Một số đặc điểm của Cơ chế BHTG khu vực tại Châu Âu
BHTG hình thành ở Châu Âu từ năm 1994, nhưng cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và cuộc khủng hoảng nợ công của Châu Âu một lần nữa đặt ra yêu cầu về sự bảo vệ vững chắc hơn cho người gửi tiền trong toàn khu vực. Do đó, năm 2015, Liên minh ngân hàng Châu Âu đã công bố Chỉ thị về cơ chế BHTG khu vực nhằm hài hòa, thống nhất một số nội dung về BHTG, từ đó nâng cao tính bảo mật của hệ thống ngân hàng châu Âu và khôi phục lòng tin của chủ nợ, nhà đầu tư và người gửi tiền, đảm bảo tiền gửi an toàn trong trường hợp hoạt động ngân hàng mất ổn định.
Qua đó, Liên minh Châu Âu kỳ vọng việc cơ chế BHTG khu vực có thể đóng góp thêm nhiều vai trò đối với ngành ngân hàng toàn khu vực như: tăng đóng góp từ khoản thu phí BHTG cho hệ thống ngân hàng dựa trên sự đánh giá về rủi ro của tổ chức tín dụng (thu phí theo rủi ro); duy trì ổn định tốt hơn cho các hoạt động tài chính – ngân hàng, nhất là khi tăng được niềm tin của công chúng; phát triển giáo dục tài chính và cung cấp thông tin hữu ích cho người gửi tiền; khai thác tiềm năng thu hút dòng tiền từ cá nhân, tổ chức nước ngoài gửi tiền vào Châu Âu do giảm rủi ro, từ đó mở rộng phạm vi hoạt động của ngân hàng Châu Âu.
Các quy định chính của Chỉ thị về cơ chế BHTG Châu Âu vẫn được áp dụng đến hiện nay. Hạn mức BHTG áp dụng chung cho toàn khu vực là 100.000 Euro, bảo hiểm cho cả cá nhân và doanh nghiệp (ngoại trừ các định chế tài chính và cơ quan pháp luật) có tài khoản tiền gửi bằng cả nội tệ và ngoại tệ tại các ngân hàng Châu Âu. Quỹ BHTG được xây dựng theo hình thức cấp vốn trước với mục tiêu là bảo vệ được tối thiểu 0,8% tiền gửi của mỗi ngân hàng trong suốt 10 năm. Phí BHTG mà các thành viên tham gia BHTG phải đóng được xác định dựa trên quy mô tiền gửi và phân loại rủi ro ngân hàng do Liên minh ngân hàng Châu Âu thực hiện, thực tế là các tổ chức tài chính có rủi ro cao có thể đóng phí bảo hiểm cao hơn nhằm giảm bớt rủi ro về đạo đức liên quan đến BHTG. Thời gian chi trả tối đa khi xảy ra đổ vỡ ngân hàng là trong vòng 7 ngày làm việc. Ngoài ra, việc lựa chọn biện pháp xử lý đổ vỡ tùy thuộc vào tổ chức BHTG từng nước, nhưng với ưu tiên được đưa ra là tối thiểu hóa chi phí để duy trì hoạt động liên tục của hệ thống ngân hàng cũng như khôi phục lại niềm tin của người gửi tiền.
Trong thực tế, mặc dù đã có nhiều nỗ lực để đạt được sự hài hòa về tài chính ngân hàng và BHTG trên toàn Châu Âu, nhưng vẫn còn nhiều rủi ro ngân hàng lớn, vấn đề xuyên quốc gia, thông tin bất đối xứng. Vì vậy, nhằm giảm thiểu rủi ro lây lan đổ vỡ ngân hàng và gây bất ốn cho hệ thống tài chính toàn khối, Liên minh Châu Âu lên kế hoạch thành lập liên minh ngân hàng đẩy đủ gồm 3 trụ cột chính: giám sát, xử lý (hai trụ cột này đã được thành lập thông qua các cơ chế giám sát và xử lý đơn độc, đã đi vào hoạt động) và BHTG.
Tháng 11/2015, Ủy ban Châu Âu công bố đề xuất thành lập Cơ chế BHTG chung châu Âu với vai trò là trụ cột thứ ba của liên minh ngân hàng qua bốn giai đoạn chính.
