Thông tin sai lệch về bảo hiểm tiền gửi - Từ trường hợp của Voyager
Trong một số thông điệp truyền tải tới công chúng, Voyager đã khẳng định tiền gửi của khách hàng công ty này đều được FDIC bảo hiểm thông qua quan hệ giữa Voyager và đối tác Ngân hàng Thương mại Metropolitan (Metropolitan Commercial Bank). Năm 2019, website của công ty này đăng tải nội dung nêu rõ, cơ chế bảo vệ của FDIC sẽ phát huy hiệu lực ngay khi xảy ra tình huống hãn hữu, khi quỹ USD của Voyager bị mất khả năng thanh toán hoặc đối tác ngân hàng bị phá sản. Sau đó, Voyager đã sửa đổi nội dung trên thành “trong tình huống hãn hữu, khi quỹ USD của công ty bị mất khả năng thanh toán, quý khách được cam kết bồi thường lên tới 250.000 USD. Do đó, tiền gửi của bạn tại Voyager được bảo vệ”. Tuy nhiên, Ngân hàng Thương mại Metropolitan ra tuyên bố khẳng định, tiền gửi của khách hàng tại Voyager chỉ được FDIC chi trả trong trường hợp chính ngân hàng Metropolitan lâm vào tình trạng phá sản chứ không phải khi Voyager phá sản.
Hôm 7/7, người phát ngôn của FDIC đã đưa ra tuyên bố, khẳng định tiền gửi tại ngân hàng Metropolitan được bảo hiểm đúng theo quy định, song tiền gửi tại Voyager không nằm trong diện được bảo hiểm. Vì vậy, chính sách BHTG không bảo vệ khách hàng của Voyager trong trường hợp công ty này lâm vào tình trạng phá sản, mất khả năng chi trả. Trước đó, công ty Voyager đã đóng băng việc gửi và rút tiền của khách hàng; và ngày 5/7 đã nộp hồ sơ xin bảo hộ phá sản.
Trên các mạng xã hội đã ngay lập tức xuất hiện cơn bão khủng hoảng truyền thông liên quan tới những khách hàng của Voyager. Nhiều khách hàng thất vọng, bối rối vì lo ngại khoản tiền mặt và tài sản mã hóa của mình tại Voyager sẽ không được bồi hoàn. Một số người cho biết, sử dụng dịch vụ của Voyager là do tin tưởng vào tuyên bố của công ty này về việc tiền gửi sẽ được FDIC bảo hiểm.
Theo quy định, hạn mức chi trả của FDIC cho mỗi người gửi tiền được bảo hiểm trong trường hợp tổ chức tham gia BHTG bị đổ vỡ lên tới 250.000USD. Tuy nhiên, Voyager không phải là tổ chức tham gia BHTG. Như vậy, không có cơ chế để FDIC vào cuộc và chi trả cho khách hàng của Voyager.
Một nội dung đề cập tới bảo hiểm tiền gửi được Voyager đăng tải
FDIC, CFPB hành động để ngăn ngừa hiện tượng quảng cáo sai lệch, lợi dụng BHTG
Thời gian gần đây, Chính phủ Mỹ đã gia tăng lo ngại về việc các công ty đang lợi dụng chính sách BHTG nhằm quảng cáo sai sự thật tới khách hàng. Tháng 5/2022, FDIC ban hành quy định nhằm hạn chế các công ty, doanh nghiệp đưa ra thông tin gây nhầm lẫn về chính sách BHTG cũng như sử dụng sai mục đích thương hiệu, logo FDIC gây ngộ nhận đối với khách hàng.
Cụ thể, quy định của FDIC nêu rõ quy trình nhận diện và điều tra các hành vi vi phạm, các tiêu chuẩn đánh giá vi phạm cũng như thủ tục xử lý một cách chính thức hoặc không chính thức đối với các chủ thể vi phạm. FDIC sẽ có thẩm quyền độc lập trong việc điều tra cũng như đưa ra các quyết định hành chính có liên quan, bao gồm ban hành lệnh ngừng, hủy bỏ và áp dụng các hình thức phạt tiền mang tính dân sự.
Quy định nêu rõ, các tổ chức phi ngân hàng khi đưa ra thông tin liên quan tới chính sách BHTG, sử dụng logo, nhãn hiệu của FDIC hay xác định các khoản tiền gửi được bảo hiểm, cần phải dẫn chiếu thông tin làm căn cứ cho tuyên bố nói trên, xác định ngân hàng có liên quan tới các khoản tiền gửi của khác hàng. Quy định này nhằm hỗ trợ người sử dụng các dịch vụ tài chính cũng như chính FDIC nhận biết độ chính xác của các thông tin quảng cáo từ các tổ chức phi ngân hàng khi đề cập tới chính sách BHTG. Để đảm bảo tính linh hoạt, FDIC để ngỏ về cách thức các thông tin này được truyền tải tới khách hàng, cho phép các tổ chức phi ngân hàng có thể công bố thông tin bằng cách đặt các đường dẫn (hyperlink) tới danh sách các tổ chức tham gia BHTG.
