Tiếp tục thúc đẩy cơ cấu lại hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu
Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng được ban hành nhằm triển khai chỉ đạo của NHNN đến các đơn vị thuộc ngành Ngân hàng trong việc tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 được quy định tại Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 8/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” và các nội dung tại Đề án.
Theo đó, các đơn vị thuộc NHNN, trong đó có BHTGVN cần tích cực tham mưu, chủ động triển khai các giải pháp theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Nghiên cứu, rà soát, sửa đổi bổ sung Luật NHNN, Luật Các TCTD, Luật BHTG và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan theo hướng xây dựng và bổ sung cơ chế hỗ trợ cho các TCTD tham gia cơ cấu lại các TCTD yếu kém để hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến tài chính và hoạt động; nghiên cứu, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của BHTGVN được tham gia cơ cấu lại TCTD yếu kém; nghiên cứu sửa đổi Luật BHTG để sử dụng nguồn kết dư phí BHTG để xử lý QTDND yếu kém.
Kế hoạch cũng chỉ rõ Ngân hàng Hợp tác xã và BHTGVN phối hợp tham gia, hỗ trợ chức năng kiểm tra, giám sát của NHNN đối với QTDND. Tiếp tục nâng cao năng lực tài chính (trong đó có việc tăng vốn điều lệ từ các nguồn phù hợp), tăng cường vai trò ngân hàng đầu mối liên kết hệ thống đối với các QTDND thành viên trong việc điều hòa vốn, hỗ trợ cho vay đối với QTDND gặp khó khăn thanh khoản, tích cực tham gia xử lý các QTDND yếu kém hoặc có dấu hiệu mất an toàn trong hoạt động; hướng dẫn nghiệp vụ, thực hiện các quy định về an toàn của QTDND...
Tái cơ cấu TCTD – những kết quả đạt được và vai trò của BHTGVN
Quá trình tái cơ cấu các TCTD thời gian qua đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận. Theo đó, ở giai đoạn I (từ năm 2011 - 2015), thanh khoản hệ thống được đảm bảo; nợ xấu từng bước được xử lý; năng lực tài chính ngày càng được nâng cao; việc quản trị ngân hàng liên tục được cải thiện....
Giai đoạn II (từ năm 2016-2020), khung pháp lý được bổ sung, hoàn thiện; nợ xấu được tập trung xử lý; năng lực tài chính được tăng cường, nguồn vốn được cải thiện; hiện đại hóa, đổi mới quản trị và giảm sở hữu chéo đạt kết quả tích cực... Riêng hệ thống QTDND hoạt động tương đối ổn định, các chỉ tiêu cơ bản đều tăng trưởng, kinh doanh có lãi, tỷ lệ nợ xấu thấp....
Trong tiến trình đó, BHTGVN đã tích cực đóng góp và phát huy vai trò thông qua việc triển khai có hiệu quả các hoạt động nghiệp vụ BHTG như giám sát, kiểm tra tổ chức tham gia BHTG, chi trả tiền gửi được bảo hiểm, tham gia KSĐB đối với TCTD yếu kém...; qua đó góp phần bảo vệ tốt quyền lợi người gửi tiền và duy trì an toàn, lành mạnh hệ thống các TCTD.
Hiện BHTGVN đang bảo vệ cho hơn 89 triệu lượt người gửi tiền với số tiền gửi được bảo hiểm là gần 7 triệu tỷ đồng tại 1.283 tổ chức tham gia BHTG, trong đó có 97 ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.181 QTDND, 1 ngân hàng hợp tác xã và 4 tổ chức tài chính vi mô.
Tổng nguồn vốn hoạt động của BHTGVN đến 30/6/2022 đạt 88,8 nghìn tỷ đồng, Quỹ Dự phòng nghiệp vụ đạt 82,65 nghìn tỷ đồng. Với nguồn lực tài chính hiện nay, BHTGVN có thể sẵn sàng chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền khi cần thiết và tham gia có hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD.
Việc chi trả BHTG kịp thời đã thể hiện vai trò của BHTGVN trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, tạo lập niềm tin của người dân, góp phần ngăn ngừa ảnh hưởng đổ vỡ dây chuyền trong hệ thống ngân hàng. Hoạt động giám sát, kiểm tra chặt chẽ của BHTGVN nhằm cảnh báo rủi ro, phát hiện sớm các sai phạm, yếu kém cần khắc phục đối với tổ chức tham gia BHTG, đồng thời kiến nghị NHNN xử lý kịp thời, phòng tránh xảy ra sự cố trong hệ thống ngân hàng.
