Luật Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) được Quốc hội khóa 13 thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/01/2013. So với quy định trước đây về BHTG, Luật BHTG đã có những thay đổi căn bản. Đáng chú ý nhất là những nội dung: Thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm; hạn mức trả tiền bảo hiểm; đối tượng được trả tiền bảo hiểm…Đây là những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người gửi tiền, luôn được quan tâm và mong đợi nhiều nhất. Nội dung bài viết này, tác giả muốn đề cập tới những vấn đề nêu trên, đồng thời trao đổi một số vướng mắc mong được cơ quan có thẩm quyền xử lý để Luật BHTG thực sự đi vào cuộc sống.
Về thời điểm phát sinh nghĩa vụ bảo hiểm
Điều 22, Luật BHTG quy định: “Nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm phát sinh kể từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng (TCTD) tham gia BHTG vẫn lâm vào tình trạng phá sản hoặc NHNN có văn bản xác định chi nhánh ngân hàng nước ngoài là tổ chức tham gia BHTG mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền”
So với Nghị định 89/1999/NĐ-CP ngày 1/9/1999 của Chính phủ về BHTG, Nghị định 109/2005/NĐ-CP ngày 24/8/2005 sửa đổi bổ sung Nghị định 89, Luật BHTG quy định thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền là cụ thể, rõ ràng, theo đó: Ngay khi NHNN có các văn bản trên mà TCTD vẫn lâm vào tình trạng phá sản hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền, BHTGVN đã phải thực hiện nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền, chưa cần phải tiến hành các thủ tục phá sản tổ chức BHTG mới thực hiện nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền như quy định tại Nghị định 89, Nghị định 109 và Thông tư 03.
Theo quy định tại Điều 4 của Nghị định số 05/2010/NĐ-CP, ngày 18/01/2010 (Nghị định số 05) Hướng dẫn thi hành Luật phá sản đối với các TCTD, khi TCTD không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu, sau khi NHNN Việt Nam có văn bản không áp dụng hoặc chấm dứt áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán hoặc chấm dứt áp dụng kiểm soát đặc biệt thì được coi là lâm vào tình trạng phá sản. Mặt khác, theo quy định của Luật Các TCTD (Điều 155), TCTD phải làm đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản. Khi Tòa án quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản của TCTD, BHTGVN mới có nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền (điểm 27, Mục VI. Chi trả cho người gửi tiền được bảo hiểm quy định tại Thông tư 03). Tuy nhiên, trong thực tế từ khi Luật Phá sản ra đời cho đến nay chưa có trường hợp nào tổ chức tín dụng bị lâm vào tình trạng phá sản được giải quyết theo thủ tục phá sản mà được xử lý theo trình tự giải thể bắt buộc.
Như vậy, quy định về thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm theo quy định của Luật BHTG đã giải quyết được vướng mắc trước đây về việc trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền khi TCTD lâm vào tình trạng phá sản, giúp tổ chức BHTG chủ động hơn trong việc thực hiện nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền.
Về hạn mức trả tiền bảo hiểm
Theo quy định tại Điều 24 Luật BHTG, hạn mức trả tiền bảo hiểm là số tiền tối đa mà tổ chức BHTG trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia BHTG khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm. Thủ tướng Chính phủ quy định hạn mức trả tiền bảo hiểm theo đề nghị của NHNN.
Luật BHTG không quy định hạn mức cụ thể trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền (hạn mức “cứng”) mà giao cho Thủ tướng Chính phủ quy định theo đề nghị của NHNN Việt Nam trong từng thời kỳ. Quy định này sẽ giúp cho việc bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền được tốt hơn. Thực tế cho thấy nếu quy định “cứng” hạn mức trả tiền bảo hiểm trong Luật BHTG thì khi muốn thay đổi hạn mức trả tiền bảo hiểm phải sửa đổi Luật BHTG. Trong khi đó, Luật thường có tính ổn định lâu dài, còn các yếu tố để thay đổi hạn mức trả tiền bảo hiểm như lạm phát, thu nhập bình quân đầu người…lại biến động thường xuyên. Do vậy, nếu không điều chỉnh kịp thời hạn mức trả tiền bảo hiểm sẽ gây thiệt thòi cho người gửi tiền, thậm chí còn ảnh hưởng đến sự an toàn của hệ thống tài chính - ngân hàng do sự cố rút tiền hàng loạt gây ra. Vì vậy, việc giao cho Thủ tướng Chính phủ quy định hạn mức trả tiền bảo hiểm cụ thể theo đề nghị của NHNN trong từng thời kỳ phù hợp với nguyên lý và tình hình thực tế tại Việt Nam, giúp cho việc điều chỉnh hạn mức trả tiền bảo hiểm được linh hoạt và kịp thời qua đó bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người gửi tiền cũng như sự an toàn lành mạnh của hệ thống ngân hàng.
Vấn đề là, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu để sớm điều chỉnh hạn mức trả tiền bảo hiểm (50 triệu đồng) đang áp dụng bởi hạn mức này được áp dụng từ năm 2005 đến nay đã lạc hậu.
