Chuyển đổi số (Digital Transformation) là sự tích hợp đầy đủ các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của một doanh nghiệp, ứng dụng các công nghệ như dữ liệu lớn (Bigdata), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud Computing)…để thay đổi cách thức vận hành, mô hình chuyển đổi số trong kinh doanh và đem đến những giá trị mới cho khách hàng của doanh nghiệp.
Chuyển đổi số còn là sự thay đổi về văn hóa của doanh nghiệp, đòi hỏi doanh nghiệp liên tục cập nhật, thay đổi theo những cái mới, và thoải mái chấp nhận những điều thất bại.
Không chỉ giữ vai trò quan trọng ở các doanh nghiệp, chuyển đổi số còn có vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực khác của xã hội như: Chính phủ, y học khoa học, truyền thông đại chúng…
Tuy nhiên, các doanh nghiệp thường hay nhầm lẫn khái niệm giữa “chuyển đổi số” (Digital Transformation) với “Số hóa” (Digitizing). Để phân biệt rõ hai khái niệm này, có thể hiểu đơn giản “số hóa” là quá trình hiện đại hóa, chuyển đổi các hệ thống thường sang hệ thống kỹ thuật số (như việc chuyển từ tài liệu số sang file mềm trên máy tính, số hóa truyền hình chuyển từ analog sang phát sóng kỹ thuật…). Trong khi đó, “chuyển đổi số” là việc khai thác toàn bộ những dữ liệu có quá trình số hóa, áp dụng công nghệ phân tích, biến đổi dữ liệu để tạo ra những giá trị mới. Cũng có thể coi “số hóa” như là một phần của quá trình “chuyển đổi số”.
Là một định chế tài chính đặc biệt trong hệ thống tài chính quốc gia, Chuyển đổi số có vai trò quan trong đối với sự gia tăng năng suất lao động, xây dựng nền tảng phát triển bền vững của BHTGVN. Việc BHTGVN nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số là yêu cầu thiết yếu, nhằm tận dụng hiệu quả các cơ hội do cuộc CMCN 4.0 đem lại để tích hợp công nghệ kĩ thuật số vào tất cả các hoạt động của tổ chức. Từ đó, thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình quản lý, giám sát nâng cao hiệu quả, phát huy vai trò vị thế, cống hiến các giá trị mới cho cộng đồng. Chính sách QHTG qua đó sẽ ngày càng bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, tham gia hiệu quả vào quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém, gắn với xử lý nợ xấu.
Có thể thấy, một trong những lợi ích của chuyển đổi số đó là giúp thu hẹp khoảng cách giữa các phòng ban, chi nhánh trong hệ thống BHTG. Theo đó, khi ứng dụng chuyển đổi số, các phòng ban, chi nhánh được sẽ được kết nối với một nền tảng hệ thống công nghệ đồng nhất. Mỗi phòng ban vẫn có các phần mềm riêng để phục vụ cho nghiệp vụ chuyên môn, nhưng vẫn có thể giao tiếp với các bộ phận khác thông qua hệ thống giao tiếp nội bộ. Điều này sẽ giúp cho các vấn đề phát sinh trong tổ chức được giải quyết ngay lập tức, đảm bảo việc vận hành không bị cản trở, tắc nghẽn, gây tác động xấu đến hoạt động của BHTGVN.
Đồng thời, chuyển đổi số giúp tăng sự minh bạch và hiệu quả trong hệ việc quản trị điều hành của BHTGVN. Tham gia quá trình này, Ban lãnh đạo, Ban điều hành của BHTGVN có thể chủ động và dễ truy xuất báo cáo về các hoạt động nghiệp vụ như: giám sát, kiểm tra, quản lý thu phí và chi trả, đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi, tham gia kiểm soát đặc biệt và thu hồi tài sản; hoặc các hoạt động hậu cần như: Quản lý nhân sự, quản lý tài liệu… Tất cả sẽ được thể hiện trên các phần mềm, giúp giảm thiểu sự chậm trễ, đảm bảo việc quản lý thông tin được thực hiện minh bạch, hiệu quả.
Bên cạnh đó, chuyển đổi số sẽ giúp BHTGVN khai thác được tối đa năng lực làm việc của cán bộ, viên chức và người lao động. Những công việc chuyên môn nghiệp vụ được hệ thống hỗ trợ thực hiện giúp giảm thời gian cũng như nguồn nhân lực; để cán bộ, viên chức và người lao động có thêm thời gian để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, thực hiện các công việc khác.
Cán bộ, viên chức và người lao động cũng có thể dễ dàng truy cập thông tin để làm việc hiệu quả mọi lúc mọi nơi, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Thông qua chuyển đổi số, Ban lãnh đạo, Ban điều hành dễ dàng đánh giá chất lượng công việc của từng nhân viên qua số liệu báo cáo nhận lại cuối ngày, cuối tuần, cuối tháng hoặc cuối quý.
Chuyển đổi số giúp giảm chi phí vận hành. Khi thực hiện chuyển đổi số, nhiều công việc trong mô hình truyền thống sẽ không còn, thay vào đó công nghệ sẽ thực hiện nhiệm vụ này. Ví dụ: các thông tin lưu trữ sẽ được đưa lên hệ thống máy tính giảm bớt lượng giấy để in ấn, giúp BHTGVN tiết kiệm chi phí trong vận hành.
Chuyển đổi số giúp nâng cao trải nghiệm của người gửi tiền tại các tổ chức tham gia BHTG thông qua việc dễ dàng tra cứu các thông tin như các chính sách mới về BHTG, hạn mức chi trả BHTG, tổ chức tín dụng nơi họ gửi tiền có tham gia BHTG hay không? Hoặc các thông tin về hoạt động chi trả của BHTGVN…Điều này giúp rút ngắn thời gian tiếp nhận thông tin của người gửi tiền, cũng như giúp BHTGVN ngày càng đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền đến người gửi tiền.
Chuyển đổi số là một quá trình dài với nhiều thách thức đối với Chính phủ, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nói chung và BHTGVN nói riêng. Tuy nhiên, Chuyển đổi số sẽ giúp BHTGVN ngày càng cải thiện chất lượng công việc của cán bộ, viên chức và người lao động; nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, tăng năng suất lao động, từ đó góp phần bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng. Chuyển đổi số cũng giúp BHTGVN tiết giảm được chi phí hoạt động, bởi khả năng kết nối vô hạn của quá trình số hóa. Mặc dù quá trình này còn nhiều hạn chế trong việc thay đổi thói quen làm việc, khó khăn khi nguồn nhân lực còn rất thiếu hụt, hay như việc thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ số. Tuy nhiên, với những lợi ích to lớn được đề cập ở trên, BHTGVN cần nhanh chóng khắc phục những khó khăn, nâng cấp nền tảng hạ tầng, dữ liệu, hệ thống số hóa để giúp công cuộc chuyển đổi số nhanh chóng hoàn thiện, bắt kịp với xu hướng công nghệ hiện nay.