ với cơ quan giám sát ngân hàng có thể tiến hành việc kiểm tra thận trọng để thu thập dữ liệu nhằm chuẩn bị cho việc kiểm tra chi phí thấp hơn hoặc tổng hợp tiền gửi được bảo hiểm. Nếu ngân hàng không thể đáp ứng yêu cầu bắt buộc để trở thành ngân hàng lành mạnh trong 3/6 tháng, ngân hàng đó sẽ được tuyên bố là ngân hàng đổ vỡ.
Luật BHTG Indonesia quy định rõ về quy trình thủ tục xử lý tổ chức tín dụng bị đổ vỡ theo những hình thức được nêu ở trên như điều kiện xử lý, cách thức xử lý…trên tinh thần tạo tính chủ động và chịu trách nhiệm của IDIC.
Về sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc thực hiện ổn định hệ thống tài chính ngân hàng
Cơ chế phối hợp trong việc ổn định hệ thống tài chính ngân hàng được quy định tại Luật của Cơ quan dịch vụ tài chính FSA, theo đó mạng an toàn tài chính của Indonesia bao gồm 4 cơ quan:
( Sơ đồ vị trí, vai trò của IDIC trong mạng an toàn toàn tài chính)
+ Mạng 1: Quy định và giám sát ngân hàng là thành lũy bảo vệ đầu tiên. Một cơ chế giám sát chặt chẽ và hiệu quả sẽ cho phép hệ thống cảnh báo sớm xác định được phương pháp phù hợp để có thể giảm thiểu những rủi ro ảnh hưởng đến tính ổn định của hệ thống ngân hàng.
+ Mạng 2: Nếu một ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản, NHTW có thể thực hiện chức năng Người cho vay cuối cùng theo cơ chế bơm vốn ngắn hạn hoặc cơ chế bơm vốn khẩn cấp. Cơ chế bơm vốn ngắn hạn có thể được áp dụng cho tất cả các ngân hàng, trong khi đó Cơ chế bơm vốn khẩn cấp có thể áp dụng cho môt ngân hàng đang gặp vấn đề về thanh khoản và có ảnh hưởng đến hệ thống nhưng vẫn đạt đủ yêu cầu về khả năng thanh toán.
+ Mạng 3: Khi những vấn đề không thể được cải thiện ở mạng số 2 và tình trạng về khả năng thanh toán của ngân hàng càng trở nên khó khăn, cơ quan giám sát ngân hàng sẽ chuyển ngân hàng đó cho đơn vị giám sát đặc biệt và thực hiện các biện pháp khắc phục kịp thời. Nếu trong giai đoạn này tình hình của ngân hàng không được cải thiện thì sẽ bị coi là đổ vỡ và IDIC sẽ thực hiện quy trình xử lý ngân hàng. Căn cứ vào nhiệm vụ của tổ chức, IDIC có thể thực hiện chi trả cho người gửi tiền tại các ngân hàng bị đổ vỡ hoặc thực hiện xử lý ngân hàng.
+ Mạng 4: Trong quá trình thực hiện ngăn ngừa và quản lý khủng hoảng, thành lũy cuối cùng trong FSN (trong trường hợp này là Bộ Tài chính) sẽ thực hiện điều phối việc ban hành chính sách, biện pháp và cơ chế huy động vốn để thực hiện quản lý khủng hoảng.
Các cơ quan trong mạng an toàn tài chính có sự phối kết hợp, chia sẻ thông tin, phân cấp quyền hạn trách nhiệm rất rõ ràng tránh tình trạng chồng chéo chức năng và đảm bảo tính hiệu quả trong việc giám sát.
Luật BHTG Indonesia đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để IDIC thực hiện chức năng bảo vệ quyền lợi người gửi tiền và góp phần ổn định hệ thống tài chính bằng việc tham gia chủ động, trách nhiệm vào việc giám sát và xử lý đổ vỡ ngân hàng trên nguyên tắc chi phí tối thiểu. Điều đó đã mang lại lợi ích không chỉ cho người gửi tiền, ngân hàng mà cả nền kinh tế. Trong thời gian vừa qua, Indonesia đã có những phản ứng chính sách kịp thời để đối phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu, nâng cao niềm tin công chúng đối với hệ thống tài chính ngân hàng thông qua việc điều chỉnh các quy định về giám sát tài chính ngân hàng và BHTG phù hợp với điều kiện trong nước và xu hướng quốc tế.
Tài liệu tham khảo:
- Luật BHTG Indonesia và một số tài liệu khác
- Bài trình bày của Trưởng phòng bảo hiểm và quản lý rủi ro BHTG Indonesia
Bài trình bày của Trưởng phòng phân tích xử lý ngân hàng BHTG Indonesia