Quý III năm 2017 ghi nhận nhiều nỗ lực của các tổ chức Bảo hiểm tiền gửi (BHTG)trên thế giới trong việc củng cố, đổi mới cơ chế hoạt động của hệ thống BHTG, điều chỉnh chính sách BHTG nhằm bảo vệ tốt hơn người gửi tiền, qua đó khẳng định vai trò của tổ chức BHTG trong việc đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính - ngân hàng tại mỗi quốc gia cũng như quốc tế.
Động thái đáng chú ý nhất trong Quý III là đề xuất tăng hạn mức BHTG của Singapore và việc sửa đổi khuôn khổ pháp lý để Tổng Công ty BHTG Canada được chính thức bổ sung nhiệm vụ xử lý các ngân hàng lớn nhất.
Singapore lên kế hoạch tăng hạn mức BHTG
Ngày 4/8/2017, Cục tiền tệ Singapore (MAS) bắt đầu lấy ý kiến về dự thảo đề xuất củng cố Cơ chế BHTG. Việc lấy ý kiến này đã diễn ra từ ngày 4/8 đến 4/9/2017.
Nội dung chính của đề xuất là tăng hạn mức BHTG từ 50.000 đôla Singapore (SGD)lên 75.000SGD. Trước đó, Singapore đã tăng hạn mức từ 20.000 lên 50.000SGDvào năm 2011 với mức đảm bảo chi trả toàn bộ cho 91% người gửi tiền được bảo hiểm.
Kể từ năm 2011 tới nay, MAS đã phối hợp Tổng công ty BHTG Singapore (SDIC) thực hiện các cuộc khảo sát định kỳ về chính sách BHTG. Theo đó, tỉ lệ người gửi tiền được chi trả toàn bộ đã giảm xuống còn 87% do quy mô tiền gửi tăng trưởng đáng kể. Theo MAS, nếu tăng hạn mức BHTG lên 75.000SGD, tỉ lệ người gửi tiền được chi trả toàn bộ sẽ khôi phục lại ở mức 91%, chưa tính đến việc tăng phí đối với các thành viên. Động thái này là điều chỉnh cần thiết và kịp thời của MAS với bối cảnh kinh tế hiện tại, đồng thời phù hợp với khuyến nghị của Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi quốc tế (IADI), đó là hạn mức BHTG tốt nhất nên bảo vệ toàn bộ 90-95% số người gửi tiền.
Nếu hạn mức mới này được thông qua sẽ là công cụ có ảnh hưởng mạnh mẽ đến toàn bộ chính sách BHTG, tác động trực tiếp đến bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, đặc biệt là những người gửi tiền nhỏ lẻ, góp phần duy trì niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống BHTG nói riêng và hệ thống ngân hàng nói chung, từ đó quyết định vị thế của tổ chức BHTG trong sự ổn định tài chính quốc gia. Hạn mức mới, nếu được thông qua, sẽ được áp dụng vào năm 2018 tại Singapore.
Tổng Công ty BHTG Canada (CDIC) chính thức được bổ sung nhiệm vụ xử lý các ngân hàng lớn
Việc bổ sung này chính thức công nhận vai trò của CDIC trong việc xử lý các tổ chức tài chính tham gia BHTG – đặc biệt là các ngân hàng lớn– nhằm bảo vệ người gửi tiền, bảo vệ nền kinh tế và giảm thiểu rủi ro xảy ra cho người đóng thuế. Việc sửa đổi bổ sung nhiệm vụ của CDIC là một phần của Đạo luật thực hiện ngân sách 2017, trong đó yêu cầu các ngân hàng lớn nộp kế hoạch xử lý cho CDIC.
