Tham dự họp báo còn có đại diện các Vụ, Cục, Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng – NHNN, đại diện Hiệp hội Ngân hàng, VAMC, NAPAS, đại diện các ngân hàng thương mại và phóng viên, nhà báo từ các cơ quan báo chí. Về phía Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), ông Lê Hùng Cường - Phó Tổng giám đốc - đại diện lãnh đạo BHTGVN tham gia buổi họp.
Việt Nam đã phản ứng linh hoạt, quyết liệt, kịp thời nhằm ổn định kinh tế vĩ mô
Phát biểu khai mạc buổi họp, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú đã khái quát tình hình tài chính ngân hàng quốc tế, các diễn biến kinh tế vĩ mô trong nước cũng như những ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Theo Phó Thống đốc, trong 9 tháng đầu năm, nền kinh tế nói chung và hoạt động của ngành Ngân hàng nói riêng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Trong đó, những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, áp lực lạm phát gia tăng tại nhiều quốc gia, cũng như việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất đã dẫn tới những diễn biến dây chuyền, đặc biệt là nền kinh tế Việt Nam đã mở cửa, hội nhập sâu rộng. Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, dù tình hình chung là bất lợi, song Việt Nam vẫn có những điểm tích cực. Đó là sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đối với chính sách tiền tệ, ngân hàng. Bên cạnh đó, sau 2 năm dịch COVID-19 hoành hành, nền kinh tế Việt Nam đã có sự phục hồi rất mạnh mẽ với tốc độ vượt dự báo. Đến nay, đồng tiền Việt Nam là một trong những đồng tiền mất giá ít nhất so với các nước trong khu vực và trên thế giới, chỉ khoảng gần 4%.
Thời gian vừa qua, các tổ chức quốc tế cũng đánh giá cao điều hành chính sách tiền tệ, ngân hàng của Việt Nam. NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ đúng, trúng; phản ứng chính sách linh hoạt, thận trọng, kịp thời, có tính dự báo cao và chủ động, hấp thu tốt trước các biến động của tình hình thế giới, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức khi nển kinh tế vừa hồi phục sau đại dịch Covid-19. Từ đó tạo được niềm tin của người dân, nhà đầu tư đối với điều hành của Chính phủ, NHNN và môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Ông Phạm Chí Quang - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ - NHNN cho biết, với dự báo năm 2022 GDP tăng 6,7%-8,5%; lạm phát dưới 4%, NHNN đã điều hành thận trọng, linh hoạt chính sách tiền tệ; mặt bằng lãi suất và tăng trưởng tín dụng hợp lý để hỗ trợ phục hồi kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát. Vốn tín dụng hướng vào sản xuất kinh doanh, kiểm soát chặt vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, điều hành tỷ giá linh hoạt.
Về điều hành tỷ giá, trong quý III/2022, tỷ giá và thị trường ngoại tệ chịu nhiều áp lực do thị trường quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ suy thoái, áp lực lạm phát toàn cầu gia tăng; đồng USD quốc tế tăng giá mạnh. Fed tăng lãi suất với tốc độ nhanh, mạnh hơn; xu hướng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới; căng thẳng Nga – Ukraine. “Động thái của Fed đã kích hoạt một loạt các NHTW trên thế giới đồng loạt điều chỉnh lãi suất. Tính đến nay, có 257 lượt tăng lãi suất trên toàn cầu trong khi cả năm 2021 có 113 lượt tăng” - ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ chia sẻ.
Trước những tác động của tình hình thế giới và các chính sách tài chính tiền tệ của các nước đến nền kinh tế nước ta và tình hình nội tại của nền kinh tế trong nước, để thực hiện các mục tiêu đặt ra của chính sách tiền tệ, NHNN quyết định điều chỉnh các mức lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD, cũng như điều chỉnh tăng mức trần lãi suất đối với các kỳ hạn tiền gửi, có hiệu lực từ 23/9.
Vụ Chính sách tiền tệ cho biết sẽ tiếp tục chủ động điều hành tỷ giá, phù hợp, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ khác nhằm ổn định tỷ giá trên thị trường tiền tệ, đảm bảo ổn định tỷ giá, duy trì trạng thái ngoại tệ hợp lý theo nhu cầu thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Tại buổi họp báo, bà Hà Thu Giang – Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 khoảng 6%-6,5% và lạm phát khoảng 4% của Quốc hội, Chính phủ, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Trong bối cảnh hiện nay, việc duy trì công cụ hạn mức tín dụng là phù hợp, nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, qua đó góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô.
