Hiện nay, các hoạt động trong hệ thống của BHTGVN đều cơ bản diễn ra trên môi trường mạng. Thông qua dự án FSMIMS, BHTGVN đã có một hệ thống CNTT tổng thể, bao gồm các hệ thống phần cứng, phần mềm hệ thống, phần mềm chung, phần mềm tiêu chuẩn, phần mềm nghiệp vụ được cài đặt tập trung tại 02 Trung tâm dữ liệu (DC, DRC) và triển khai trong toàn hệ thống BHTGVN. Hệ thống Trung tâm dữ liệu dự phòng (DRC) đảm bảo an toàn dữ liệu và duy trì hoạt động của Hệ thống CNTT khi Trung tâm dữ liệu (DC) gặp sự cố.
Hệ thống mới của BHTGVN đã đáp ứng đầy đủ các quy định của Luật BHTG và phù hợp với các nguyên tắc cơ bản về phát triển BHTG hiệu quả của IADI. Các hệ thống này được tích hợp tổng thể với nhau và được kết nối chia sẻ với kho dữ liệu của NHNN.
Theo đó, hệ thống CNTT được xây dựng theo các hạng mục sau:
Hệ thống hạ tầng: Máy chủ, Switch, Firewall, hệ thống hội nghị truyền hình, Exadata, IDP, Sao lưu và lưu trữ; Hệ thống phần mềm tiêu chuẩn, phần mềm hệ thống và các phần mềm chung (hỗ trợ cho các hoạt động của phần cứng);
Nhóm phần mềm phục vụ hoạt động hậu cần: Quản lý nguồn nhân lực (HR); Kế toán và Quản lý ngân sách (ERP); Kiểm toán nội bộ (IA); Quản lý báo cáo và tài liệu (DCM).
Nhóm phần mềm phục vụ hoạt động nghiệp vụ: Giám sát rủi ro (RM); Xử lý (RL); Quản lý tài chính (FM);
Hệ thống Thu thập thông tin và lập báo cáo: Quản lý thông tin (IM); Hệ thống báo cáo quản trị thông minh (BI): Hỗ trợ xây dựng, tạo, kết xuất, và khai thác báo cáo của các hoạt động nghiệp vụ và hoạt động hậu cần.
Đánh giá trên cơ sở tham khảo các thành phần trong Kiến trúc Chính phủ điện tử 2.0 và Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số cấp Bộ, các hoạt động nghiệp vụ của BHTGVN đều đã có phần mềm ứng dụng đáp ứng các yêu cầu hoạt động hàng ngày và luôn được nghiên cứu, đề xuất chỉnh sửa để đáp ứng theo các quy định thay đổi của Nhà nước. Bên cạnh đó, BHTGVN xây dựng một hệ thống Quản lý thông tin (IM), tổng hợp tất cả các dữ liệu thu thập được và dữ liệu ở các hệ thống khác của BHTGVN vào một Kho dữ liệu thống nhất để phục vụ cho tất cả các nghiệp vụ.
Đồng thời, BHTGVN đã xây dựng hệ thống dự phòng tại trung tâm DRC, đảm bảo an toàn dữ liệu và duy trì hoạt động của hệ thống chính khi gặp sự cố. Đặc biệt, dữ liệu từ DC được backup hằng ngày, do đó, trong trường hợp có sự cố xảy ra, toàn bộ dữ liệu của hệ thống chính đều đã được backup sang hệ thống DRC.
Hệ thống CNTT của BHTG cơ bản đáp ứng một số tiêu chí về: Chỉ số chuyển đổi nhận thức; Chỉ số kiến tạo thể chế; Chỉ số hạ tầng và nền tảng số; Chỉ số thông tin và dữ liệu số và Chỉ số hoạt động về chuyển đổi số.
Mặc dù các hoạt động của BHTGVN cơ bản đã được dịch chuyển từ thủ công lên môi trường mạng, mang lại nhiều lợi ích như nâng cao năng suất lao động, giảm sự chậm trễ khi thực hiện các hoạt động nghiệp vụ…Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra hàng loạt thách thức, rủi ro về vấn đề an toàn thông tin. Nếu như trước đây, tất cả thông tin, dữ liệu của BHTGVN được sao lưu và dự phòng trong văn bản giấy truyền thống thì khi CĐS diễn ra, tất cả các thông tin của BHTGVN trừ những thông tin mật đều được số hóa và lưu trữ trên những hệ phần mềm. Mọi hoạt động của BHTGVN sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ từ Internet, hạ tầng mạng, phần mềm ứng dụng, những phát sinh lớn nhỏ… đều sẽ ảnh hưởng đến quá trình hoạt động thông suốt của hệ thống.
Định hướng phát triển của BHTGVN là từng bước nâng cao vai trò, chức năng, đổi mới hoạt động, trở thành công cụ chính sách hữu hiệu góp phần duy trì sự ổn định và phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống các TCTD tại Việt Nam. Cùng với đó, BHTGVN xác định mục tiêu tổng quát cho giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là “Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần tích cực duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng…”.
Để phù hợp với định hướng phát triển cũng như để thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ chính trị được giao; trên cơ sở tham khảo và đúc kết kinh nghiệm triển khai tại một số đơn vị, việc xây dựng lộ trình chuyển đổi số nên thực hiện bám sát theo các nội dung sau đây:
Thứ nhất, xây dựng và ban hành Khung kiến trúc tổng thể hướng tới BHTG số phù hợp với Khung kiến trúc Chính phủ điện tử 2.0 ban hành tại Quyết định 2323.
Thứ hai, xây dựng và ban hành Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của BHTGVN trên cơ sở tham khảo Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số cấp Bộ ban hành tại Quyết định 1726.
Thứ ba, thực hiện việc xây dựng và ban hành Đề án chuyển đổi số của BHTGVN năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Có thể nói, xây dựng lộ trình chuyển đổi số là không thể thiếu khi thực hiện chuyển đổi số. Một lộ trình chi tiết, cụ thể và phù hợp sẽ giúp cho BHTGVN có thể lựa chọn những phương pháp triển khai hiệu quả nhằm giảm thiểu tối đa thời gian, công sức, ngân sách cho việc triển khai, cũng như xác định các rủi ro có thể gặp phải để xây dựng lộ trình tối ưu, đảm bảo sự phù hợp với kế hoạch và các mục tiêu chiến lược định hướng đặt ra ban đầu. Vì vậy, để xây dựng lộ trình chuyển đổi số, cần huy động nguồn lực nội tại cũng như sự tư vấn đến từ các đơn vị bên ngoài để đảm bảo về chất lượng và thời gian với các kết quả đầu ra. Trong quá trình đó, việc đảm bảo an toàn thông suốt hệ thống CNTT là nhiệm vụ xuyên suốt, không thể tách rời, mang tính quyết định cho sự thành công.
Tựu chung, việc đảm bảo an toàn thông suốt hệ thống CNTT, xây dựng lộ trình chuyển đổi số là một nhiệm vụ ngày càng quan trọng của BHTGVN. Trách nhiệm của BHTGVN là thực hiện được các nhiệm vụ này một cách nhanh chóng để đáp ứng được những kỳ vọng và thách thức trong kỷ nguyên số hiện nay.