4 đội chơi xuất sắc nhất đến từ Học viện Ngân hàng, Học viện Tài chính, Đại học Mở Hà Nội, Đại học Ngoại thương đã vượt qua hơn 200 đội chơi để lọt vào trận chung kết.
Sau 3 vòng thi gay cấn và hấp dẫn, đội 321 với 3 sinh viên đến từ 3 trường đại học khác nhau (Đại học Ngoại thương, Học viện Tài chính, Học viện Ngân hàng) đã đoạt giải Nhất với phần thưởng 20 triệu đồng và 3 vé máy bay khứ hồi chặng nội địa của Vietjet Air.
Đội TMT đến từ Học viên Ngân hàng đoạt giải Nhì với phần thưởng 15 triệu đồng và 3 vé máy bay khứ hồi chặng nội địa của Vietjet Air.
Đội D.A.Y (Học viện Tài chính) và đội DHM04 (Đại học Mở) đồng giải Ba với giải thưởng mỗi đội là 5 triệu đồng và 03 vé máy bay khứ hồi chặng nội địa của Vietjet Air.
Cuộc thi “Hiểu đúng về tiền” là một trong chuỗi hoạt động truyền thông giáo dục tài chính mà NHNN triển khai thời gian qua nhằm góp phần hiện thực hóa những mục tiêu của Chính phủ tại Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và các Đề án của Chính phủ (báo gồm Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 và Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công).
Theo bà Lê Thị Thúy Sen – Vụ trưởng Vụ Truyền thông (NHNN), hiện nay, việc thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện đang là chính sách ưu tiên của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Để thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, truyền thông giáo dục tài chính đóng một vai trò quan trọng, phối hợp đồng bộ với các trụ cột khác như xây dựng hành lang pháp lý, hoàn thiện cơ sở hạ tầng tài chính, phát triển đa dạng các tổ chức cung ứng, kênh phân phối, sản phẩm, dịch vụ tài chính, ứng dụng công nghệ số…Để nâng cao hiệu quả, hoạt động truyền thông cần có tính sáng tạo và đổi mới. Lần đầu tiên ngành ngân hàng triển khai các chương trình truyền thông giáo dục tài chính có sức lan tỏa lớn trong cộng đồng, nhằm nâng cao kiến thức và hiểu biết của cộng đồng về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, góp phần giúp người dân nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa và những đối tượng yếu thế, học sinh sinh viên. Các chương trình được thiết kế và xây dựng phù hợp với từng nhóm đối tượng mục tiêu cụ thể như trẻ em, học sinh, sinh viên, hay người trưởng thành… Điển hình như chương trình “Tiền khéo, tiền khôn” trên VTV3 và “ Đồng tiền thông thái” trên VTV1 đã đưa những kiến thức chuyên môn trở thành dễ hiểu đối với công chúng để thay đổi nhận thức và hành vi của người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính và góp phần tạo môi trường cộng đồng tài chính tốt.
Về định hướng thời gian tới, bà Lê Thị Thúy Sen chia sẻ, NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu, triển khai truyền thông giáo dục tài chính với nhiều hình thức sáng tạo, đổi mới và hiện đại. Theo đó, đối tượng mục tiêu của truyền thông giáo dục tài chính thời gian tới là giới trẻ, đồng bào khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, những đối tượng yếu thế trong xã hội.
Phát biểu tại cuộc thi, PGS.TS. Lê Văn Luyện – Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng đánh giá, đây là một sân chơi trí tuệ, bổ ích, giúp các bạn sinh viên có thêm những kiến thức, kỹ năng cần thiết để tiếp cận các dịch vụ kinh tế, tài chính, ngân hàng trong kỉ nguyên công nghệ số; nâng cao hiểu biết về quản lý tài chính cá nhân, góp phần đẩy mạnh chương trình tài chính toàn diện quốc gia. Cuộc thi giúp sinh viên có cơ hội giao lưu, học hỏi và phát triển bản thân, có hiểu biết đúng đắn về các sản phẩm dịch vụ tài chính - ngân hàng, từ đó sử dụng các sản phẩm dịch vụ tài chính một cách thông thái và giúp sinh viên thực hiện trách nghiệm xã hội thông qua việc lan toả kiến thức trong cộng đồng nhằm bảo vệ người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính và giảm thiểu chi phí xã hội.
Cuộc thi “Hiểu đúng về tiền năm 2021” do Vụ Truyền thông NHNN phối hợp Học viện Ngân hàng tổ chức dành cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng khu vực Miền Bắc. Với thông điệp trang bị cho sinh viên “kiến thức, kỹ năng tài chính thông minh - smart money”, cuộc thi cung cấp cho các bạn sinh viên các kiến thức về tài chính, ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt, các sản phẩm cho vay, hạn chế tín dụng đen, đầu tư, chi tiêu, tiết kiệm, hiểu biết về đồng tiền Việt Nam… Từ đó, giúp các bạn sinh viên thay đổi nhận thức, hình thành những thói quen tốt về tài chính như thanh toán không dùng tiền mặt, chi tiêu hợp lý, tiết kiệm để đầu tư, tránh tín dụng đen; đồng thời có những hiểu biết đúng đắn về giá trị đồng tiền, quý trọng giá trị sức lao động, tự tin đưa ra các quyết định tài chính hợp lý. Chủ đề cuộc thi năm nay đặc biệt nhấn mạnh về kiến thức thanh toán không dùng tiền mặt, tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng, an ninh an toàn bảo mật khi sử dụng dịch vụ ngân hàng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi sử dụng dịch vụ tài chính ngân hàng. |