Cụ thể là, từ 7/2017 -7/2020, thành lập Cơ chế tái bảo hiểm của khu vực cho tối đa 20% tổng số tiền thiếu hụt thanh khoản và tổn thất vượt quá khả năng tài chính của tổ chức BHTG các nước thông qua khoản vay có hoàn lại. Để tránh rủi ro về đạo đức, Quỹ tái bảo hiểm này được xác định ở mức tương đương 20% quỹ mục tiêu ban đầu hoặc 10 lần số tiền mục tiêu bảo hiểm của tổ chức BHTG các nước, tùy thuộc mức nào thấp hơn.
Trong giai đoạn hai, tính đến 7/2024, hình thành cơ chế đồng bảo hiểm với tỷ lệ tăng dần (từ 20% năm đầu sau thành lập đến 80% vào năm thứ tư) cho phần thanh khoản thiếu hụt và tổn thất của tổ chức BHTG các nước thành viên; và chỉ cần hoàn trả phần hỗ trợ thanh khoản thiếu hụt còn tổn thất sẽ được chia sẻ giữa các nước trong khối. Trong giai đoạn ba và bốn, hình thành cơ chế BHTG khu vực đầy đủ với trách nhiệm bảo hiểm cho toàn bộ phần thiếu hụt thanh khoản và tổn thất của các nước thành viên, không giới hạn hỗ trợ tài chính. Để giảm thiểu rủi ro đạo đức, có khả năng các tổ chức BHTG quốc gia thành viên không đáp ứng được yêu cầu sẽ bị loại khỏi cơ chế tái bảo hiểm chung của khu vực.
Gần đây nhất, đề xuất do EU công bố vào tháng 4/2023 đặt ra yêu cầu cải cách những điểm yếu của cơ chế quản lý, giám sát ngân hàng. Trong đó khuyến nghị tăng cường hơn nữa vai trò của tổ chức BHTG trong Mạng an toàn tài chính. Đánh giá của Liên minh ngân hàng EU về quản lý khủng hoảng và BHTG (CMDI) đã đặt ra một số vấn đề chính gồm:
Quy trình xử lý cần đảm bảo vì lợi ích công, khung CMDI làm rõ cách thức đánh giá lợi ích công do cơ quan xử lý thực hiện. Đặc biệt, EU sẽ cải cách nhằm tăng phạm vi xử lý tới một số ngân hàng vừa và nhỏ bằng cách mở rộng tiêu chí lợi ích công. Khuôn khổ CMDI nhằm mục đích tạo nguồn hỗ trợ bổ sung cho các cơ quan, tổ chức thuộc Mạng an toàn tài chính (cụ thể là các Chương trình BHTG quốc gia, Quỹ xử lý thống nhất (SRF), hoặc các quỹ xử lý quốc gia bên ngoài Liên minh Ngân hàng). Đây được gọi là sử dụng quỹ BHTG để “thu hẹp khoảng cách” trước khi can thiệp bằng Quỹ xử lý thống nhất.
EU cũng bổ sung một số quy định như: Các biện pháp bảo vệ bổ sung đối với việc sử dụng quỹ BHTG hoặc Quỹ SRF để tránh hậu quả không mong muốn hoặc rủi ro đạo đức; Chia sẻ gánh nặng giữa Quỹ BHTG và Quỹ SRF, trong đó Quỹ SRF phục vụ Liên minh Ngân hàng, chịu sự can thiệp của tổ chức này theo giới hạn và “thứ tự phân hạng”, đặc biệt là ưu tiên SRF cho mục đích trả nợ; Yêu cầu và hạn chế chặt chẽ hơn về việc sử dụng biện pháp thu hẹp khoảng cách đối với các ngân hàng có quy mô bảng cân đối kế toán từ 30 tỷ euro đến 80 tỷ euro, áp dụng trong khoảng thời gian 10 năm sau khi CMDI có hiệu lực.
Duy trì nguyên tắc rằng tiền gửi phải được hưởng ưu tiên, tăng cường bảo vệ sao cho người gửi tiền đều được hưởng lợi khi xếp hạng về bồi thường; Sửa đổi quy trình thực hiện các biện pháp phòng ngừa, làm rõ sự tham gia của từng cơ quan có thẩm quyền, nhằm duy trì khuôn khổ hoạt động cho các chương trình bảo vệ thể chế (“IPS”); Hỗ trợ tài chính công đặc biệt dành cho các ngân hàng đổ vỡ trong những trường hợp đặc biệt và quy trình có liên quan.
