Cho vay đặc biệt - Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam
Cho vay đặc biệt là hình thức cho vay theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD nhằm mục đích hỗ trợ thanh khoản đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt (KSĐB) khi tổ TCTD có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống trong thời gian TCTD được KSĐB hoặc hỗ trợ phục hồi đối với TCTD được KSĐB theo phương án phục hồi, phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt.
Kinh nghiệm từ các tổ chức BHTG trên thế giới cho thấy, nghiệp vụ hỗ trợ tài chính là một trong các công cụ để duy trì hoạt động của TCTD; tránh đổ vỡ, gây rủi ro hệ thống; tạm thời tránh được chi phí xử lý đổ vỡ, bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền.
Tại Mỹ, Tổng Công ty BHTG Liên bang(FDIC) đã tiếp nhận mua lại và hỗ trợ tài chính cho Bank of New England -có nguy cơ đổ vỡ do tổn thất tích lũy lên đến hơn 450 triệu USD lớn hơn số vốn tự có của ngân hàng là 255 triệu USD. Kết quả là người gửi tiền không bị thiệt hại do sự đổ vỡ ngân hàng gây ra và FDIC cũng không phải chi trả cho người gửi tiền.
Tại Indonesia, hỗ trợ tài chính cũng là một trong các phương thức quan trọng áp dụng đối với tất cả các ngân hàng đổ vỡ, kể cả có tầm ảnh hưởng hoặc không ảnh hưởng hệ thống. Sau khi hỗ trợ tài chính, Tổng Công ty BHTG Indonesia sẽ được nắm giữ cổ phiếu của ngân hàng đổ vỡ trong một thời gian nhất định và thực hiện việc bán cổ phiếu để thu hồi nguồn vốn ban đầu bỏ ra.
Đối với BHTGVN, trước khi có Luật BHTG, BHTGVN đã thực hiện hỗ trợ tài chính cho các tổ chức tham gia BHTG có nguy cơ mất khả năng chi trả nhưng chưa đến mức đặt vào tình trạng KSĐB dưới hình thức cho vay hỗ trợ. Trong giai đoạn từ năm 2005-2009, BHTGVN đã cho 05 quỹ tín dụng nhân dân vay với tổng số tiền là 6.932 triệu đồng. Kết quả 4/5 quỹ tín dụng nhân dân đã trở lại hoạt động bình thường và trả hết nợ cho BHTGVN.
Cùng với sự ra đời của Luật TCTD sửa đổi năm 2017 và các văn bản hướng dẫn dưới Luật, bên cạnh các nghiệp vụ đã được BHTGVN thực hiện để hỗ trợ TCTD như: kiểm tra, giám sát, tham gia kiểm soát đặc biệt, tuyên truyền chính sách BHTG, BHTGVN có thêm nghiệp vụ mới là cho vay đặc biệt TCTD được KSĐB.
Trên cơ sở các quy định của pháp luật, BHTGVN đã xây dựng và ban hành Quy chế về cho vay đặc biệt đối với TCTD được KSĐB, Hướng dẫn thực hiện Quy chế về cho vay đặc biệt đối với TCTD được KSĐB để thống nhất quy trình thực hiện trong toàn hệ thống. Hàng năm, BHTGVN cũng đã xây dựng kế hoạch vốn dự phòng cho vay đặc biệt để đảm bảo có đầy đủ nguồn lực về tài chính, sẵn sàng cho vay khi nhận được đề nghị vay đặc biệt theo đúng quy định.Từ đó, BHTGVN sẽ tham gia sâu hơn vào quá trình hỗ trợ, phục hồi TCTD và thực hiện cơ cấu lại TCTD yếu kém. Nâng cao vai trò và vị thế của BHTGVN trong hệ thống tài chính-tiền tệ quốc gia, có ảnh hưởng tích cực đến hoạt động của các TCTD và củng cố niềm tin của người gửi tiền.
(Sơ đồ quy trình BHTGVN cho vay đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản)
Thông qua nghiệp vụ cho vay đặc biệt các TCTD được KSĐB, BHTGVN có cơ hội tiếp nhận hồ sơ thực tế về tình hình TCTD; đánh giá, phân tích hoạt động của TCTD; đánh giá tài sản bảo đảm, đề xuất phương án cho vay phù hợp với TCTD được KSĐB và thực hiện quy trình cho vay theo quy định. Qua đó, năng lực và trình độ cán bộ thực hiện công tác cho vay đặc biệt ngày càng được nâng cao.
Đối tượng cho vay đặc biệt của BHTGVN cũng được mở rộng. Trước đây, BHTGVN chỉ được cho vay quỹ tín dụng nhân dân, nhưng theo quy định mới, BHTGVN được cho vayngân hàng thương mại, quỹ tín dụng nhân dân, công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô. BHTGVN không chỉ gián tiếp tham gia vào quá trình hỗ trợ phục hồi các TCTD yếu kém thông qua việc mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ mà còn trực tiếp tham gia hỗ trợ các TCTD yếu kém bằng biện pháp cho vay đặc biệt.
Bên cạnh đó, BHTGVN không chỉ cho vay đối với các TCTD được KSĐB trước khi phương án cơ cấu lại được phê duyệt, mà còn cho vay đối với các TCTD đang thực hiện phương án phục hồi, phương án cơ cấu lại đã được phê duyệt. Như vậy, phạm vi cho vay của BHTGVN xuyên suốt quá trình cơ cấu lại TCTD được KSĐB.
Một số khó khăn và đề xuất, kiến nghị
Bên cạnh các cơ hội, BHTGVN cũng gặp không ít những khó khăn, thách thức:
Thứ nhất,về cơ sở pháp lý, Luật CácTCTD sửa đổi 2017 và Thông tư 08/2021/TT-NHNNđã quy định về các hình thức và nguyên tắc BHTGVN cho vay đặc biệt. Tuy nhiên, vẫn chưa đầy đủ và chi tiếtvề các điều kiện, tiêu chí, trình tự, thủ tục xử lý tổn thất trong trường hợp BHTGVN không thu hồi được khoản cho vay đặc biệt.
Thứ hai, đối tượng cho vay đặc biệt là các TCTD được KSĐB. Khi cho các TCTD này vay, BHTGVN sẽ đối diện với nhiều rủi ro, có nguy cơ không thu hồi được số tiền đã cho vay, có khả năng dẫn đến mất vốn. Điều này đòi hỏi phải có một cơ chế miễn trừ trách nhiệm đối với các cán bộ thực hiện công tác cho vay đặc biệt khi họ đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm được giao.
Thứ ba, vì đây là nghiệp vụ mới và bên đi vay là các TCTD có tình hình hoạt động kinh doanh rất yếu kém.Trong giai đoạn đầu thực hiện nhiệm vụ,BHTGVN có thể bị động, thiếu sự chuẩn bị về nguồn lực cho hoạt động cho vay đặc biệt; kinh nghiệm, trình độ chuyên môn của cán bộ làm công tác cho vay đặc biệt còn thiếu và cần nâng cao.
Thứ tư, việc trao đổi, cung cấp thông tin giữa NHNN với BHTGVN về các TCTD được KSĐB còn ở mức độ hạn chế. Điều này gây khó khăn nhất định cho BHTGVN trong quá trìnhthẩm định và ra quyết định cho vay đặc biệt.
Để BHTGVN ngày càng tham gia sâu và hiệu quả hơn vào quá trình cơ cấu lại TCTD yếu kém, xinđề xuất một số nội dung:
Thứ nhất, BHTGVN tiếp tục tích cực phối hợp, trao đổi thông tin với NHNN về các nội dung liên quan đến tái cơ cấu TCTD, TCTD được KSĐB để thực hiện tốt nhiệm vụ cho vay đặc biệt.
Thứ hai, đối tượng cho vay đặc biệt của BHTGVN là các TCTD được KSĐB nên rủi ro mất vốn là rất cao. Vì vậy, cần có quy định cụ thể về việc sử dụng quỹ dự phòng nghiệp vụ của BHTGVN, khi khoản cho vay không thu hồi được và thẩm quyền quyết định về việc này.
Thứ ba, đối với cán bộ tham gia cho vay đặc biệt, cần có quy định về việc miễn trừ trách nhiệm vật chất khi đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm được giao. Đồng thời, BHTGVN cần tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ nghiệp vụ thông qua các khóa đào tạo trong và ngoài nước./.