Vì sao người dân tìm đến “tín dụng đen”?
Tín dụng đen thời gian gần đây được coi là vấn nạn mà Chính phủ đang nỗ lực tìm cách đẩy lùi. Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, cùng với đó là nhiều biện pháp từ các cơ quan chức năng như NHNN, Bộ Công an và cả chính quyền địa phương cũng vào cuộc tích cực. Mặc dù đã loại bỏ được rất nhiều tổ chức, cá nhân núp bóng, nhưng “tín dụng đen” vẫn đang có xu hướng gia tăng ở một số địa phương.
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều người dân giảm thu nhập, đời sống khó khăn nên phải tìm đến “tín dụng đen” dù biết lãi suất rất cao, có khi lên tới 300%, thậm chí 1.000%/năm. Với những giải pháp công nghệ, người dân ở các thành phố lớn dễ dàng tiếp cận các loại hình cho vay như: Vay qua trang web hoặc vay ngang hàng (P2P Lending) được thực hiện qua app. Trong khi đó, tại một số địa bàn khu vực nông thôn, người dân khó tiếp cận vốn ngân hàng (do thủ tục, điều kiện vay vốn khó khăn; thời gian xét duyệt hồ sơ kéo dài…), thì nguồn tín dụng phi chính thức này lại luôn “rộng cửa” chào đón với thủ tục vay rất đơn giản, linh hoạt, không cần tài sản thế chấp, người vay muốn vay bao nhiêu cũng được đáp ứng nhanh chóng.
Theo ghi nhận của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), từ đầu năm 2022 đến nay đã có hơn 2.600 người báo cáo lừa đảo qua website: canhbao.ncsc.gov.vn. Trong đó, số người phản ánh về các app liên quan tới hoạt động “tín dụng đen” chiếm 30%. Ngoài ra, “tín dụng đen” còn núp bóng kinh doanh dịch vụ cầm đồ, hỗ trợ tài chính…với thủ tục vay rất đơn giản, chỉ cần chụp căn cước công dân, chứng minh nhân dân hoặc hộ khẩu.
Những vụ cho vay nặng lãi gây phức tạp về tình hình an ninh trật tự, có đến 1.316 lượt đổ chất bẩn, chất thải xác định có mâu thuẫn bắt nguồn từ hoạt động cho vay nặng lãi (số liệu này do cơ quan nào đưa ra?). Mới đây, trong buổi gặp gỡ đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với công nhân, lao động năm 2022, có một số ý kiến bày tỏ lo lắng về vấn nạn “tín dụng đen” ảnh hưởng rất lớn đến người dân. Trong kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV vừa qua, nhiều cử tri cũng phản ánh nạn “tín dụng đen” đang hoành hành, cần phải có giải pháp ngăn chặn.
Nhiều giải pháp đẩy lùi “tín dụng đen”
Để đẩy lùi tín dụng đen, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019, giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành triển khai các giải pháp hạn chế “tín dụng đen”, trong đó có NHNN với các nhóm giải pháp nhằm tạo điều kiện để người dân thuận lợi tiếp cận vốn vay ngân hàng.
Theo đó, NHNN thời gian qua đã ban hành thông tư cho vay của tổ chức tín dụng, trong đó có quy định về cho khách hàng vay phục vụ nhu cầu đời sống; chỉ đạo các tổ chức tín dụng đa dạng hóa sản phẩm, triển khai các chính sách cho vay ở vùng sâu, vùng xa. NHNN cũng tiến hành rà soát, sửa đổi, ban hành thông tư riêng về tín dụng của công ty tài chính với các quy định về đòi nợ, lãi suất. Đồng thời, chú trọng công tác truyền thông để người dân hiểu được các chính sách tín dụng của Nhà nước, tín dụng cho hộ nghèo, đối tượng chính sách…
Phát biểu tại phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 10/8, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, người dân cần được tiếp cận nguồn tín dụng chính thức. Ngoài giải pháp đã và đang triển khai thực hiện như tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp để các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại mạnh dạn cho vay, không cần điều kiện phức tạp hay những thủ tục để người dân dễ dàng tiếp cận với nguồn tín dụng, NHNN cũng chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến, gắn với cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục vay vốn. Phát triển mạng lưới nhằm gia tăng tiếp cận đến người dân, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp của nhân dân.
“Tuy nhiên, cùng với những nỗ lực của NHNN cũng như các bộ, ban, ngành và cơ quan chức năng, điều quan trọng nhất là người dân nên tỉnh táo và thận trọng trước những cạm bẫy của tín dụng đen để tránh những hệ lụy khôn lường” – Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
Trước đó, khi trao đổi cùng đại diện người lao động tại Chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động năm 2022 hôm 12/6, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú thông tin, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tăng cường tín dụng tài chính vi mô, tạo điều kiện cho người yếu thế tiếp cận tín dụng tài chính ngân hàng.