Theo đó, tín dụng được điều hành nhằm tích cực hỗ trợ phục hồi kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát; chỉ đạo TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Đến ngày 16/9/2022, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 10,47% so với cuối năm 2021 và tăng 17,19% so với cùng kỳ năm 2021. Tín dụng tập trung vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Nhờ đó, đã góp phần kích hoạt mạnh mẽ các hoạt động kinh tế, tạo đà phục hồi các chỉ số vĩ mô, từ đó giúp nền kinh tế dần khôi phục và tăng trưởng.
NHNN cũng cho biết, trong hoạt động thanh toán, khuôn khổ pháp lý và chính sách hoạt động thanh toán tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. NHNN chỉ đạo toàn ngành Ngân hàng tích cực triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy thanh toán điện tử đối với dịch vụ công. Các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trong 7 tháng đầu năm 2022 đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2021. Tổng số lượng giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng gần 13,63% về giá trị; qua Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 95,62% về số lượng và 112,15% về giá trị. Giao dịch TTKDTM tăng 78,0% về số lượng và 29,3% về giá trị; qua Internet tăng tương ứng 68,5% và 31,6%; qua điện thoại di động tăng 97,8% và 84,2%; qua QR code tăng 100,9% và 142,5%; giao dịch qua POS tăng 36,56% và 38,69%; giao dịch qua ATM tăng tương ứng 3,83% và tăng 6,61%, cho thấy việc rút tiền mặt qua ATM giảm dần, phản ánh xu hướng dịch chuyển sang thanh toán điện tử, TTKDTM.
Hoạt động chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ. Theo báo cáo đánh giá chỉ số chuyển đổi số (DTI) của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc TW của Bộ Thông tin và Truyền thông, NHNN được xếp vị trí thứ 1 về chỉ số xếp hạng an toàn thông tin mạng, thứ 2 về chỉ số thể chế số và xếp thứ 4 về chỉ số hoạt động chuyển đổi số.
Kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô là ưu tiên số một trong điều hành chính sách tiền tệ
Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhận định, trong thời gian tới, bối cảnh kinh tế, tiền tệ thế giới bất định và nhiều thách thức. Điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới sẽ rất khó khăn trong việc vừa phải kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Do đó, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát, thích ứng với các diễn biến thị trường trong và ngoài nước, điều hành linh hoạt, thận trọng và phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ và phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiềm chế lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế; điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến lạm phát và thị trường trong và ngoài nước; tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay.
NHNN cho biết, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, NHNN sẽ vận động các tổ chức tín dụng đổi mới công nghệ, tăng hiệu quả quản trị, cắt giảm chi phí để giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay và nghiên cứu giảm lãi suất ở một số lĩnh vực ưu tiên.
“NHNN kêu gọi các ngân hàng cắt giảm chi phí để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người vay vốn. Việc này đã thực hiện tốt trong 2 năm qua với mức tiết giảm là 25.000 tỷ đồng”, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực NHNN nói.
Tại buổi họp báo, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú cũng nêu ra 5 nhiệm vụ quan trọng của ngành ngân hàng trong điều hành chính sách tiền tệ. Theo đó, Phó Thống đốc nhấn mạnh, mục tiêu ưu tiên số 1 trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN là kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, NHNN tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện nhanh chóng để khôi phục nền kinh tế sau dịch, góp phần đảm bảo tăng trưởng kinh tế trên 6,5% như mục tiêu Quốc hội đề ra. Ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đảm bảo thanh khoản của nền kinh tế, đảm bảo thanh khoản của các tổ chức tín dụng (TCTD) đối với nền kinh tế thông qua các công cụ an toàn, các chỉ tiêu, chỉ số đảm bảo an toàn TCTD cũng như tăng cường thanh tra, giám sát, đảm bảo an toàn hệ thống các TCTD. Đồng thời, NHNN tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội để làm tốt công tác tín dụng chính sách, tín dụng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình chính sách xã hội đã và đang được triển khai, đặc biệt là thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ.