Theo đó, một trong các nội dung được Thông tư 13 sửa đổi, bổ sung đó là: Quy định về tài sản bảo đảm; tỷ lệ quy đổi tài sản bảo đảm trong trường hợp NHNN cho vay đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản đối với tổ chức tín dụng, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam cho vay đặc biệt theo quyết định của NHNN; bổ sung, thay thế tài sản bảo đảm; điều kiện đối với tài sản bảo đảm và một số quy định khác.
Về tài sản bảo đảm, Thông tư 13 quy định bên đi vay phải sử dụng tài sản bảo đảm theo thứ tự ưu tiên như sau:
- Cầm cố: Tín phiếu NHNN, trái phiếu Chính phủ (gồm: tín phiếu Kho bạc, trái phiếu Kho bạc, trái phiếu công trình Trung ương, công trái xây dựng Tổ quốc, trái phiếu Chính phủ do Ngân hàng Phát triển Việt Nam (trước đây là Quỹ Hỗ trợ phát triển) được Thủ tướng Chính phủ chỉ định phát hành), trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh thanh toán 100% giá trị gốc, lãi khi đến hạn, trái phiếu Chính quyền địa phương trong Danh mục giấy tờ có giá được sử dụng trong các giao dịch của NHNN;
- Cầm cố trái phiếu được phát hành bởi ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (trừ các ngân hàng thương mại đã được mua bắt buộc);
- Cầm cố trái phiếu được phát hành bởi tổ chức tín dụng không được kiểm soát đặc biệt (trừ ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (trừ các ngân hàng thương mại đã được mua bắt buộc) và doanh nghiệp khác.
Khi bên đi vay đã sử dụng hết tài sản bảo đảm theo thứ tự ưu tiên trên, bên đi vay có thể sử dụng các tài sản: Thế chấp quyền đòi nợ phát sinh từ khoản cấp tín dụng của bên đi vay đối với khách hàng (trừ tổ chức tín dụng); Thế chấp quyền tài sản là khoản lãi phải thu phát sinh từ khoản cấp tín dụng của bên đi vay đối với khách hàng (trừ tổ chức tín dụng) làm tài sản bảo đảm để vay đặc biệt, gia hạn vay đặc biệt.
Về tỷ lệ quy đổi tài sản bảo đảm, Thông tư 13 quy định đối với giấy tờ có giá là tín phiếu NHNN, trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh thanh toán 100% giá trị gốc, lãi khi đến hạn, trái phiếu Chính quyền địa phương trong Danh mục giấy tờ có giá được sử dụng trong các giao dịch của NHNN tỷ lệ quy đổi tài sản bảo đảm bằng tỷ lệ tối thiểu giữa giá trị giấy tờ có giá và số tiền cho vay có bảo đảm bằng cầm cố giấy tờ có giá của NHNN đối với tổ chức tín dụng theo quy định của NHNN trong từng thời kỳ.
Đối với tài sản bảo đảm là trái phiếu được phát hành bởi ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (trừ các ngân hàng thương mại đã được mua bắt buộc), trái phiếu được phát hành bởi tổ chức tín dụng không được kiểm soát đặc biệt (trừ ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (trừ các ngân hàng thương mại đã được mua bắt buộc) và doanh nghiệp khác, quyền đòi nợ phát sinh từ khoản cấp tín dụng của bên đi vay đối với khách hàng (trừ tổ chức tín dụng), quyền tài sản là khoản lãi phải thu phát sinh từ khoản cấp tín dụng của bên đi vay đối với khách hàng (trừ tổ chức tín dụng) tỷ lệ quy đổi tài sản bảo đảm là 120%.Về bổ sung, thay thế tài sản bảo đảm, Thông tư 13 quy định trường hợp tài sản bảo bảm là trái phiếu được phát hành bởi tổ chức tín dụng không được kiểm soát đặc biệt (trừ ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (trừ các ngân hàng thương mại đã được mua bắt buộc) và doanh nghiệp khác không đáp ứng đủ các điều kiện dẫn đến tổng giá trị quy đổi của các tài sản bảo đảm đủ điều kiện thấp hơn số dư nợ gốc vay đặc biệt, bên đi vay phải hoàn thành việc thực hiện bổ sung, thay thế tài sản bảo đảm để tổng giá trị quy đổi của các tài sản bảo đảm đủ điều kiện không thấp hơn số dư nợ gốc vay đặc biệt trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày tổng giá trị quy đổi của các tài sản bảo đảm đủ điều kiện thấp hơn số dư nợ gốc vay đặc biệt.