Cụ thể, tất cả các hệ thống ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng có quy mô lớn, tổ chức tín dụng hợp tác đang hoạt động tại 57 tỉnh, thành phố và các công ty tài chính cũng như 420 chương trình, dự án vi mô tại các tỉnh, thành phố đang hoạt động tích cực. NHNN sẽ đẩy mạnh tín dụng diện này để tăng cường khả năng tiếp cận của người dân nói chung và nông dân nói riêng.
Thúc đẩy hoạt động ngân hàng chính thức bằng chính sách BHTG
Hưởng ứng và chung tay cùng Chính phủ, NHNN hướng tới đẩy lùi “tín dụng đen”, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) những năm qua đã tích cực triển khai chính sách BHTG, từ đó đóng góp tích cực vào việc nâng cao khả năng huy động vốn của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), đặc biệt là hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) có địa bàn hoạt động đa phần tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Thông qua triển khai các hoạt động nghiệp vụ, BHTGVN đã góp phần thúc đẩy việc phát triển kênh huy động, tín dụng chính thức vào hệ thống ngân hàng nói chung và QTDND nói riêng.
Cụ thể, với nghiệp vụ giám sát, kiểm tra giúp BHTGVN kịp thời phát hiện các QTDND có biểu hiện bất ổn về hoạt động, vi phạm quy định an toàn về ngân hàng, từ đó có biện pháp kiểm soát rủi ro kịp thời, tránh những đổ vỡ dây chuyền.
Quy định về bắt buộc niêm yết chứng nhận tham gia BHTG giúp người gửi tiền nhận diện các QTDND đã tham gia BHTG để gửi tiền an toàn, tránh xa những lời mời chào lãi suất cao từ “tín dụng đen” núp bóng có thể khiến họ mất toàn bộ số tiền mồ hôi công sức dành dụm được.
Nếu chẳng may QTDND gặp sự cố và mất khả năng thanh khoản, BHTGVN sẽ chi trả tiền gửi được bảo hiểm cho người gửi tiền với hạn mức 125 triệu đồng theo quy định của pháp luật. Theo tính toán của BHTGVN, hạn mức này hiện đang bảo vệ toàn bộ cho gần 91% người gửi tiền của toàn hệ thống ngân hàng.
Nhận thức việc tuyên truyền hiệu quả chính sách BHTG sẽ góp phần hạn chế và đẩy lùi nạn “tín dụng đen” tại khu vực nông thôn, thời gian qua BHTGVN thông qua mạng lưới 8 chi nhánh BHTG trên cả nước đã tích cực phối hợp với NHNN chi nhánh các tỉnh thành phố, hệ thống các QTDND, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ… các địa phương tổ chức sự kiện tuyên truyền, sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt cộng đồng để chuyển tải chính sách BHTG đến người gửi tiền bằng các hình thức dễ hiểu, dễ tiếp cận và dễ ghi nhớ.
Đối với các địa bàn vùng sâu vùng xa, BHTGVN lựa chọn kênh truyền thông độc quyền của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPOST) để tuyên truyền chính sách BHTG qua phong bì chi trả lương hưu tại các điểm bưu điện văn hóa xã; qua standee và poster để người dân hiểu rằng, tiền gửi của họ tại các tổ chức tham gia BHTG luôn được pháp luật đảm bảo an toàn, cũng như cần tuân thủ đúng quy định pháp luật khi gửi tiền để trong trường hợp xảy ra sự cố sẽ được BHTGVN đứng ra bảo vệ.
Theo thông tin từ BHTGVN, hiện tổ chức này đang bảo vệ cho hơn 89 triệu lượt người gửi tiền với số tiền gửi được bảo hiểm là gần 7 triệu tỷ đồng tại 1.283 tổ chức tham gia BHTG, trong đó có 97 ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.181 QTDND, 1 ngân hàng hợp tác xã và 4 tổ chức tài chính vi mô. Bằng việc ngày càng đẩy mạnh triển khai hiệu quả các hoạt động nghiệp vụ nhằm đảm bảo an toàn cho các tổ chức tham gia BHTG, kết hợp với tuyên truyền hiệu quả chính sách BHTG, người dân ngày càng yên tâm khi mang tiền tới các QTDND hay tổ chức vi mô gửi tiết kiệm, từ đó góp phần duy trì an ninh, trật tự xã hội; đẩy lùi tệ nạn “tín dụng đen” tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Theo các chuyên gia, về lâu dài, cần cải tổ hệ thống tài chính, ngân hàng, giúp người dân dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn vay khi cần. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền chính sách BHTG để người dân có hiểu biết đầy đủ, chính xác về BHTG, nhận diện được các hình thức “tín dụng đen” núp bóng huy động vốn/cho vay lãi suất cao, tránh những hệ lụy khôn lường.