Hiệu quả của cơ chế BHTG
BHTG là cam kết công khai của tổ chức BHTG đối với tổ chức tham gia BHTG về việc tổ chức BHTG sẽ chi trả tiền gửi bao gồm gốc và lãi cho người gửi tiền khi tổ chức tham gia BHTG bị chấm dứt hoạt động và không có khả năng thanh toán cho người gửi tiền. Hoạt động BHTG nhằm cung cấp dịch vụ công, được sử dụng để thực hiện chính sách công của từng quốc gia. Do vậy, chính phủ các quốc gia đã sử dụng công cụ chính sách BHTG nhằm góp phần đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống tài chính – ngân hàng.
Khái niệm về BHTG được hình thành từ rất lâu trên thế giới. Khi chưa hình thành hệ thống BHTG, các quốc gia đã sử dụng công cụ “bảo hiểm ngầm”, đó là dù không có cam kết công khai về việc bảo vệ tiền gửi của người gửi tiền, nhưng trong trường hợp ngân hàng xảy ra đổ vỡ, Chính phủ sẽ chi trả tiền gửi cho người gửi tiền. Tuy nhiên, bảo vệ ngầm không phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường hoàn hảo. Do vậy, hệ thống BHTG công khai đã ra đời. Theo đó, người gửi tiền sẽ được chi trả một phần hoặc toàn bộ tiền gửi khi ngân hàng đổ bể theo hợp đồng hoặc theo cam kết công khai giữa tổ chức BHTG và tổ chức huy động tiền gửi. Hoạt động bảo vệ tiền gửi công khai đầu tiên ở New York, Mỹ năm 1829 với tên gọi “Chương trình bảo hiểm trách nhiệm ngân hàng”. Tiếp theo chương trình này nhiều bang khác cũng thành lập tổ chức BHTG và sự tham gia của các ngân hàng vào tổ chức BHTG tự nguyện. Tuy nhiên, do sự thay đổi chính sách cũng như diễn biến xấu của nền kinh tế, nhiều tổ chức BHTG đã phải đóng cửa. Hoạt động ngân hàng ở Mỹ đầu những năm 30 tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn, đỉnh cao năm 1933 có 4.000 ngân hàng thương mại phải ngừng hoạt động. Trước bối cảnh đó, Tổng công ty BHTG liên bang Mỹ (FDIC) đã được thành lập năm 1933 và chính thức bắt đầu hoạt động vào ngày 01/01/1934. Đây là mô hình BHTG công khai đầu tiên trên thế giới.
Với những ưu thế và tính chuyên nghiệp trong việc bảo vệ người gửi tiền và góp phần đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính – ngân hàng, hệ thống BHTG công khai ngày càng phát triển mãnh mẽ trên thế giới. Theo thống kê của Hiệp hội BHTG thế giới (IADI), trên thế giới hiện có 138 quốc gia có tổ chức BHTG trên tổng số khoảng 190 quốc gia và xu hướng này vẫn tiếp tục, đặc biệt là các nước đang phát triển thúc đẩy thành lập và chuẩn hoá hệ thống BHTG.
BHTG có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ người gửi tiền, nâng cao niềm tin của công chúng đối với hệ thống tài chính – ngân hàng, góp phần đảm bảo an toàn lành mạnh hoạt động ngân hàng, thúc đẩy huy động vốn của các tổ chức tín dụng phục vụ phát triển kinh tế, ổn định xã hội và có vai trò đặc biệt quan trọng trong xử lý khủng hoảng tài chính ngân hàng.
BHTG - công cụ chính sách có hiệu quả trong giải quyết ngân hàng có vấn đề
BHTG là một công cụ quan trọng được nhiều quốc gia sử dụng để giải quyết các ngân hàng gặp khó khăn trong hoạt động. Theo các nhà nghiên cứu, mục đích của BHTG là cô lập các hoạt động xấu, các đổ vỡ trong hoạt động tài chính – ngân hàng nhằm góp phần đảm bảo cho hệ thống ổn định, bảo vệ người gửi tiền. Vì vậy, một nội dung quan trọng trong chính sách BHTG là xử lý các tổ chức tham gia BHTG bị đổ vỡ hay có nguy cơ đổ vỡ. Các giải pháp các quốc gia sử dụng để xử lý trong khuôn khổ chính sách BHTG, bao gồm:
Hỗ trợ tài chính
Khi tổ chức tham gia BHTG gặp khó khăn có nguy cơ mất khả năng thanh toán, hỗ trợ tài chính là biện pháp mà tổ chức BHTG sử dụng để hỗ trợ cho các tổ chức này. Tổ chức BHTG có thể hỗ trợ bằng hình thức cho vay trực tiếp, mua lại các tài sản có hoặc nhận nợ thay, hoặc gửi tiền vào các ngân hàng có vấn đề và bảo lãnh các khoản vay. Giải pháp hỗ trợ tài chính của tổ chức BHTG đã mang lại hiệu quả nhất định trong việc xử lý các tổ chức tín dụng bị mất khả năng năng thanh toán và có nguy cơ đổ vỡ, ngăn chặn lan truyền bất ổn trong hệ thống và tạo sự ổn định trong cộng đồng.