Tương lai cho chính sách BHTG ở khu vực Asean
Liên minh ngân hàng là một bước tiến lớn trong việc khắc phục những thiếu sót chủ yếu về khuôn khổ thể chế của các khu vực liên kết kinh tế. Sự thiếu vắng cơ chế giám sát ngân hàng hiệu quả và các quy định về xử lý ngân hàng ở cấp khu vực là một trong các nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng ngân hàng. Một liên minh ngân hàng được thiết kế hợp lý tạo điều kiện cải thiện chia sẻ rủi ro và là sự bổ sung cần thiết về thể chế cho một liên minh tiền tệ trong khu vực. Trong khi liên minh ngân hàng của EU đã hoạt động và thể hiện nỗ lực hội nhập của các quốc gia thành viên với mục tiêu ổn định tài chính và kinh tế vĩ mô ở khu vực, thì hội nhập ngân hàng ở khu vực ASEAN lại chỉ mới ở điểm khởi đầu.
Hiện nay, trong khu vực Asean, mức độ hội nhập về tài chính còn thấp hơn nhiều so với hội nhập về thương mại và kinh tế trong khu vực, mặc dù sau cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á giai đoạn 1997-1998 các quốc gia đã tăng cường sự hợp tác trên mọi mặt nhằm duy trì sự ổn định và phát triển của toàn khối. Nhận thức được điều này, lãnh đạo các nước thuộc Asean đã đẩy mạnh xây dựng lộ trình hội nhập tài chính và kinh tế của các nước một cách cụ thể, chi tiết hơn. Theo nhận định của công ty kiểm toán PwC, triển vọng của khu vực dịch vụ tài chính Asean khá lạc quan, đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ tài chính sẽ vượt xa các thị trường mới nổi khác. Đây là kết quả của quá trình gia tăng sử dụng các dịch vụ ngân hàng, tiến bộ của công nghệ tài chính và sự hội nhập không ngừng của Asean.
Các trụ cột Cơ chế xử lý thống nhất và Cơ chế BHTG chung của Liên minh ngân hàng có thể giúp khắc phục, hạn chế tình trạng rủi ro quá mức trong khu vực tư nhân, giúp quản lý hiệu quả khủng hoảng ngân hàng trong tương lai và tăng cường chia sẻ rủi ro. Với vai trò không thể thiếu của tổ chức BHTG trong việc bảo vệ người gửi tiền và góp phần duy trì sự ổn định tài chính - ngân hàng, các quốc gia Asean, trong đó có Việt Nam có thể xem xét triển vọng về việc phối hợp xây dựng một Cơ chế BHTG chung dựa trên những kinh nghiệm của khu vực Châu Âu và vẫn hài hòa với sự phát triển đặc thù của kinh tế Đông Nam Á.
Trong đó, cần xây dựng được một khung thỏa thuận các vấn đề chính về BHTG dựa trên Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển BHTG hiệu quả, đồng thời đảm bảo quy định rõ ràng về các khoản dự phòng tài chính và chia sẻ tổn thất giữa các nước thành viên, tránh việc xem cơ chế BHTG là một công cụ để chia sẻ rủi ro của khu vực công giữa các nước. Một giải pháp khác có thể xem xét là thành lập một cơ quan giám sát ngân hàng và BHTG độc lập của khu vực, cách ly khỏi lợi ích quốc gia và áp lực chính trị. Khi đó, cơ chế BHTG khu vực có thể hỗ trợ khắc phục những điểm yếu trong hoạt động tài chính ngân hàng xuyên biên giới, tối ưu hóa quá trình giám sát và xử lý tổ chức tín dụng, hạn chế rủi ro từ các cuộc khủng hoảng tài chính trong tương lai.
HL
Tài liệu tham khảo:
- Nghiên cứu về BHTG và vấn đề xuyên biên giới do khủng hoảng tài chính gây ra, Hiệp hội BHTG quốc tế, tháng 3/2011.
- Hoàn thiện Liên minh ngân hàng Châu Âu bằng Cơ chế BHTG: giải quyết vấn đề xuyên biên giới, Ngân hàng trung ương Châu Âu, tháng 4/2018.
- Cơ chế BHTG:Con đường bảo vệ người gửi tiền toàn Châu Âu: http://en.finance.sia-partners.com/deposit-guarantee-schemes-road-pan-european-depositor-protection