Sự chuyển mình của hệ thống QTDND
Tính đến tháng 12/2018, ở Việt Nam có 1.282 TCTD, trong đó bao gồm 94 ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 01 ngân hàng hợp tác xã, 1.183 QTDND và 04 tổ chức tài chính vi mô, hình thành nên một mạng lưới cung cấp các sản phẩm dịch vụ tiền tệ bao phủ khắp từ thành thị đến nông thôn cũng như phục vụ tất cả lĩnh vực ngành nghề.
Với số lượng lớn nhưng chỉ chiếm thị phần nhỏ dịch vụ tín dụng, QTDND chủ yếu phục vụ thị trường nông nghiệp, nông thôn. Quy mô nhỏ, trình độ quản trị điều hành thấp, sự đơn điệu của hệ thống sản phẩm dịch vụ...là những thách thức không nhỏ đối với các quỹ để tồn tại và phát triển trong bối cảnh các TCTD không ngừng mở rộng hệ thống mạng lưới và sản phẩm dịch vụ.
Mô hình QTDND có đặc trưng hoạt động theo phương châm tương hỗ giữa các thành viên là các tổ chức, cá nhân hoặc hộ gia đình trong địa bàn nhỏ để cùng nhau phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống. Các quỹ được vận hành dưới sự quản lý và kiểm soát bởi các thành viên có quyền ngang nhau trong biểu quyết, với vốn được huy động chủ yếu từ các thành viên và cộng đồng địa phương và chỉ được cho vay chính các thành viên đó.
Chi nhánh BHTGVN tại TP. Hà Nội tham dự Lễ khai trương Phòng Giao dịch Châu Giang
Mặc dù các quỹ thường có quy mô nhỏ so với các loại hình ngân hàng tiên tiến khác, nhưng nếu biết tận dụng nhược điểm đó vào trong quá trình hoạt động, đó lại trở thành ưu điểm. Việc hoạt động theo mô hình địa bàn nhỏ: quận, huyện, xã và cộng đồng các thành viên giúp các quỹ nắm bắt khá rõ về khách hàng vay vốn, tình hình sử dụng vốn vay, khả năng thu hồi vốn và dễ kiểm soát tỷ lệ nợ xấu. Ưu điểm này chính là điều kiện để các QTDND làm tốt quy trình, thủ tục vay, hỗ trợ kịp thời các thành viên và cộng đồng dân cư tại khu vực nông thôn tiếp cận được nguồn tín dụng hợp phát, từng bước loại trừ “tín dụng đen” và các tệ nạn “hụi”, “họ” nhức nhối nhiều năm qua. Chính sự đơn giản, dễ dàng, gần gũi và thân thiện là yếu tố giúp các QTDND khẳng định được vai trò “bà đỡ” không thể thiếu, cung cấp tín dụng hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn – điều mà các loại hình tín dụng khác chưa có ưu thế bằng.
Mặt khác, hiểu rõ sản phẩm dịch vụ là yếu tố then chốt để thu hút khách hàng, các QTDND đang trong giai đoạn không ngừng đổi mới, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ phù hợp với các nhu cầu và đặc điểm của khu vực nông nghiệp – nông thôn. Ví dụ, việc phát triển sản phẩm mới dựa trên nền tảng các sản phẩm cũ, hoàn thiện dịch vụ thanh toán trong nước, chuyển tiền liên ngân hàng, cho vay dựa trên nhiều mục đích, vay mua xe hay vay trả góp tiêu dùng sinh hoạt, thu tiền điện, nước...
Bên cạnh đó, Ban quản trị các quỹ cũng đã có sự chú trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực, tổ chức các khóa học nghiệp vụ chuyên sâu có sự hỗ trợ của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố và Ngân hàng Hợp tác xã để phổ cập những quy chế, luật trong hệ thống tín dụng ngân hàng giúp cán bộ quỹ nắm vững nghiệp vụ chuyên môn, hạn chế sai sót trong quá trình làm việc. Ban quản trị quỹ cũng đẩy mạnh việc nâng cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp và ban hành quy chế khắt khe hơn trong điều hành của quỹ để tạo được sự thống nhất về hoạt động.
