DPA xác định tầm nhìn cho Kế hoạch phát triển 5 năm (2023-2027) là hỗ trợ phát triển tổ chức trong lĩnh vực cải tiến tài chính và các loại hình dịch vụ tài chính trong kỷ nguyên kinh tế số. Kế hoạch của DPA tập trung vào củng cố niềm tin của người gửi tiền và công chúng thông qua 4 chiến lược chính
Chiến lược 1
DPA sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ và bảo vệ hiệu quả người gửi tiền thông qua hoạt động chi trả tiền bảo hiểm và thanh lý tài sản. Nếu một tổ chức tài chính bị thu hồi giấy phép, quy trình chi trả bảo hiểm cho người gửi tiền phải nhanh chóng, đơn giản, sử dụng các kênh hiện đại và tuân thủ tất cả các luật và quy định liên quan.
Để đạt được mục tiêu này, DPA đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tham gia BHTG để kiểm tra việc truyền tệp dữ liệu từ các tổ chức tài chính bằng hệ thống công nghệ thông tin tập trung vào bảo mật. Ngoài ra, DPA đã chuẩn bị một hệ thống chi trả tiền bảo hiểm với tính năng tính toán các khoản tiền gửi được bảo hiểm và thanh toán khi phát sinh nghĩa vụ chi trả.
Chiến lược 2
DPA truyền thông củng cố niềm tin vào hệ thống bảo vệ tiền gửi và tăng cường ổn định tài chính với đối tượng công chúng và kênh tiếp cận đa dạng. DPA cũng hợp tác với cả các tổ chức công và tư để mở rộng khả năng tiếp cận thông tin bảo vệ tiền gửi, nâng cao nhận thức của người gửi tiền và công chúng. Hơn nữa, DPA đã có mối quan hệ chặt chẽ với các thành viên mạng an toàn tài chính như Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương Thái Lan.
Chiến lược 3
DPA góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống tổ chức tài chính thông qua việc sẵn sàng phối hợp với các thành viên mạng an toàn tài chính, phát triển một hệ thống phân tích dữ liệu nhằm thu thập thông tin hữu ích về tiền gửi.
Chiến lược 4
DPA hướng tới quản trị tốt và đạt hiệu quả bền vững. DPA đã đầu tư đáng kể vào cả nguồn nhân lực và công nghệ kỹ thuật số để thiết lập cơ sở hạ tầng nhằm quản lý hiệu quả trong cả giai đoạn thông thường và khủng hoảng. Đặc biệt, hệ thống chi trả tiền gửi và các hệ thống vận hành khác nhau được kết nối với các kênh truyền thông, cho phép cơ quan này thực hiện các nhiệm vụ của mình một cách hiệu quả và minh bạch đồng thời cung cấp thông tin rõ ràng, chính xác cho người gửi tiền và công chúng.
Theo ông Songpol Chevapanyaroj - Chủ tịch DPA, Kế hoạch phát 5 năm của DPA tiếp tục tập trung nâng cao hiệu quả của hệ thống bảo vệ tiền gửi, đặc biệt là về chi trả và thanh lý, đồng thời xây dựng niềm tin của công chúng bằng cách tăng cường ổn định tài chính. Ngoài ra, DPA đảm bảo luôn cập nhật những cải tiến công nghệ tài chính mới nhất và các hình thức dịch vụ tài chính mới. Cụ thể, tiền gửi tại các ngân hàng ảo được bảo vệ bởi Đạo luật Cơ quan bảo vệ tiền gửi với hạn mức tối đa 1 triệu THB (tương đương 29.850 USD) cho mỗi người gửi tiền tại mỗi tổ chức tài chính, bằng với hạn mức áp dụng cho các ngân hàng thực hiện hành.
DPA là cơ quan bảo vệ tiền gửi của Thái Lan, do chính phủ thành lập năm 2008, chịu sự quản lý của Chính phủ. Cơ quan này hiện đang hoạt động theo mô hình chi trả mở rộng với hai nhiệm vụ chính là chi trả tiền gửi được bảo hiểm và thanh lý ngân hàng. DPA bảo vệ tiền gửi của cả thể nhân (cá nhân) và pháp nhân (doanh nghiệp/ tổ chức) với hạn mức là 1 triệu THB (tương đương khoảng hơn 28.000 USD) cho mỗi người gửi tiền tại mỗi tổ chức tài chính.
Tại thời điểm cuối tháng 10/2022, tổng số người gửi tiền tại Thái Lan là khoảng 89.660.000 người, tăng 4,46% so với cuối năm 2021. Phần lớn trong đó là người gửi tiền cá nhân với số tiền gửi dưới 1 triệu baht (THB). Tổng số dư tiền gửi được bảo vệ là khoảng 16,12 nghìn tỷ THB (tương đương khoảng 456,7 tỷ USD), tăng khoảng 3,36% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, 98,01% tổng số người gửi tiền (87,88 triệu người) được bảo vệ toàn bộ. Quỹ bảo vệ tiền gửi hiện đang có quy mô 137 tỷ THB (tương đương gần 3,9 tỷ USD) với mức thanh khoản cao và luôn ở trạng thái sẵn sàng sử dụng để bảo vệ người gửi tiền.