Các ngân hàng lớn và có tầm quan trọng hệ thống tại Mỹ phải lập kế hoạch xử lý, trong đó mô tả chiến lược xử lý có trật tự trong trường hợp ngân hàng gặp khó khăn tài chính hoặc đổ vỡ. FDIC và FED sẽ độc lập rà soát kế hoạch xử lý của các ngân hàng này. Sau đó, hai cơ quan sẽ phối hợp để đưa ra kết luận chung. Các điểm yếu có thể được coi là “thiếu sót” hoặc “khiếm khuyết” tùy theo mức độ nghiêm trọng. “Thiếu sót” được hiểu là điểm yếu ảnh hưởng đến tính khả thi của kế hoạch xử lý, trong khi “khiếm khuyết” cho thấy mức độ nghiêm trọng hơn.
Trong kết luận rà soát kế hoạch xử lý năm 2023, FDIC và FED cùng kết luận rằng kế hoạch xử lý của Bank of America, Goldman Sachs và JPMorgan Chase có “thiếu sót” về khả năng thanh lý các công cụ phái sinh và danh mục đầu tư.
Trong khi đó, FDIC và FED đưa ra kết luận khác nhau về điểm yếu trong kế hoạch xử lý của Citigroup. Cụ thể, về chất lượng dữ liệu và quản lý dữ liệu trong kế hoạch xử lý của Citigroup, trong khi FDIC xác định đây là “khiếm khuyết”, FED lại cho rằng đây là “thiếu sót”. Theo quy định về lập kế hoạch xử lý, khi hai cơ quan chức năng có nhận định khác nhau về mức độ nghiêm trọng của cùng một điểm yếu trong kế hoạch xử lý của một ngân hàng, kế hoạch xử lý đó sẽ được kết luận là có mức độ nghiêm trọng thấp hơn, trong trường hợp này là “thiếu sót”.
FDIC và FED đã gửi phản hồi cho từng ngân hàng, trong đó xác định các lĩnh vực cần tiếp tục cải thiện liên quan đến chiến lược và khả năng xử lý của mỗi ngân hàng. Đối với 4 ngân hàng được xác định có “thiếu sót”, FDIC và FED chỉ ra những điểm yếu cụ thể dẫn đến “thiếu sót” và các biện pháp khắc phục mà ngân hàng phải thực hiện. Các “thiếu sót” sẽ phải được khắc phục trong các kế hoạch xử lý tiếp theo với thời hạn gửi cho FDIC và FED chậm nhất ngày 1/7/2025. Bên cạnh đó, FDIC và FED cũng yêu cầu bổ sung và khắc phục vấn đề lập kế hoạch dự phòng và cập nhật các cơ chế cần thiết để phối hợp với chính phủ các nước trong kế hoạch xử lý năm 2025 của các ngân hàng.
Phòng NCTH&HTQT