Việc bổ sung quyền hạn và công cụ giúp CDIC ổn định các ngân hàng lớn gặp khó khăn và phân bổ thiệt hại cho các cổ đông và chủ nợ của ngân hàng nếu ngân hàng đổ vỡ, chứ không phải người gửi tiền và người đóng thuế. Công cụ mới cho CDIC bao gồm:Quyền tạo ngân hàng bắc cầu, tăng cường khả năng tái cơ cấu, áp dụng cơ chế tự cứu trợ (bail-in) để tái cấp vốn cho ngân hàng lớn có nguy cơ đổ vỡ.
Nam Phi lên kế hoạch thành lập hệ thống BHTG
Thời gian qua, một số ngân hàng ở Nam Phi đổ vỡ, mà nước này lại thiếu một cơ chế để bảo vệ người gửi tiền.Vì vậy Ngân hàng Trung ương Nam Phi (Ngân hàng Dự trữ Nam Phi– SARB) và Bộ Tài chính nước nàyđã xác định cần thành lập một hệ thống BHTG.Hiện nay, hệ thống BHTG ở Nam Phi đang dần thành hiện thực như một phần của luật mới để điều chỉnh các tổ chức tài chính. Vào tháng 5/2017, SARB đã xuất bản trên website của mình một bài thảo luận nhan đề “Thiết kế một hệ thống BHTG cho Nam Phi” để lấy ý kiến góp ý của công chúng. Thời hạn góp ý đến hết tháng 8/2017. Theo tuyên bố của SARB, hệ thống BHTG của Nam Phi nhằm đảm bảo khi ngân hàng đổ vỡ, những khách hàng dễ tổn thương nhất hay những khách hàng ít có khả năng nhất trong việc bảo vệ bản thân thông qua các biện pháp như đa dạng hóa, cấu trúc tài chính, hoặc các biện pháp quản lý rủi ro phức tạp khác không phải chịu một cách bất hợp lý chi phí của việc đổ vỡ ngân hàng.
Một số điểm chính được đề xuất của hệ thống BHTG Nam Phi:
- Hệ thống BHTG sẽ là một thực thể pháp lý độc lập với khuôn khổ pháp lý và các yêu cầu quản trị riêng, nhưng sẽ có trụ sở tại SARB.
- Hệ thống sẽ có hạn mức 100.000 R (tiền Nam Phi) cho mỗi người gửi tiền tại mỗi ngân hàng.
- Nếu hệ thống không đủ vốn để bảo hiểm, SARB sẽ cung cấp nguồn vốn hỗ trợ cho mục đích khẩn cấp. Vốn này sẽ được thu hồi thông qua thu từ thanh lý và đóng góp của các ngân hàng còn lại.
- Nếu chủ sở hữu một tài khoản có thể được xác định dễ dàng (ví dụ tài khoản đơn hoặc tài khoản đồng sở hữu), hệ thống sẽ tiến hành chi trả trong vòng 20 ngày làm việc kể từ khi các tài khoản tiền gửi ngân hàng bị đóng lại. Trường hợp khó xác định chủ sở hữu tài khoản, thời gian trả tiền bảo hiểm có thể dài hơn. Theo thời gian, hệ thống sẽ giảm thời gian trả tiền bảo hiểm xuống với mục tiêu trả tiền bảo hiểm chỉ trong vòng 07 ngày kể từ khi tài khoản tiền gửi ngân hàng bị đóng lại.
- BHTG là bắt buộc với tất cả các ngân hàng được cấp phép.
- Hệ thống BHTG sẽ được tham vấn khi SARB nhận được hồ sơ xin cấp phép ngân hàng mới.
Một số nguyên tắc được đề xuất liên quan đến phạm vi bảo hiểm:
- Tiền gửi của người nước ngoài và tiền gửi bằng ngoại tệ tại các chi nhánh nội địa của các ngân hàng của Nam phi được bảo hiểm.
- Khi tính tiền bảo hiểm trả cho người gửi tiền, lãi suất tiền gửi sẽ được cộng vào nhưng các phí phải trả ngân hàng không bị khấu trừ.
- Tiền gửi tại chi nhánh nước ngoài và các công ty con của ngân hàng Nam Phi tại nước ngoài không được bảo hiểm.