Gần đây, vai trò của BHTGVN ngày càng được nâng cao thông qua việc tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu các TCTD yếu kém nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Theo quy định tại Luật Các TCTD sửa đổi năm 2017 và Thông tư 08/2021/TT-NHNN quy định về cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt, BHTGVN cho vay đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản đối với TCTD khi TCTD có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả; Cho vay đặc biệt theo quyết định của NHNN với lãi suất ưu đãi đến mức 0% để hỗ trợ thanh khoản đối với công ty tài chính, QTDND, tổ chức tài chính vi mô từ Quỹ dự phòng nghiệp vụ khi công ty tài chính, QTDND, tổ chức tài chính vi mô có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống trước khi phương án cơ cấu lại được phê duyệt hoặc để hỗ trợ phục hồi theo phương án đã được phê duyệt; Mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ dựa trên quyết định của NHNN nhằm hỗ trợ tài chính cho TCTD lành mạnh tham gia quản trị, kiểm soát, điều hành, hỗ trợ tài chính và hoạt động của TCTD yếu kém được kiểm soát đặc biệt; tham gia đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi của QTDND, tổ chức tài chính vi mô, công ty tài chính...
Nhiệm vụ đặt ra đối với BHTGVN trong thời gian tới
Quá trình tái cơ cấu TCTD giai đoạn 3 (2021-2025) đặt ra cho ngành Ngân hàng nhiều nhiệm vụ quan trọng. Bên cạnh các giải pháp hỗ trợ về điều hành chính sách tiền tệ; tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, giám sát; nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ thanh tra, giám sát hay nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của hệ thống các TCTD; Thống đốc NHNN lưu ý yêu cầu hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, cơ cấu lại hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường, theo thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Trong đó, nghiên cứu, rà soát, sửa đổi bổ sung Luật NHNN, Luật Các TCTD, Luật BHTG và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan theo hướng xây dựng và bổ sung cơ chế hỗ trợ cho các TCTD tham gia cơ cấu lại các TCTD yếu kém để hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến tài chính và hoạt động; nghiên cứu, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của BHTGVN được tham gia cơ cấu lại TCTD yếu kém; nghiên cứu sửa đổi Luật BHTG để sử dụng nguồn kết dư phí BHTG để xử lý QTDND yếu kém.
Như vậy có thể thấy, sửa đổi Luật BHTG là một nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới, nhằm hướng tới hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động BHTG, cũng như đồng bộ với hệ thống quy định pháp luật có liên quan, tiêu biểu có Luật Các TCTD sửa đổi năm 2017; từ đó tạo nền tảng cho BHTGVN ngày càng tham gia sâu hơn, hiệu quả hơn vào quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD giai đoạn tiếp theo.
Để thực hiện mục tiêu trên, thời gian tới BHTGVN cần tích cực phát huy vai trò của mình, trong đó tập trung vào một số nội dung sau:
Thứ nhất, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý, văn bản hướng dẫn về hoạt động BHTG. Trong đó, tiến tới sớm sửa đổi bổ sung Luật BHTG và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Thứ hai, nâng cao chất lượng, hướng tới áp dụng các thông lệ quốc tế trong hoạt động nghiệp vụ nhằm đáp ứng chức năng và nhiệm vụ mới của BHTGVN, trong đó bao gồm: Cải tiến chất lượng giám sát, cảnh báo sớm nhằm phát hiện và kiến nghị NHNN xử lý kịp thời vi phạm, rủi ro gây mất an toàn hệ thống; nâng cao hiệu quả kiểm tra tại chỗ việc chấp hành các quy định của pháp luật về BHTG, bao gồm kiểm tra tính chính xác của thông tin về tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia BHTG phục vụ việc triển khai chính sách BHTG; Phối hợp chặt chẽ với NHNN trước, trong và sau quá trình KSĐB nhằm đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền; Xây dựng quy trình cho vay đặc biệt đối với các TCTD và quy trình mua trái phiếu dài hạn đối với TCTD hỗ trợ đảm bảo an toàn; Nâng cao hiệu quả công tác chi trả, đa dạng hóa các hình thức chi trả với mục tiêu rút ngắn thời gian chi trả; Tham gia tích cực vào quá trình thanh lý tài sản của tổ chức tham gia BHTG thuộc diện phải chi trả nhằm tối đa hóa giá trị thu hồi với tư cách là chủ nợ.
Thứ ba, nâng cao năng lực tài chính và thể chế để tham gia xử lý, cơ cấu lại các TCTD yếu kém gắn với xử lý nợ xấu và giảm thiểu rủi ro cho hệ thống các TCTD. BHTGVN cần có lộ trình, kế hoạch tăng năng lực tài chính và thể chế nhằm đảm bảo khả năng giải quyết nhanh chóng các TCTD gặp vấn đề, đồng thời có cơ chế phù hợp cho việc xử lý các tổn thất trong hoạt động BHTG.
Thứ tư, xây dựng, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ cán bộ, tổ chức bộ máy để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ mới. Ngoài ra, BHTGVN cần đảm bảo ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin hiện đại hỗ trợ việc khai thác, chia sẻ và quản lý thông tin để ứng phó kịp thời với sự cố có thể xảy ra tại các tổ chức tham gia BHTG.
Ngoài ra, BHTGVN cần đảm bảo ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin hiện đại hỗ trợ việc khai thác, chia sẻ và quản lý thông tin nhằm phản ứng và xử lý kịp thời đối với các sự kiện ngân hàng xảy ra.