Đối tượng được BHTG
Theo Luật BHTG, đối tượng BHTG đã có sự thay đổi, có những đối tượng trước đây được bảo hiểm theo Nghị định 89, 109 nhưng theo quy định của Luật BHTG lại không thuộc đối tượng bảo hiểm như: hộ gia đình, doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, tổ hợp tác…. Việc bảo hiểm cho người gửi tiền sở hữu vốn điều lệ hoặc vốn cổ phần của chính TCTD đó cũng bị thu hẹp. Trước đây, theo quy định của Nghị định 89, 109 và Thông tư 03, những người sở hữu trên 10% vốn điều lệ hoặc nắm giữ trên 10% vốn cổ phần có quyền bỏ phiếu của TCTD khi gửi tiền tại chính TCTD đó không được bảo hiểm, nay theo quy định của Luật BHTG những người sở hữu trên 5% vốn điều lệ gửi tiền tại chính TCTD đó đã không được bảo hiểm.
Việc những đối tượng nêu trên không được bảo hiểm theo quy định tại Luật BHTG hoàn toàn phù hợp, bởi lẽ: Đối với những đối tượng như hộ gia đình, doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, tổ hợp tác chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số người gửi tiền và có số dư tiền gửi không đáng kể. Mặt khác, mục tiêu của chính sách BHTG là bảo vệ những người gửi tiền nhỏ lẻ mang tính chất tiết kiệm, không kinh doanh trong khi những đối tượng nói trên mở tài khoản chủ yếu phục vụ cho việc sản xuất, kinh doanh nên không được bảo hiểm là phù hợp.
Đối với những đối tượng sở hữu vốn điều lệ hoặc vốn cổ phần trên 5% của TCTD khi gửi tiền tại chính TCTD đó không được bảo hiểm là để tăng cường vai trò của họ trong việc giám sát đối với hoạt động của TCTD, đảm bảo cho TCTD hoạt động an toàn, lành mạnh, tránh xẩy ra rủi ro đạo đức.
Một số kiến nghị, đề xuất
Từ thực tế xử lý đổ vỡ tổ chức tham gia BHTG, đối chiếu với các quy định của Luật BHTG, còn một số khó khăn, vướng mắc đề nghị cơ quan có thẩm quyền sớm có văn bản hướng dẫn, cụ thể như sau:
Thứ nhất, Luật BHTG và Luật Các TCTD chưa quy định tổ chức có thẩm quyền xác định tổ chức tham gia BHTG lâm vào tình trạng phá sản (NHNN Việt Nam, TCTD hay Tòa án). Theo quy định của Luật Phá sản và hướng dẫn tại Nghị định số 05 thì những tổ chức và cá nhân có thể xác nhận tổ chức tham gia BHTG lâm vào tình trạng phá sản (Điều 8, Nghị định 05), gồm:
+ Chủ nợ không có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần của tổ chức tham gia BHTG;
+ Người lao động làm việc trong tổ chức tham gia BHTG;
+ Đại diện hợp pháp của tổ chức tham gia BHTG;
+ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Tuy nhiên, khi chủ nợ hoặc đại diện tổ chức tham gia BHTG xác nhận tổ chức tham gia BHTG lâm vào tình trạng phá sản và nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản lên Tòa án thì Tòa án cũng phải căn cứ vào xác nhận của cơ quan có thẩm quyền là NHNN Việt Nam mới tiến hành thụ lý đơn. Do vậy, NHNN Việt Nam cần hướng dẫn cụ thể trong các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BHTG.
Thứ hai, Luật BHTG và Luật Các TCTD chưa quy định rõ thời điểm thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tham gia BHTG khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm của BHTGVN. Theo quy định tại Điều 26 Luật BHTG quy định: Hồ sơ trả tiền bảo hiểm do tổ chức tham gia BHTG lập và gửi cho BHTGVN.
Vì vậy, nếu NHNN thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tham gia BHTG ngay khi có văn bản không áp dụng hoặc chấm dứt áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tham gia BHTG vẫn lâm vào tình trạng phá sản thì theo quy định tại Điều 35 Luật Các TCTD các thành viên HĐQT, Tổng giám đốc (giám đốc), Ban kiểm soát đương nhiên mất tư cách thành viên và không thể thay mặt tổ chức tham gia BHTG ký trên Hồ sơ đề nghị trả tiền bảo hiểm. Theo chúng tôi, sau khi tổ chức BHTG thực hiện xong nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền và Tòa án thụ lý việc phá sản đối với tổ chức tham gia BHTG khi đó NHNN mới thực hiện việc thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tham gia BHTG. Tuy nhiên, để tránh bị lợi dụng, NHNN cần có văn bản chấm dứt hoạt động của tổ chức tham gia BHTG ngoài việc lập hồ sơ đề nghị trả tiền bảo hiểm và gửi Tòa án giải quyết thủ tục phá sản.
Thứ ba, NHNN Việt Nam sớm sửa đổi Quyết định số 24/2006/QĐ-NHNN ngày 06/6/2006 cho phù hợp với Luật Các TCTD và Luật BHTG về điều kiện giải thể, phá sản đối với QTDND. Đồng thời, có văn bản chỉ đạo hướng dẫn các đơn vị liên quan (các vụ, cục NHNN Việt Nam, chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố và BHTGVN) trong việc phối kết hợp khi xử lý TCTD lâm vào tình trạng phá sản để việc trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền được kịp thời, đúng quy định góp phần giữ vững an ninh, trật tự xã hội tại địa phương và sự an toàn lành mạnh của hệ thống ngân hàng.
Tài liệu tham khảo:
- Luật BHTG;
- Nghị định 89, 109,
- Thông tư 03;
- Báo cáo của BHTGVN.