Niềm tin vào chính sách BHTG có thể bị lợi dụng để trục lợi
Công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực tiền kỹ thuật số Voyager đang đứng trước việc bị FDIC điều tra liên quan tới những tuyên bố rằng tiền gửi của khách hàng công ty này được FDIC bảo vệ. Trước đó, trên một bài đăng trên website công ty, Voyager khẳng định nếu công ty phá sản, khách hàng sẽ được FDIC trả tiền bảo hiểm. Thông điệp sau đó được sửa đổi theo hướng mập mờ rằng khách hàng của Voyager được cam kết bồi thường lên đến 250.000 USD (là hạn mức BHTG tại Mỹ) khi quỹ mất khả năng thanh toán. Thông tin này không chính xác, bởi Voyager không phải là tổ chức tham gia BHTG. Hiện, Voyager đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Nhiều khách hàng của Voyager đang rất hoang mang, do họ giao dịch với công ty này với niềm tin rằng mình sẽ được bảo hiểm tiền gửi bảo vệ.
Trường hợp của công ty Voyager đã làm dấy lên lo ngại về việc chính sách BHTG, niềm tin của công chúng vào tổ chức BHTG bị lợi dụng để làm tổn hại tới chính người gửi tiền cũng như hệ thống tài chính – ngân hàng. Việc FDIC và CFPB nhanh chóng vào cuộc, đề ra các quy định nhằm củng cố, quản lý việc sử dụng thương hiệu, hình ảnh của tổ chức BHTG cũng như các diễn giải về chính sách BHTG là biện pháp chính sách cần thiết nhằm bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ tài chính.
Thực tế, các công ty, doanh nghiệp, bên cạnh truyền thông để gia tăng mức độ nhận biết, đều cần có cơ chế quản trị danh tiếng. Không chỉ theo dõi báo chí, họ còn sử dụng các công cụ lắng nghe xã hội (social listening), bao gồm cả công cụ online và phân tích offline để theo dõi các luồng dư luận, các bài viết, bình luận, đăng tải… có đề cập tới bản thân doanh nghiệp và các sản phẩm, dịch vụ mà họ cung cấp. Với cơ chế sàng lọc hữu hiệu, các doanh nghiệp này có thể phân biệt các nội dung tiêu cực, sai lệch, thậm chí xác định được nguồn lan truyền, động cơ lan truyền để có biện pháp xử lý phù hợp.
Nếu như các công ty, doanh nghiệp thông thường đều cần áp dụng những biện pháp bảo vệ thương hiệu, giữ gìn uy tín trên thị trường, thì tổ chức BHTG càng cần kiểm soát thương hiệu và uy tín một cách chặt chẽ hơn. Đây không chỉ là giá trị cốt lõi của tổ chức, mà còn tác động tới người tiêu dùng dịch vụ tài chính nói riêng, công chúng nói chung và toàn thể hệ thống tài chính. Khi trên thị trường xuất hiện những thông tin mập mờ, gây nhầm lẫn về chính sách và tổ chức BHTG, mọi nỗ lực xây dựng niềm tin công chúng đều sẽ thể hiện một tác dụng ngược. Ngay cả khi những thông tin sai lệch không lan rộng, chưa tác động tới nhiều người, việc lưu hành song song những thông tin thật và thông tin thất thiệt cũng sẽ dẫn tới những nhận thức sai lệch, làm giảm uy tín của tổ chức BHTG, làm hạn chế hiệu quả thực thi chính sách. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra đối với các tổ chức BHTG là cần kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng hình ảnh, tên gọi, thương hiệu, diễn giải chính sách, hạn chế những thông tin không chính xác, dù bên đưa ra thông tin là vô tình hay cố ý, do thiếu nhận thức hay để trục lợi.
Tại Việt Nam, với sự phát triển của truyền thông số, truyền thông xã hội cũng như tiến trình chuyển đổi số hiện nay, những thông tin sai lệch, không được kiểm chứng có thể lan truyền rất nhanh. Bên cạnh hệ thống ngân hàng với các sản phẩm, dịch vụ tài chính không ngừng gia tăng, đem lại lợi ích cho khách hàng cũng như cho ngân hàng, các sản phẩm, dịch vụ tài chính công nghệ (fintech) cũng xuất hiện ngày càng nhiều và thu hút được sự quan tâm của công chúng. Là tổ chức tài chính nhà nước trực tiếp triển khai Luật BHTG, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) cần sớm có quan tâm tới việc dự phòng, kiểm soát, ngăn ngừa thông tin sai về BHTG, sử dụng hình ảnh tổ chức BHTG sai mục đích.
