Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cho khách hàng và người gửi tiền, cũng như duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính. Tuy nhiên, mặt khác, BHTG – cũng như mọi loại hình bảo hiểm khác – cũng có hiệu ứng phụ là thúc đẩy rủi ro đạo đức, là mầm mống gây nên những hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế.Chủ tịch IADI cho rằng không nên lảng tránh BHTG chỉ bởi lo ngại về tác động tiêu cực do rủi ro đạo đức. Ngược lại, có thể giảm nhẹ những ảnh hưởng này nếu các cơ quan BHTG và các cơ quan giám sát ngân hàng thực hiện tốt chức năng giám sát, đảm bảo các tiêu chuẩn đáng tin cậy về vốn, và tính phí BHTG dựa trên mức độ rủi ro của các ngân hàng.
Về rủi ro đạo đức
Chức năng cơ bản của BHTG là nâng cao niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng, qua đó đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính. Theo ông Hoenig, chính sách BHTG cần được thiết kế đảm bảo việc duy trì kỷ luật thị trường và góp phần hạn chế rủi ro đạo đức.
Trách nhiệm ngăn chặn các ngân hàng thực hiện những hoạt động rủi ro quá mức nằm trên vai cơ chế giám sát ngân hàng và các tiêu chuẩn về vốn. Vận động và hỗ trợ cho hai chức năng này sẽ trở nên cực kỳ quan trọng đối với các tổ chức BHTG.
Với kinh nghiệm của mình, nhân vật số hai của FDIC nhấn mạnh vai trò của giám sát ngân hàng và vốn nhằm trở thành đối trọng với rủi ro đạo đức. Trong quá khứ, hai công cụ này đã được sử dụng một cách hiệu quả, song trong thời kỳ sóng yên biển lặng, ngành ngân hàng thường phản đối mạnh mẽ và các cơ quan giám sát, tổ chức BHTG cũng không còn trọng dụng nữa. Thực tế, các cơ quan giám sát và tổ chức BHTG cần phải phát huy vai trò cảnh báo của mình, nếu không sẽ không thể bảo vệ nền kinh tế khỏi thiệt hại trầm trọng. Trong thời kỳ bùng nổ phát triển ngay trước khi xảy ra khủng hoảng, trách nhiệm cảnh báo, “làm nguội” những “cái đầu nóng” sẽ càng trở nên nặng nề.
Đối trọng của rủi ro đạo đức sẽ đòi hỏi các chủ ngân hàng phải cam kết dưới hình thức vốn cổ phần. Nó đòi hỏi cơ giám sát ngân hàng và tổ chức BHTG phải áp dụng các nguyên tắc giám sát an toàn, tuân thủ luật pháp một cách khách quan, bất kể tình hình thời tiết chính trị ở từng thời điểm.
Giám sát
Hiệu quả giám sát có thể đạt được thông qua việc đặt ra những tiêu chuẩn, thu thập và phân tích thông tin, đánh giá đồng thời sự can đảm để truyền đạt đánh giá đó tới các tổ chức tài chính cũng như các bên khác tham gia thị trường.
Vấn đề là yếu tố then chốt của quá trình giám sát lại nằm ở tinh thần trách nhiệm của các cơ quan giám sát và tổ chức BHTG. Nó đòi hỏi người thực hiện nhiệm vụ phải duy trì một tư duy hoài nghi hợp lý, đặt ra được những câu hỏi phức tạp. Nó đòi hỏi sự độc lập, can đảm trong việc truyền đạt kết quả giám sát tới lãnh đạo các ngân hàng và công chúng. Trong bối cảnh phát triển kinh tế, những điều trên lại càng trở nên khó khăn, bởi công chúng và các bên tham gia thị trường vốn không thích nghe những thông tin trái chiều. Với những dữ liệu thực tế và kinh nghiệm, trách nhiệm của các cơ quan giám sát và tổ chức BHTG là chống lại sự điên loạn của thị trường.
Tại Mỹ những năm 2006 – 2007, những dấu hiệu rõ ràng về một cuộc khủng hoảng đã dần xuất hiện, các cơ quan giám sát ngân hàng đã can thiệp chậm trễ. Ngay khi cả vấn đề được chỉ ra nằm trong lĩnh vực bất động sản thương mại, sau khi ngành này phản đối dữ dội, các cơ quan quản lý ở Mỹ đã nhanh chóng rút lại các quyết định của mình. Thực tế đã chứng minh, việc ngăn chặn sự phát triển nóng của ngành bất động sản là hợp lý, và bên phản đối mới là bên sai lầm.
Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng khi các cơ quan quản lý cùng đồng thanh ca bài ca “lần này sẽ khác”. Thiếu vắng cơ chế giám sát và quản lý đối với các tổ chức tài chính quy mô lớn nhất và phức tạp nhất thế giới, cũng như quyết định cắt giảm những cuộc kiểm tra hệ thống trong những năm trước đó đã dẫn đến cuộc khủng hoảng năm 2008. Các kết quả kiểm tra, các mô hình cảnh báo sớm sẽ không được trọng dụng nếu các cơ quan quản lý không thể đưa thông tin này đến đúng nơi cần đến.
Các cơ quan giám sát có thể tạo ra được sự khác biệt, song sẽ cần đến kiến thức, khả năng phân tích, kỹ năng truyền thông, và cả sự can đảm.
Vốn chủ sở hữu
Mục tiêu giám sát ngân hàng là đánh giá ngân hàng đó có hoạt động một cách lành mạnh hay không, các điểm yếu trong hoạt động và danh mục đầu tư có được xác định rõ hay không. Tuy nhiên, không nên cố gắng hướng giám sát tới mức loại trừ mọi rủi ro kinh doanh. Nó không nên được sử dụng để các tổ chức tín dụng tránh khỏi gánh chịu hậu quả những quyết định kinh doanh sai lầm của các cá nhân, mà đó là vai trò của vốn chủ sổ hữu. Phương pháp đánh giá vốn nên được xây dựng đơn giản, dễ hiểu, và có tính hiệu lực cao.
Tiêu chuẩn về vốn tối thiểu ngày nay thực sự phức tạp và dựa trên lượng giá rủi ro một cách không rõ ràng. Một phương pháp đánh giá đáng tin cậy hơn về nguồn lực vốn là tỷ lệ đòn bẩy hữu hình. Nó đòi hỏi ta lấy vốn cổ phần hữu hình chia cho tổng tài sản. Biện pháp này thường được các nhà đầu tư tài chính sử dụng, cho thấy các tổ chức tài chính Mỹ có tầm ảnh hưởng hệ thống trên toàn cầu chỉ chiếm tỷ lệ 6,6%, so với tỷ lệ gần 9% của các tổ chức tài chính khác tại Mỹ. Tỷ lệ này tại các tổ chức tài chính châu Âu có tầm ảnh hưởng hệ thống trên toàn cầu đạt 4,6%.
Để đánh giá rõ ràng hơn về các tỷ lệ này, cần xem xét chúng trong tương quan rằng theo những ước tính thận trọng nhất, trong cuộc khủng hoảng năm 2008, ngành ngân hàng Hoa Kỳ đã thiệt hại 7% tài sản. Vào thời điểm đó, vốn hữu hình chiếm khoảng 3%. Không có lý do gì để chấp nhận các biện pháp đánh giá vốn đã gây ra sự sao lệch cũng như mức vốn không thể chống chịu được ngay cả các khoản lỗ khiêm tốn nhất, khiến cuối cùng, người nộp thuế lại chính là người chịu đựng gánh nặng đổ vỡ.
Có ý kiến cho rằng áp dựng tỷ lệ đòn bẩy một cách nghiêm ngặt như một biện pháp đảm bảo vốn tối thiểu có thể cản trở tăng trưởng tín dụng cũng như tăng trưởng kinh tế. Cũng có ý kiến nêu, nếu đưa ra tiêu chuẩn vốn cao hơn, các ngân hàng sẽ phải chấp nhận mức rủi ro lớn hơn để thúc đẩy lợi nhuận. Tuy nhiên, các nghiên cứu có liên quan về đề tài này cho thấy các luồng ý kiến trên đều không chính xác. Ngân hàng Thanh toán Quốc tế chỉ ra: với mỗi điểm phần trăm tăng trưởng vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản đồng nghĩa với 0,6 điểm phần trăm tăng trưởng tín dụng cả năm. Các dữ liệu khác cho thấy, bước vào cuộc khủng hoảng 2008 các ngân hàng Mỹ có mức vốn cao hơn đã có mức sụt giảm cho vay vừa phải và hồi phục nhanh hơn trong chu kỳ. Đồng thời, các ngân hàng có mức vốn thấp nhất, kể cả các ngân hàng lớn nhất, đã phải sụt giảm cho vay nghiêm trọng và là nhóm các ngân hàng có tỷ lệ đổ vỡ hoặc phải cứu trợ cao nhất. Rõ ràng, các dữ liệu đã chứng minh các ngân hàng có nguồn lực vốn tốt cũng linh hoạt hơn việc quản lý qua các chu kỳ kinh doanh. Các ngân hàng có giá trị vốn cổ phần cao hơn cũng có giá trị sổ sách cao hơn, thể hiện sức cạnh tranh về tài chính.