Giao dịch mua và nhận nợ thay (P&A)
Mua và nhận nợ thay là hoạt động mà tổ chức BHTG sắp xếp cho một tổ chức tài chính mua lại một phần hoặc toàn bộ tài sản của tổ chức tham gia BHTG bị mất khả năng thanh toán hoặc bị đổ vỡ và gánh nặng một phần hoặc tất cả các khoản nợ trong đó có các khoản tiền gửi được bảo hiểm. Trong hoạt động này, tổ chức mua lại có thể nhận sự hỗ trợ từ tổ chức BHTG để hoàn thành giao dịch mua lại và tổ chức yếu kém được liên kết và sáp nhập với các tổ chức mạnh hơn. Có nhiều loại giao dịch P&A khác nhau, bởi tình huống đỗ vỡ của các ngân hàng không giống nhau vì vậy khi thỏa thuận giao dịch P&A sẽ linh hoạt nhằm đem lại hiệu quả tốt nhất cho tài sản của tổ chức BHTG quản lý. Giải pháp này góp phần hạn chế rủi ro, giải cứu ngân hàng đổ vỡ, góp phần đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính quốc gia, đồng thời có chi phí thấp hơn chi phí ước tính cho việc chi trả tiền gửi được bảo hiểm, giúp cho quá trình tái cơ cấu ngân hàng và thanh lý tài sản của ngân hàng nhanh nhất và hiệu quả.
Ngân hàng bắc cầu
Là ngân hàng tạm thời được thành lập và điều hành bởi tổ chức BHTG để nắm giữ các tài sản và đảm trách các khoản nợ của ngân hàng có vấn đề cho đến khi giải pháp xử lý cuối cùng có thể được hoàn thành. Ngân hàng bắc cầu chỉ được thành lập khi các chi phí hoạt động ước tính của ngân hàng bắc cầu phải thấp hơn chi phí cho việc chi trả tiền gửi được bảo hiểm. Mục đích của việc thành lập ngân hàng bắc cầu là để tiếp tục hoạt động phục vụ khách hàng, cải thiện khả năng thanh toán, cơ cấu lại tài sản nợ, làm trong sạch bảng cân đối trước khi rao bán, làm tăng thêm độ hấp dẫn đối với các khách hàng muốn mua lại ngân hàng và giảm ngánh nặng chi trả, đồng thời ổn định trật tự xã hội, nâng cao niềm tin công chúng, tránh sự đổ vỡ lan truyền.
Chi trả tiền gửi được bảo hiểm
Chi trả tiền BHTG là tổ chức BHTG thực hiện cam kết về việc thanh toán khoản tiền gửi được bảo hiểm cho đối tượng được bảo hiểm tiền gửi bao gồm cả gốc và lãi theo hạn mức quy định khi tổ chức tham gia BHTG chấm dứt hoạt động và bị mất khả năng thanh toán. Chi trả tiền gửi được bảo hiểm là giải pháp cuối cùng được thực hiện nếu như các giải pháp trên không mang lại hiệu quả và không đáp ứng nguyên tắc chi phí thấp nhất.
Yếu tố tiên quyết để đảm bảo tính hiệu quả của hệ thống BHTG
Một hệ thống BHTG hiệu quả cần xác định rõ mục tiêu chính sách công, xác định rõ quyền hạn và trách nhiệm của hệ thống BHTG và được quy định rõ trong Luật; cần có một cơ chế để tổ chức BHTG phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ngân hàng gặp khó khăn; xây dựng cơ chế phù hợp để phối hợp chặt chẽ chia sẻ thông tin giữa các tổ chức BHTG và các thành viên trong mạng an toàn tài chính quốc gia. Đây là các yếu tố tiên quyết để phát triển hệ thống BHTG hiệu quả và được Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng và Hiệp hội BHTG quốc tế hợp tác xây dựng trong Bộ nguyên tắc “Phát triển hệ thống BHTG hiệu quả”.
Cơ sở pháp lý và thực tiễn hoạt động BHTG tại Việt Nam
Thực tiễn triển khai chính sách BHTG ở Việt Nam
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 7/7/2000 trước bối cảnh ở trong nước sau khi hàng loạt hợp tác xã tín dụng nông thôn và quỹ tín dụng trên toàn quốc bị đổ vỡ dây chuyền vào những năm 1988-1990. Hoạt động ngân hàng chuyển dần sang thị trường có tính cạnh tranh, tiềm ẩn nhiều rủi ro và cần có thêm giải pháp ngăn ngừa kịp thời. Trên thế giới cuộc khủng khoảng tài chính, tiền tệ ở khu vực từ đầu năm 1997 có tác động không tích cực tới hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Thời gian đầu BHTGVN hoạt động dựa trên khung pháp lý là Nghị định, Thông tư và theo mô hình chi trả mở rộng. Chức năng, nhiệm vụ của BHTGVN bao gồm: Cấp giấy chứng nhận BHTG; giám sát, kiểm tra, thu phí, đầu tư, tư vấn; cho vay hỗ trợ đối với những ngân hàng gặp khó khăn tạm thời; chi trả tiền gửi cho người gửi tiền, tham gia thanh lý thu hồi tài sản sau chi trả.