Hiện nay, BHTGVN đã có Bộ nhận diện thương hiệu (ban hành năm 2016). Song đây mới chỉ là bộ công cụ chủ yếu sử dụng nội bộ, chưa có cơ chế quản trị thương hiệu đầy đủ. Bên cạnh đó, vào năm 2017, BHTGVN đã thay đổi mẫu thiết kế Chứng nhận tham gia BHTG và bản sao Chứng nhận theo bộ nhận diện hình ảnh thống nhất của tổ chức để tăng mức độ nhận biết đối với người gửi tiền. Mẫu Chứng nhận tham gia BHTG mới đã được bổ sung yếu tố bảo mật để tránh làm giả, nhái. Theo Phó Tổng giám đốc Vũ Văn Long, yếu tố bảo mật tạo sự thuận lợi cho BHTGVN trong công tác quản lý, theo dõi, kiểm tra đối với các tổ chức tham gia BHTG. Đồng thời, đây là giải pháp ngăn ngừa nguy cơ một số cá nhân tự sao chụp Chứng nhận tham gia BHTG, mạo danh tổ chức tín dụng hợp pháp, được phép nhận tiền gửi của người gửi tiền. Như vậy, BHTGVN đã có những bước nhất định để bảo vệ uy tín, hình ảnh của mình, song trong một thế giới đang biến đổi nhanh chóng như hiện nay, cần thêm nhiều giải pháp để có thể bảo vệ người gửi tiền trước các thông tin sai lệch về chính sách BHTG.
Giải pháp chủ động kiểm soát thông tin sai lệch về BHTG
Việc kiểm soát thông tin sai lệch chỉ là một hợp phần nhỏ trong toàn bộ bức tranh truyền thông, song là một phần thiết yếu, có ý nghĩa quyết định đối với quá trình tuyên truyền chính sách. Bên cạnh việc một số hành vi truyền thông sai lệch về BHTG có thể thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Báo chí, Luật Quảng cáo, tổ chức BHTG cũng cần chủ động kiểm soát thông tin sai lệch nhằm phân loại, xử lý kịp thời. Để kiểm soát thông tin sai lệch có hiệu quả, không thể chỉ dựa vào những hoạt động đơn lẻ, mà phải có một hệ thống các giải pháp nhằm ngăn ngừa và giải quyết tận gốc vấn đề. Cụ thể:
Về pháp lý, cần có văn bản pháp lý với mức hiệu lực cao quy định nghĩa vụ của các tổ chức tham gia BHTG phải tham gia phối hợp truyền thông cùng tổ chức BHTG. Hiện nay, Luật BHTG chỉ nêu trách nhiệm của tổ chức BHTG là tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHTG, song chưa có sự ràng buộc trách nhiệm tuyên truyền chính sách BHTG của các tổ chức tham gia BHTG. Trong khi đó, các tổ chức tham gia BHTG là một trong những bên thụ hưởng của chính sách này. Việc chưa quy định trách nhiệm phối hợp tuyên truyền giữa các tổ chức tham gia BHTG với BHTGVN có thể dẫn tới nguy cơ các tổ chức này chỉ phối hợp dựa trên tinh thần thiện chí, hợp tác, song việc tuyên truyền diễn ra không nhất quán, thông điệp tuyên truyền chưa hợp lý, chưa thống nhất.
Đồng thời, BHTGVN cần được trao thẩm quyền yêu cầu các tổ chức tham gia BHTG chỉnh sửa, thay đổi, hủy bỏ các nội dung truyền thông có đề cập tới chính sách BHTG một cách không rõ ràng, không chính xác hoặc có nguy cơ gây nhầm lẫn. Đối với những vấn đề nằm ngoài phạm vi thẩm quyền của BHTGVN hoặc cần sự vào cuộc của cơ quan bảo vệ pháp luật, BHTGVN sẽ thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết.