Từ khía cạnh giám sát, chuyển từ các biện pháp đánh giá vốn dựa trên rủi ro sang phương pháp lượng giá mức vốn phù hợp dựa trên giá trị tài sản hữu hình sẽ đưa ra những thông tin đáng tin cậy hơn, qua đó có được kết quả giám sát chính xác hơn, tiết kiệm hàng triệu đô la chi phí giám sát phục vụ cho tính toán và phân tích rủi ro – những phương pháp đang trở nên lỗi thời.
Thay vì các cơ quan quản lý áp dụng phương pháp đánh giá vốn dựa trên rủi ro đối với toàn bộ các ngân hàng, phương pháp này chỉ nên được các nhà quản trị ngân hàng sử dụng để phân bổ vốn nội bộ. Quá trình phân bổ vốn này mới là đối tượng của việc kiểm tra. Hơn thế nữa, đánh giá vốn dựa trên rủi ro và các mô hình khác có thể là những công cụ hữu ích phục vụ quá trình giám sát, thực hiện đánh giá sức chịu đựng theo các kịch bản kinh tế khác nhau. Tuy nhiên, việc áp dụng biện pháp này một cách thường xuyên để đánh giá mức đáp ứng về vốn sẽ có thể gây hiểu nhầm đối với cộng đồng các nhà đầu tư cũng như công chúng nói chung. Những gì đã qua, đặc biệt là cuộc khủng hoảng tài chính mới đây cho thấy, tỷ lệ đòn bẩy mới thực sự là công cụ lượng giá và dự báo khả năng thanh toán của các ngân hàng chứ không phải là đánh giá vốn dựa trên rủi ro.
Tiêu chuẩn vốn tối thiểu được đo lường bằng cách sử dụng tỷ lệ đòn bẩy, kết hợp với kiểm tra, giám sát chặt chẽ, chính là phương pháp tối ưu đảm bảo cho sự lành mạnh của các ngân hàng, hệ thống bảo hiểm được cấp vốn an toàn, và một nền kinh tế mạnh.
Phương pháp tính phí BHTG
Công cụ cuối cùng mà ông Hoenig nhắc tới với tư cách đối trọng của rủi ro đạo đức chính là việc tính phí BHTG. Cụ thể, phí BHTG đối với các tổ chức tham gia BHTG được tính dựa trên rủi ro so với các khoản nợ mà tổ chức đó đang nắm giữ. Một hệ thống tính phí BHTG được thiết kế tốt có thể giảm thiểu rủi ro đạo đức thông qua việc buộc các tổ chức tín dụng phải trả giá cho việc chấp nhận rủi ro. Nếu tổ chức tham gia BHTG có mức rủi ro cao hơn, sẽ dẫn tới việc đặt quỹ BHTG vào rủi ro lớn hơn, và vì thế cũng phải đóng khoản phí cao hơn.
Thiết kế và vận hành một hệ thống tính phí BHTG trên cơ sở rủi ro không phải là điều dễ dàng. Nó đòi hỏi rất nhiều dữ liệu và phân tích phức tạp để đảm bảo tính chính xác. Không chỉ có vậy, rất khó có thể tính phí một cách tương xứng đối với các tổ chức tham gia BHTG rủi ro, đồng thời có mức độ liên kết cao. Vì vậy, việc tính phí BHTG trên cơ sở rủi ro không thể thay thế cho công tác giám sát và các tiêu chuẩn về vốn. Phương pháp tính phí này là nên nên được coi như sự một biện pháp bổ sung tiềm năng trong một số trường hợp nhất định, khi tình thế cho phép phát triển phương pháp tính phí thực sự hợp lý.
Để kết luận bài phát biểu của mình, Phó Chủ tịch FDIC trích dẫn lời của Bill Taylor – một chuyên gia về kiểm tra ngân hàng – nguyên Trưởng bộ phận Giám sát ngân hàng tại Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và nguyên chủ tịch FDIC: giám sát hiệu quả đòi hỏi thu thập, xác minh thông tin, cần kinh nghiệm, khả năng lãnh đạo, và cả lòng quả cảm.
Đ.T.T
Nguồn: FDIC
https://www.fdic.gov/news/news/speeches/spoct1117.html