Chi nhánh BHTGVN tại TP. Hà Nội tham dự Lễ khai trương Phòng Giao dịch số 1
Vai trò của tổ chức BHTG trong tái cơ cấu hệ thống QTDND
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tập trung rà soát, chấn chỉnh hệ thống QTDND nhằm đảm bảo sự phát triển an toàn, ổn định của loại hình tín dụng này. Thực hiện đề án củng cố và phát triển hệ thống QTDND, gần đây, một số quỹ đủ điều kiện đã được NHNN và các cơ quan chức năng cho phép mở rộng mạng lưới hoạt động dưới hình thức mở các phòng giao dịch ở các xã liền kề với mục đích tạo điều kiện cho các QTDND phát huy ưu thế gần dân. Đơn cử địa bàn tỉnh Hà Nam, các QTDND Yên Bắc, Tiên Nội, Ngọc Lũ, Bồ Đề và Nhật Tựu đã khai trương thêm tổng cộng 07 phòng giao dịch mới.
Cùng với những thay đổi trong hoạt động của quỹ và nâng cao nhận thức của người gửi tiền, việc mở rộng địa bàn hoạt động các quỹ như hiện nay rất đáng khích lệ, là dấu hiệu tốt thúc đẩy nền kinh tế nông nghiệp nông thôn ở nước ta, giúp người dân có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn hợp pháp, hiệu quả và lành mạnh, mang lại lợi ích thiết thực đối với sản xuất và đời sống.
Tuy nhiên, sự phát triển không đồng đều giữa các quỹ là một trong những thách thức đặt ra trong quá trình mở rộng hệ thống QTDND. Những quỹ có quy mô nhỏ sẽ khó thích ứng nhanh với sự biến động của thị trường, đầu tư trang thiết bị công nghệ vào hoạt động ngân hàng cũng còn yếu dẫn đến việc cập nhật thông tin còn chậm, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh. Vì vậy, dựa vào định hướng chiến lược dài hạn cho hệ thống quỹ, NHNN cần tăng cường giám sát, hỗ trợ các quỹ có quy mô nhỏ để đạt được nhiều bước phát triển hơn.
Cùng với sự hỗ trợ của NHNN, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) cũng là một tổ chức luôn đồng hành cùng với sự phát triển của các QTDND.
Thông qua triển khai các nghiệp vụ BHTG như giám sát từ xa, kiểm tra tại chỗ, tham gia kiểm soát đặc biệt, chi trả bảo hiểm tiền gửi, quyền lợi của người gửi tiền đã được đảm bảo, niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng ngày càng được củng cố, từ đó gia tăng uy tín, thúc đẩy quá trình huy động vốn của các QTDND.
Khi xảy ra sự cố tại các QTDND, hoặc có hiện tượng rút tiền đột biến, BHTGVN phối hợp với NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố trên địa bàn, chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp trấn an dư luận, giúp các đơn vị củng cố và ổn định hoạt động.
Bên cạnh đó, triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền chính sách BHTG cũng giúp củng cố niềm tin của người gửi tiền. Thông qua các tiểu phẩm tuyên truyền, phóng sự được phát trên các kênh phát thanh và truyền hình của địa phương, hội nghị tuyên truyền được tổ chức tại các QTDND, người dân đã hiểu rõ hơn về vai trò của tổ chức BHTG trong việc bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, qua đó góp phần thay đổi hành vi người gửi tiền, giúp họ bình tĩnh trước tin đồn thất thiệt, có thể dẫn đến nguy cơ rút tiền hàng loạt, đe dọa an toàn hệ thống.
BHTG ngày càng là công cụ đắc lực của Chính phủ, NHNN trong sứ mệnh bảo vệ người gửi tiền, nâng cao niềm tin công chúng và đóng góp có hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu các TCTD nói chung và QTDND nói riêng.