Trường hợp tài sản bảo đảm là thế chấp quyền đòi nợ phát sinh từ khoản cấp tín dụng của bên đi vay đối với khách hàng (trừ tổ chức tín dụng), thế chấp quyền tài sản là khoản lãi phải thu phát sinh từ khoản cấp tín dụng của bên đi vay đối với khách hàng (trừ tổ chức tín dụng) thì không phải áp dụng các quy định về việc bổ sung, thay thế tài sản bảo đảm trong trường hợp tài sản bảo đảm không đáp ứng đủ điều kiện dẫn đến tổng giá trị quy đổi của các tài sản bảo đảm đủ điều kiện thấp hơn số dư nợ gốc vay đặc biệt đối với các khoản vay đặc biệt còn dư nợ.
Về điều kiện đối với tài sản bảo đảm: Thông tư 13 quy định điều kiện đối với khoản cấp tín dụng của bên đi vay đối với khách hàng (trừ tổ chức tín dụng) là phải đang được bảo đảm bằng tài sản.
Về trả nợ vay đặc biệt: Thông tư 13 bổ sung quy định bên đi vay phải trả nợ vay đặc biệt trong trường hợp bên đi vay có tiền thu hồi từ khoản lãi phải thu làm tài sản bảo đảm cho khoản vay đặc biệt trong thời hạn 05 ngày làm việc đầu tháng, bên đi vay phải trả nợ gốc của khoản vay đặc biệt này theo thứ tự từ khế ước nhận nợ còn dư nợ được ký sớm nhất, số tiền trả nợ bằng tổng số tiền thu hồi nợ phát sinh trong tháng trước liền kề.
Về biện pháp xử lý của Ngân hàng Nhà nước trong trường hợp bên đi vay không trả nợ vay đặc biệt khi đến hạn và không được gia hạn hoặc không trả nợ do bị phát hiện sử dụng tiền vay đặc biệt không đúng mục đích: Thông tư 13 bổ sung quy định thu hồi nợ (gốc, lãi) cho vay đặc biệt từ tiền bên đi vay thu hồi được từ xử lý các tài sản bảo đảm từ thế chấp quyền đòi nợ phát sinh từ khoản cấp tín dụng của bên đi vay đối với khách hàng (trừ TCTD) và thế chấp quyền tài sản là khản lãi phải thu phát sinh từ khoản cấp tín dụng của bên đi vay với khách hàng (trừ TCTD)”.
Đồng thời Ban kiểm soát đặc biệt phải có ý kiến cụ thể về việc: (i) tổ chức tín dụng có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống; (ii) tổ chức tín dụng đã sử dụng hết tài sản bảo đảm theo quy định đối với trường hợp tổ chức tín dụng có đề nghị sử dụng tài sản bảo đảm là thế chấp quyền đòi nợ phát sinh từ khoản cấp tín dụng, thế chấp quyền tài sản là khoản lãi phải thu để vay đặc biệt, gia hạn vay đặc biệt. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng phải có ý kiến về sự phù hợp của các thông tin về tài sản bảo đảm trong Danh mục tài sản bảo đảm với quy định về điều kiện tài sản bảo đảm được quy định tại Thông tư này.
Thông tư 13 đã bãi bỏ quy định tài sản bảo đảm là thế chấp quyền đòi nợ phát sinh từ khoản cho vay của bên đi vay đối với khách hàng (trừ tổ chức tín dụng); thay thế Phụ lục III về Danh mục tài sản bảo đảm cho khoản vay đặc biệt, Phụ lục IV về cách xác định giá trị tài sản bảo đảm cho khoản vay đặc biệt của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt và Phụ lục VII về Danh mục tài sản bảo đảm cho khoản vay đặc biệt cho phù hợp với các nội dung đã sửa đổi, bổ sung.