Tạo điều kiện để thị trường cho vay tiêu dùng phát triển lành mạnh
Trong những năm qua, NHNN luôn tạo điều kiện thuận lợi để các TCTD, tổ chức tài chính tiêu dùng, ngân hàng thương mại tăng cường cho vay tiêu dùng đối với người dân, nhất là những khoản vay nhỏ lẻ, với những người dân có nhu cầu vay ngắn hạn, phục vụ cho cuộc sống hằng ngày.
Về hành lang pháp lý, đáng chú ý, ngày 4/11/2019, NHNN đã ban hành Thông tư số 18/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định cho vay tiêu dùng của CTTC (Thông tư số 18). Theo NHNN, những quy định này tiếp tục hướng đến việc đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của nhân dân, góp phần đẩy lùi tín dụng đen, phù hợp với yêu cầu của Chính phủ.
Thông tư 18 quy định giới hạn cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay đối với các khoản vay có giá trị lớn (trên 20 triệu đồng). Theo đó, không hạn chế đối với nhu cầu món vay nhỏ dưới 20 triệu đồng, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của nhân dân, góp phần đẩy lùi tín dụng đen, phù hợp với yêu cầu của Chỉ thị số 12 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 01 của Thống đốc NHNN. Mặt khác, quy định lộ trình đến ngày 01/01/2024, các CTTC mới phải tuân thủ tỷ lệ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng tối đa 30% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng, do vậy, không tác động nhiều đến hoạt động cho vay tiêu dùng của các CTTC do đã có thời gian chuyển tiếp để đảm bảo tuân thủ các tỷ lệ theo lộ trình.
Ngoài ra, theo quy định tại Nghị định số 39/2014/NĐ-CP về hoạt động của CTTC, công ty cho thuê tài chính thì CTTC được cấp tín dụng tiêu dùng (bao gồm: cho vay tiêu dùng (cho vay giải ngân cho bên cung ứng hàng hóa, dịch vụ và cho vay giải ngân trực tiếp cho khách hàng) và phát hành thẻ tín dụng); cho vay phục vụ nhu cầu đời sống trong giới hạn 30% tổng dư nợ. Do vậy, nếu tính cả dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống thì tỷ lệ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp thực tế (cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống) trên tổng dư nợ còn cao hơn mức 30%.
Thay vì yêu cầu các CTTC chỉ được giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay không vượt quá 30% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng như dự thảo trước đó, thì Thông tư 18 đã đưa ra lộ trình dài hơi và “cởi mở” hơn. Theo đó năm 2021, tỷ lệ tối đa tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng so với tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng tại một công ty tài chính là 70%; năm 2022 tối đa là 60%; năm 2023 tối đa là 50% và từ đầu năm 2024 là 30%. Không chỉ vậy, Thông tư 18/NHNN “mở cửa” cho các công ty tài chính được giải ngân trực tiếp các khoản vay dưới 20 triệu đồng sẽ giúp cho các CTTC đẩy mạnh hoạt động tại các vùng nông thôn với nhiều món vay tiêu dùng nhỏ lẻ, góp phần đẩy lùi tín dụng đen.
Theo các chuyên gia, NHNN quy định một tỷ lệ giải ngân bằng tiền mặt trong tổng dư nợ cho vay tiêu dùng là cần thiết, cộng với tăng cường giám sát, kiểm soát của chính các tổ chức cho vay sẽ làm hạn chế nợ xấu từ hoạt động cho vay tiêu dùng. Thực tế, hiện nay chưa có thống kê cụ thể về nợ xấu của riêng hoạt động cho vay bằng tiền mặt, nhưng rủi ro nợ xấu của các CTTC khá lớn, tình trạng đòi nợ “kiểu xã hội đen” phổ biến, gây mất trật tự an toàn xã hội và ảnh hưởng đến uy tín ngành Ngân hàng. Vì vậy, hạn chế dần cho vay tiền mặt là hợp lý để lành mạnh hóa hoạt động cho vay tiêu dùng.
Để hạn chế tình trạng một số CTTC nhắc nợ, đòi nợ quá nhiều, thông tin về tình trạng khoản vay của khách hàng, đòi tiền cá nhân, tổ chức không có nghĩa vụ trả nợ, thông tin sai về nghĩa vụ nợ tại Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam, bảo mật thông tin khách hàng chưa phù hợp quy định pháp luật, đồng thời, tăng cường cho vay có trách nhiệm của CTTC, bảo vệ quyền lợi của khách hàng vay, Thông tư số 18 yêu cầu CTTC phải tuân thủ các quy định: Có biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng, quy định của pháp luật và không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng, trong đó số lần nhắc nợ tối đa 5 lần/ngày; hình thức nhắc nợ, thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho vay tiêu dùng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 21 giờ, không nhắc nợ, đòi nợ tổ chức, không gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng cho cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho CTTC, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật.
CTTC có trách nhiệm giải quyết và trả lời khiếu nại của khách hàng, tổ chức, cá nhân liên quan trong thời hạn 48 giờ (trừ thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ) kể từ khi tiếp nhận khiếu nại về số tiền cho vay, lãi suất, biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ quy định tại hợp đồng cho vay tiêu dùng; về đòi tiền cá nhân, tổ chức không có nghĩa vụ trả nợ, thông tin sai về nghĩa vụ nợ tại Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam và trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận khiếu nại về nội dung khác.
