Ngành ngân hàng đầu tư mạnh cho chuyển đổi số và nguồn nhân lực
Theo Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ có tối thiểu 50% nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng có thể thực hiện hoàn toàn trên môi trường số, tối thiểu 50% người trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử và tối thiểu 70% số lượng giao dịch của khách hàng được thực hiện thông qua các kênh số. Mục tiêu cơ bản đến năm 2030, các TCTD sẽ có ít nhất 70% nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng có thể thực hiện hoàn toàn trên môi trường số.
Ở góc độ thị trường, ngay cả các TCTD quy mô nhỏ cũng đang cảm nhận sức ép tụt hậu và thu hẹp sân chơi nếu không có những chiến lược đầu tư thích đáng vào chuyển đổi số. KPMG - Công ty chuyên cung cấp dịch vụ kiểm toán, thuế và tư vấn pháp lý cho biết, các TCTD đang theo đuổi những lựa chọn khác nhau, có ngân hàng lựa chọn phương thức cung cấp các dịch vụ số trên nền tảng hiện hữu, cũng có ngân hàng theo đuổi mô hình độc lập bằng cách tạo nên một thương hiệu mới cung ứng các dịch vụ tài chính – ngân hàng số độc lập với thương hiệu và hệ thống hiện hữu. Dù theo hình thức nào, thách thức lớn nhất là có được nguồn nhân lực với những kỹ năng mới và tư duy mới. Một mặt, các TCTD vẫn cần duy trì vận hành những hoạt động kinh doanh hiện tại (Run the Bank), mặt khác xây dựng một nguồn lực mới thúc đẩy triển khai các sáng kiến trao đổi (Change the Bank). Do đó, xu hướng tập trung ngân sách đầu tư vào đào tạo kỹ năng số và đổi mới phương thức quản lý nguồn tập trung vào phúc lợi, sức khỏe tinh thần, mô hình làm việc linh hoạt… đang là những hạng mục ưu tiên của ngân hàng.
Mặc dù tiến trình chuyển đổi số có phần chậm hơn so với thế giới, nhưng hệ thống các TCTD tại Việt Nam, với tiềm năng lớn, đã đạt được nhiều bước tiến trong tiến trình chuyển đổi số những năm gần đây. Khảo sát của NHNN cho thấy, có đến 95% TCTD đã có, đang xây dựng hoặc dự tính sẽ xây dựng chiến lược chuyển đổi số. Riêng trong năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt ghi nhận tăng hơn 85,6% về số lượng và hơn 31,39% về giá trị. Trong đó, giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng hơn 116,1% và hơn 92,3%; qua phương thức QR code tăng tương ứng 182,5% và 210,6% cho thấy sự bùng nổ của thị trường ngân hàng số. Nhiều công nghệ mới, hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối (Blockchain), tự động hóa, dữ liệu lớn (big data)... đã được ứng dụng vào nhiều mảng hoạt động.
Tỷ lệ người dân Việt Nam truy cập internet (khoảng 73,2% năm 2022) và kết nối di động (tỷ lệ thuê bao sử dụng smartphone trên tổng thuê bao điện thoại di động ước đạt 99,6 triệu năm 2022) đều ở mức cao. Có thể thấy, tiềm năng cho ngân hàng số (đích đến của quá trình chuyển đổi số) tại Việt Nam còn rất lớn. GDP của Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ; nước ta còn có cơ cấu dân số trẻ với tỷ lệ độ tuổi dưới lao động và lao động chiếm phần lớn trong tổng dân số. Những yếu tố này dự kiến sẽ kết hợp với gia tăng hành vi chi tiêu giúp thúc đẩy tăng trưởng tài chính và tiêu dùng số.
BHTGVN nỗ lực chuyển đổi số
BHTGVN với sứ mệnh của một tổ chức tài chính Nhà nước có trách nhiệm hưởng ứng, gương mẫu trong tiến trình chuyển đổi số chung của ngành ngân hàng, lấy đó làm cơ sở bảo vệ tốt hơn nữa quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống các TCTD.
Thứ nhất, bám sát sự chỉ đạo và định hướng của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương cũng như kế hoạch của toàn ngành ngân hàng, BHTGVN đã ban hành một loạt các văn bản liên quan đến chuyển đổi số (Chương trình hành động số 733-CTr/ĐU của Đảng ủy BHTGVN ngày 29/12/2021 về thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/ĐUK về “Thực hiện chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, đơn vị trong Khối Doanh nghiệp Trung ương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Nghị quyết số 882-NQ/ĐU ngày 06/5/2022 của Đảng ủy BHTGVN về Thực hiện chuyển đổi số tại BHTGVN đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 813-QĐ/ĐU ngày 23/3/2022 về việc Thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số BHTGVN; thành lập Tổ giúp việc Ban chỉ đạo chuyển đổi số tại BHTGVN….). BHTGVN tiếp tục thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số của BHTGVN phù hợp với tiềm lực về nguồn tài chính, nhân sự, hệ thống cơ sở hạ tầng...; trong đó xác định rõ chiến lược xây dựng tổ chức BHTG số hóa, phù hợp với thông lệ quốc tế, chứ không phải một dự án công nghệ tin học đơn thuần. Đặc biệt chú trọng cấu phần đảm bảo an ninh, an toàn, nhất là an ninh mạng. Xây dựng, phát triển và nhất quán thực hiện văn hóa số, trong đó có văn hóa ra quyết định trên cơ sở thông tin, dữ liệu.
Thứ hai, BHTGVN chuyển đổi số gắn liền với “lấy người gửi tiền làm trung tâm”. Trong điều kiện hành vi và nhận thức của người gửi tiền có sự thay đổi mạnh mẽ, từ tương tác giới hạn trong môi trường “offline”, gặp mặt trực tiếp nhân viên TCTD sang môi trường giao dịch online không gặp mặt, tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng liên tục, mọi lúc, mọi nơi trên nhiều loại thiết bị di động. BHTGVN cũng cần thiết kế phần mềm ứng dụng, số hóa quy trình nghiệp vụ BHTG để đáp ứng sự tiện dụng, nhanh chóng, nhu cầu đa dạng của người gửi tiền cũng như các tổ chức tham gia BHTG.
Thứ ba, tăng cường thiết lập quan hệ trao đổi thông tin, quy trình nghiệp vụ BHTG trên nền tảng số; chú trọng nâng cấp cơ sở dữ liệu; nâng cao năng lực thu thập, làm giàu, sàng lọc, phân tích và quản lý Big Data, ứng dụng AI để nắm bắt, đảm bảo sự thông suốt, liền mạch, nhanh chóng phát hiện những rủi ro đối với an toàn hệ thống các TCTD, đưa ra cảnh báo chính xác, kịp thời, từ đó có những tham mưu, đề xuất hợp lý đối với các cơ quan quản lý nhà nước liên quan.
Thứ tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại nhằm trang bị những kỹ năng, kiến thức cần thiết thích ứng với bối cảnh CMCN 4.0. Chú trọng công tác tuyển dụng, giao việc, đánh giá, chế độ đãi ngộ, hướng tới đội ngũ “nhân sự số” như chuyên gia công nghệ thông tin và chuyển đổi số, phát triển hệ sinh thái, phân tích dữ liệu….