Về giải pháp hỗ trợ công chúng, tổ chức BHTG cần có cơ chế tiếp nhận các thông tin báo cáo, thắc mắc của người gửi tiền về các nội dung truyền thông có đề cập tới BHTG mang nguy cơ sai lệch, nhầm lẫn để xác minh, làm rõ. Cơ chế này cần được thiết kế để dễ tiếp cận, có thể hiện hữu trên nhiều kênh, nhiều nền tảng khác nhau, đồng thời ứng dụng các tiến bộ về khoa học công nghệ. Bên cạnh tiếp nhận thông tin, BHTGVN nên xây dựng hệ thống giải đáp thắc mắc, tư vấn chính sách về BHTG để giúp người gửi tiền nói riêng và công chúng nói chung dễ dàng được hỗ trợ, được tiếp cận với nội dung chính sách một cách chuẩn xác. Đây cũng là một trong những hợp phần quan trọng hỗ trợ cho công tác truyền thông chính sách BHTG nói chung.
Về giải pháp kỹ thuật, BHTGVN cần xây dựng hệ thống theo dõi, quan sát, lắng nghe trên môi trường mạng. Đây không chỉ là hệ thống nhằm quản trị thương hiệu của riêng tổ chức BHTG mà còn là công cụ để phát hiện sớm các diễn giải sai lệch về chính sách BHTG. Bên cạnh đó, đây còn là công cụ nhận diện nguy cơ khủng hoảng về truyền thông trong lĩnh vực ngân hàng và BHTG.
Để tận dụng quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực BHTG, BHTGVN có thể cân nhắc thiết lập tổng đài tư vấn cho người gửi tiền, trong đó có chức năng tiếp nhận kiến nghị, thắc mắc và các báo cáo vi phạm theo mô hình one-stop, đồng thời sử dụng AI (trí tuệ nhân tạo) để phản hồi, tương tác với công chúng cũng như sàng lọc thông tin, nhằm tối đa hóa hiệu quả làm việc. Như vậy, BHTGVN không tốn nhân lực cho công tác tiếp nhận, xử lý thông tin bước đầu, đồng thời lại có thể giải đáp cho những thắc mắc của người gửi tiền một cách chính thống.
Về giải pháp truyền thông, cần tuyên truyền rộng, hiệu quả về chính sách BHTG để nâng cao mặt bằng nhận thức chung của công chúng. Khi công chúng đã biết và hiểu về BHTG cũng là giảm tối đa nguy cơ xuất hiện thông tin sai lệch về chính sách, đồng thời là nền tảng để phát hiện, báo cáo các thông tin sai lệch từ ngay trong cộng đồng. Do đó, các chương trình truyền thông của BHTGVN cần được triển khai một cách nhất quán, có sự phối hợp giữa truyền thông tiếp cận và truyền thông tiếp nối để đưa thông tin, kiến thức, nội dung chính sách đi vào cuộc sống. Bên cạnh đó, tổ chức BHTG cũng có thể tham gia các hoạt động phổ biến kiến thức tài chính, qua đó người dân có hiểu biết để tiết kiệm và gửi tiền đúng cách, có thể phân biệt được tổ chức tín dụng đáng tin cậy, hoạt động hiệu quả để lựa chọn gửi tiền, có thể tiếp nhận các thông tin, kiến thức cập nhật, từ đó ít nguy cơ bị các thông điệp sai lệch lung lạc, lừa dối.
Về giải pháp nội bộ, cần xây dựng các quy trình tiếp nhận, xác minh, xử lý thông tin báo cáo, thắc mắc về nội dung sai lệch liên quan đến chính sách BHTG. Đây sẽ là kim chỉ nam để tổ chức BHTG áp dụng khi phát sinh tình huống đột xuất, tránh lúng túng hoặc những phản ứng chồng chéo, thiếu sự phối hợp giữa các phòng, ban và bộ phận có liên quan. Trong trường hợp phát hiện vi phạm, BHTGVN ngay lập tức có thể chủ động xử lý hoặc ghi nhận và chuyển tới các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết trên cơ sở pháp luật./.