Với thiết kế này, hệ thống BHTG Nam Phi về cơ bản sẽ đáp ứng các thông lệ quốc tế và bối cảnh kinh tế-xã hội nội tại của mình. Điều này có ý nghĩa quan trọng, tạo điều kiện cho việc triển khai chính sách bảo hiểm tiền gửi tại Nam Phi diễn ra thuận lợi và đạt được mục tiêu bảo vệ người gửi tiền, ổn định tài chính như đã đặt ra.
Chính phủ Ấn Độ thông qua Dự luật Xử lý tài chính và Bảo hiểm tiền gửi 2017 để trình Quốc hội
Tháng 6/2017, Chính phủ liên hiệp Ấn Độ đã thông qua Dự luật Xử lý tài chính và Bảo hiểm tiền gửi 2017 (FRDI) trình Quốc hội. Vào đầu tháng 9/2017, Dự luật đã được chuyển cho Ủy ban Liên viện của thượng viện và hạ viện Quốc hội xem xét, rà soát để báo cáo Quốc hội.
Dự luật FRDI là luật xử lý phá sản riêng nhằm tới các vụ mất thanh khoản và phá sản của các công ty trong lĩnh vực tài chính, với đối tượng áp dụng là tất cả các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính, bao gồm các ngân hàng, các công ty tài chính phi ngân hàng, các tổ chức tài chính vi mô và các công ty bảo hiểm.Dự luật này tương tự như Luật vỡ nợ và phá sản 2016 được thực thi từ năm 2016 nhằm xử lý các vấn đề liên quan tới vỡ nợ và phá sản của các công ty trong tất cả các lĩnh vực, trừ lĩnh vực tài chính.
Mục tiêu chính của Dự luật FRDI là đảm bảo phát hiện sớm một tổ chức tài chính gặp vấn đề và cung cấp cơ chế xử lý nhằm giảm thiểu tác động của vấn đề đó tới người gửi tiền và toàn bộ nền kinh tế đất nước. Luật FRDI là một khung quy định cơ chế xử lý một số loại hình nhà cung cấp dịch vụ tài chính và việc thành lập Công ty xử lý nhằm duy trì sự ổn định và sức khỏe của hệ thống tài chính Ấn Độ. Ngoài ra, Tổng công ty xử lý cũng có chức năng bảo vệ các khách hàng của các tổ chức tài chính và các quỹ tới một mức nhất định. Vì vậy, sau khi Luật này được ban hành, Tổng công ty Bảo đảm tín dụng và Bảo hiểm tiền gửi (DICGC) sẽ được giải thể và tất cả các chức năng của Tổng công ty này sẽ được Tổng công ty xử lý thực hiện.
Một số đặc điểm nổi bật của dự luật FRDI:
- Thành lập Công ty xử lý trên cơ sở Tổng công ty bảo hiểm tiền gửi và đảm bảo tín dụng;
- Bãi bỏ Luật tổng công ty bảo hiểm tiền gửi và đảm bảo tín dụng 1961;
- Các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính chịu sự điều chỉnh của Dự luật;
- Giới hạn thời gian xử lý;
- Củng cố các luật hiện hành liên quan tới xử lý một số loại tổ chức tài chính nhất định.
Tổng Công ty BHTG Hàn Quốc hợp tác với Ngân hàng Thế giới phát triển các hệ thống bảo hiểm tiền gửi
Tổng công ty bảo hiểm tiền gửi Hàn Quốc (KDIC) hôm 21/9 đã tuyên bố ký biên bản ghi nhớ (MOU) với Ngân hàng Thế giới nhằm hợp tác phát triển các hệ thống BHTG và nâng cao năng lực của các nước đang phát triển.