Ngoài ra, Thông tư số 18 quy định cụ thể trách nhiệm của CTTC trong việc tuân thủ quy định tại Thông tư 43, tăng cường cho vay có trách nhiệm của CTTC, cụ thể: Niêm yết công khai tại trụ sở, chi nhánh, điểm giới thiệu dịch vụ và đăng tải trên trang thông tin điện tử của CTTC các nội dung: khung lãi suất cho vay tiêu dùng, các loại phí, phương pháp tính lãi; các hình thức tiếp nhận góp ý, phản ánh, khiếu nại của khách hàng, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động cho vay tiêu dùng của CTTC; Đăng tải thông tin liên hệ của CTTC, danh sách (tên, địa chỉ) điểm giới thiệu dịch vụ, những điều cần biết về cho vay tiêu dùng, các câu hỏi thường gặp trong cho vay tiêu dùng trên trang thông tin điện tử của CTTC.
Tiếp tục chú trọng cho vay tiêu dùng an toàn, hiệu quả
Theo NHNN, kết quả cho vay trực tiếp phục vụ đời sống đến nay là khoảng 2 triệu tỷ đồng trên dư nợ 10 triệu tỷ đồng của nền kinh tế và đây là con số không nhỏ, tỷ trọng khá lớn.
Tuy nhiên, nhu cầu tín dụng phục vụ cho đời sống trực tiếp, thậm chí nhỏ lẻ đối với khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa và những người yếu thế vẫn cần tập trung hơn nữa.
Theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, thời gian tới, một trong những nhiệm vụ của các TCTD sẽ là đẩy mạnh các hoạt động cho vay chính thức, đặc biệt là cho vay tiêu dùng, để tiến tới xóa bỏ tín dụng đen. “Cần chú trọng đến cho vay tiêu dùng, coi tiêu dùng là hướng đầu tư mới của các TCTD, vì xu hướng hiện nay là tiêu dùng quyết định sản xuất” - Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Để đưa tín dụng phục vụ tiêu dùng đến với bà con, đặc biệt là bà con ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa nhiều hơn nữa, trong thời gian tới, ngành Ngân hàng cần tiếp tuc tập trung vào việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện cho nhiều tổ chức tham gia vào tín dụng tiêu dùng, trước hết là các ngân hàng thương mại, đặc biệt là vai trò chủ lực của các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, hệ thống tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân có thể vào cuộc đồng bộ một cách tích cực hơn với cơ chế thông thoáng hơn, sử dụng những công nghệ hiện đại trong quá trình thẩm định cho vay để người dân có thể dễ dàng tiếp cận được.
NHNN tiếp tục coi đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng là nhiệm vụ quan trọng, hướng TCTD tập trung tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực này, bằng nguồn vốn, sự thuận lợi, mạng lưới, sản phẩm dịch vụ hiện nay như vay lưu động, vay kết nối giữa người mua và người bán hàng… để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thuận lợi với chính sách nhà nước. Qua đó, ngân hàng thương mại thể hiện trách nhiệm xã hội, còn người nghèo, người khó khăn tiếp cận được nguồn vốn và vẫn đảm bảo sự an toàn, lành mạnh trong hoạt động của các TCTD.
Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay nhưng vẫn đảm bảo an toàn; đồng thời, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến nhằm gia tăng tiện ích, đảm bảo an toàn cho người dân trong tiếp cận và sử dụng các sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng.
Đặc biệt, các tổ chức tài chính vi mô có vai trò không nhỏ trong việc đáp ứng các món vay nhỏ trong đời sống tiêu dùng của gười dân, hạn chế được tín dụng đen. Vì thế, để tăng cường hơn nữa vai trò của các tổ chức tài chính vi mô, NHNN và các Bộ, ngành liên quan cần tiến tới xây dựng một chiến lược phát triển tổng thể dài hơi tiếp theo cho loại hình tài chính vi mô để loại hình này tiếp tục đóng góp tích cực hơn vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Theo đó, cần chú trọng một số vấn đề cơ bản như: Tiếp tục chuẩn hóa mô hình tổ chức hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô, các chương trình, dự án tài chính vi mô thông qua việc hoàn thiện hành lang pháp lý vừa khuyến khích sự phát triển an toàn, bền vững của hệ thống tài chính vi mô, vừa nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với loại hình này; tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến để gúp người dân, đặc biệt là người dân nghèo nâng cao khả năng hiểu biết và dễ dàng tiếp cận với loại hình tài chính này nhằm nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của người dân Việt Nam.
Ngoài ra, để vốn tín dụng đến được với người dân khu vực nông thôn, công tác truyền thông có vai trò quan trọng, nhằm nâng cao hiểu biết và kỹ năng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính và khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho người dân. Trong đó, cần truyền tải thông tin về cơ chế chính sách, chương trình, sản phẩm, tín dụng ngân hàng tới người dân để người dân biết và hiểu được lợi ích của các kênh tiếp cận vốn chính thức, cũng như giúp họ thấy được hậu quả của tín dụng đen.
Mặt khác, ngành Ngân hàng sẽ phối kết hợp với Bộ Công an về việc sử dụng cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia để phục vụ trong việc xác định danh tính, định danh khách hàng chính xác, đánh giá nhân thân người vay, để các TCTD có thể đẩy mạnh, dễ dàng, chủ động hơn trong việc cho vay.