FDIC đã xây dựng quy trình xử lý khiếu nại và điều tra, theo đó, công chúng có thể tố cáo các trường hợp bị nghi ngờ là quảng cáo sai, sử dụng sai hoặc thể hiện sai thông tin về BHTG. FDIC sẽ vào cuộc điều tra các khiếu nại để đánh giá dấu hiệu vi phạm. Sau khi điều tra, một quy trình hành động sẽ được quyết định tùy thuộc vào kết quả điều tra. Trong trường hợp không phát hiện vi phạm, FDIC có thể lựa chọn tiếp tục hoặc không tiếp tục theo đuổi vấn đề. Nếu phát hiện vi phạm trong phạm vi thẩm quyền của FDIC, cơ quan này sẽ thực hiện các biện pháp xử lý. Nếu vi phạm vượt ra ngoài quyền hạn, FDIC sẽ chuyển vấn đề tới cơ quan phù hợp.
Đặc biệt, FDIC đề ra cơ chế xử lý chính thức và không chính thức. Theo quy trình không chính thức, FDIC có thể phát hành một văn bản khuyến nghị nghị bên vi phạm giải quyết vấn đề. Tổ chức vi phạm cần phải ngừng ngay hành vi vi phạm, có các biện pháp thích hợp để ngăn chặn vi phạm trong tương lai, cam kết bằng văn bản sẽ không tiếp tục vi phạm. Tổ chức vi phạm sẽ phải xác minh bằng văn bản rằng các vấn đề nêu trên đã được giải quyết một cách thích đáng. Trong trường hợp bên vi phạm không đồng ý đây là hành vi vi phạm, tổ chức này có ít nhất 15 ngày để cung cấp thông tin, giải trình, gửi bằng chứng chứng minh, song phải đảm bảo khoảng thời gian này không xảy ra hành vi gây hại cho người tiêu dùng hoặc tổ chức tham gia BHTG. Khi tổ chức vi phạm đã tuân thủ và khắc phục, FDIC sẽ không có thêm hành động cưỡng chế hay xử phạt nào.
Tuy nhiên, nếu tổ chức vi phạm không hồi đáp, không tuân thủ thư khuyến nghị từ FDIC hoặc FDIC nhận thấy cần thực hiện biện pháp chính thức, cơ quan này sẽ vào cuộc và áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo thẩm quyền.
FDIC cho biết, trong những năm gần đây, cơ quan này đã ghi nhận ngày càng nhiều vi phạm, đặc biệt là trong làn sóng tài chính gắn liền với công nghệ đang trỗi dậy. Các bước phát triển về công nghệ dẫn tới các sản phẩm, dịch vụ mới, tiện lợi hơn cho người sử dụng, nhưng đồng thời cũng gia tăng nguy cơ khách hàng bị lừa dối, thiệt hại. Có thể nói, quy định nói trên là một bước tiến nhằm ngăn chặn các tổ chức, cá nhân lợi dụng niềm tin của công chúng vào chính sách BHTG và tổ chức BHTG nhằm lừa dối, thu lợi phi pháp. Quy định này chính thức có hiệu lực từ 5/7/2022.
Cùng thời gian, Cục Bảo vệ tài chính người tiêu dùng (CFPB) cũng ban hành Thông tư Bảo vệ tài chính người tiêu dùng. Cơ quan này nhấn mạnh rằng dù là vô tình hay có chủ đích, các hành vi quảng cáo sai sự thật, chứa đựng thông tin gây nhầm lẫn liên quan tới BHTG cũng là hành vi vi phạm Đạo luật Bảo vệ tài chính người tiêu dùng. Thông tư này chỉ rõ, các tuyên bố về sản phẩm, dịch vụ tài chính “được quản lý” bởi FDIC, “được bảo hiểm”, “đủ điều kiện được FDIC bảo hiểm” mà không kèm theo căn cứ rõ ràng, các thông điệp ẩn ý về việc sản phẩm, dịch vụ tài chính được FDIC bảo hiểm đều là các hành vi vi phạm.
Ông Rohit Chopra – Giám đốc Cục Bảo vệ tài chính người tiêu dùng cảnh báo: “Công chúng biết và tin tưởng vào FDIC, song các tổ chức tài chính không nên coi niềm tin đó là một mồi nhử nhằm đưa ra những tuyên bố lừa dối về BHTG. Những hành vi tiếp thị sai sự thật như vậy làm suy yếu môi trường cạnh tranh, xói mòn niềm tin vào hệ thống BHTG, có nguy cơ làm mất mát, thiệt hại những khoản tiết kiệm xương máu của người dân”.
Tài liệu tham khảo:
https://www.lexology.com/library/detail.aspx?g=bee2bba2-4c35-43ee-8ec2-21102835e10d