MOU này được ký kết theo đề nghị của một số nước khu vực Châu Á Thái Bình Dương như Indonesia và Philippines, những nước đánh giá cao hệ thống BHTG của Hàn Quốc và kinh nghiệm phản ứng với khủng hoảng tài chính của KDIC. Những nước này đề nghị KDIC thông qua Ngân hàng Thế giới, chia sẻ kiến thức chuyên môn của mình.
Theo nội dung MOU, KDIC và Ngân hàng thế giới sẽ thực hiện một loạt dự án dành cho chính phủ và các tổ chức BHTG tại các nước đang phát triển. Phạm vi của các dự án bao gồm tư vấn hệ thống, hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực.
Dự án hợp tác đầu tiên sẽ được bắt đầu vào tháng 11 năm nay tại Indonesia. Cụ thể, một chương trình đào tạo sẽ diễn ra tại Jakarta dành cho chính phủ Indonesia và tổ chức BHTG nước này về nội dung thanh lý các công ty tài chính phá sản và quản lý tài sản xấu.
Có thể thấy, khi dự án này đi vào hoạt động sẽ đem lại những kết quả to lớn trong việc nâng cao năng lực cho các hệ thống BHTG của các quốc gia trong khu vực.
Tổng Công ty BHTG Nigeria thực hiện chương trình xây dựng năng lực cho cán bộ cao cấp của Tổng Công ty Bảo vệ tiền gửi Ghana.
Tổng Công ty BHTG Nigeria (NDIC) đã tổ chức chương trình xây dựng năng lực kéo dài 5 ngày dành cho các cán bộ cao cấp của Tổng Công ty Bảo vệ tiền gửi Ghân (GDPC). Đây là một phần trong nỗ lực của NDIC để giúp các nước thành viên Tiểu vùng Tây Phi nắm được vai trò của hệ thống BHTG trong việc đảm bảo sự ổn định hệ thống tài chính.
Các mô đun của chương xây dựng năng lực được thiết kế để đề cập đến các chủ đề rộng và có tính chiến lược, gồm: Vai trò của hệ thống BHTG trong việc thúc đẩy ổn định tài chính, sự hình thành hệ thống BHTG tại Nigeria; Cơ sở, cấu trúc quản trị và nhiệm vụ cốt lõi; các đặc điểm thiết kế của hệ thống BHTG tại Nigeria; địa vị pháp lý và khung chính sách cho hệ thống BHTG tại Nigeria; xác định phạm vi, hạn mức BHTG; Nguồn vốn cho hệ thống BHTG tại Nigeria; đánh giá rủi ro của các tổ chức tài chính tham gia BHTG; tổng quan về hoạt động tăng cường nhận thức công chúng, giáo dục tài chính và các sáng kiến giáo dục của NDIC; quản lý tài sản trong xử lý ngân hàng đổ vỡ và hợp tác quốc tế; Hiệp hội BHTG quốc tế và các hệ thống BHTG trên thế giới.
GDPC đánh giá cao những thành tựu mà NDIC đã đạt được trong những năm qua và nỗ lực chia sẻ kinh nghiệm về thông lệ liên quan đến BHTG, giúp khu vực Tây phi nâng cao năng lực các tổ chức BHTG. Đồng thời, GDPC cũng hi vọng luật điều chỉnh hoạt động của GDPC sẽ được điều chỉnh để GDPC thực hiện theo mô hình BHTG như của Nigeria.
Từ những diễn biến trên có thể thấy, chính phủ các nước ngày càng nhận thức rõ hơn về vai trò của hệ thống BHTG trong việc bảo vệ người gửi tiền, ổn định nền tài chính của mỗi quốc gia. Việc thành lập hệ thống BHTG và thông qua luật tạo hành lang pháp lý cho BHTG; mở rộng, bổ sung nhiệm vụ cho hệ thống BHTG hay hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia để nâng cao năng lực, vai trò của tổ chức BHTG là giải pháp mà mỗi quốc gia thực hiện nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng hệ thống BHTG đáp ứng được các thông lệ quốc tế về BHTG và phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội mỗi nước.