Tính đến tháng 6/2016, BHTGVN đang thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức BHTG đối với 1.252 tổ chức tham gia BHTG là các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, Ngân hàng Hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô, với hơn 40 triệu tài khoản tiền gửi được bảo hiểm. BHTGVN đã chi trả tiền gửi được bảo hiểm cho 1.793 người gửi tiền tại 39 tổ chức tham gia BHTG.
Nhằm hoàn thiện khung hành lang pháp lý cho hoạt động BHTG, ngày 18/6/2012 Quốc hội đã ban hành Luật BHTG số 06/2012/QH13 và chính thức có hiệu lực vào ngày 01/01/2013. Chức năng, nhiệm vụ của BHTGVN về cơ bản không thay đổi nhiều so với trước khi chưa có Luật. Các hoạt động chủ yếu của BHTGVN tham gia vào quá trình xử lý các TCTD có vấn đề bao gồm: theo dõi giám sát, là thành viên của Ban kiểm soát đặc biệt khi tổ chức tín dụng bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, chi trả tiền gửi được bảo hiểm cho người gửi tiền khi tổ chức tín dụng bị đổ vỡ và tham gia vào quá trình thanh lý thu hồi tài sản sau khi tổ chức tín dụng bị đổ vỡ.
Nghiệp vụ cho vay hỗ trợ, bảo lãnh đối với các tổ chức tham gia BHTG khi gặp khó khăn tạm thời không được giao cho BHTGVN thực hiện. Đây là một điểm khác so với các văn bản pháp lý ban hành trước Luật. Điều này phần nào làm giảm vai trò của BHTGVN trong quá trình tham gia tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.
Xử lý ngân hàng có khó khăn: Mua với giá O đồng
Hoạt động tái cấu trúc hệ thống ngân hàng giai đoạn 2011-2015 đã đạt được những kết quả nhất định. Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng đồng bộ nhiều giải pháp trong đó có giải pháp mua 3 ngân hàng yếu kém (Ngân hàng xây dựng Việt Nam VNCB, Ocean Bank, GP bank) với giá 0 đồng. Giải pháp này chưa từng có trong tiến trình tái cơ cấu các ngân hàng Việt Nam. Việc Ngân hàng Nhà nước mua ngân hàng yếu kém với giá 0 đồng, quyền lợi của người gửi tiền đã đảm bảo, ngăn chặn rủi ro hệ thống, không sử dụng đến nguồn ngân sách nhà nước và đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu các ngân hàng. Tuy nhiên, đây là bước đi đầu tiên hướng đến khuôn khổ phù hợp về thanh lý và phá sản ngân hàng.
Yếu tố tiên quyết để phát huy hiệu quả công cụ BHTG
Thực tiễn hoạt động của BHTGVN hơn 16 năm qua cho thấy, tổ chức này đã bảo vệ tốt quyền lợi của người gửi tiền, góp phần bảo đảm an toàn hoạt động của ngân hàng, nâng cao niềm tin của công chúng đối với hệ thống ngân hàng. Trong thời gian tới, Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng ẩn chứa nhiều rủi ro, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đang diễn ra mạnh mẽ. Kinh nghiệm quốc tế trong xử lý các ngân hàng có vấn đề cho thấy BHTGVN cần có vai trò độc lập hơn trong kiểm soát rủi ro các tổ chức tín dụng, tham gia sâu rộng vào quá trình tái cấu trúc các tổ chức tín dụng yếu kém, xử lý nợ xấu. Thực hiện được điều đó, các Bộ, Ngành cần nghiên cứu đề xuất Chính phủ sớm sửa đổi Luật BHTG theo hướng mở rộng chức năng, nhiệm vụ để BHTGVN có thể tham gia một cách tích cực cả về nguồn lực và công cụ vào quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đảm bảo nguyên tắc chi phí tối thiểu và đảm bảo an toàn hệ thống tài chính - ngân hàng. Bên cạnh đó, BHTGVN cần xây dựng Chiến lược phát triển lâu dài, bền vững và quan tâm chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, khích lệ cán bộ nỗ lực phấn đấu để đáp ứng được vai trò lớn hơn, quan trọng hơn trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.
TS. Nguyễn Thị Kim Oanh - Nguyễn Thị Loan
Chi nhánh BHTGVN tại Tp. Hà Nội
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Luật BHTG số 06/QH12/2012 và các văn bản pháp luật về BHTG;
- Bộ các nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả;
- Tài liệu Hội thảo “Nhu cầu hoàn thiện pháp luật nhằm thúc đẩy tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu và đáp ứng yêu cầu hội nhập”;
- Tài liệu giới thiệu chính sách BHTG và BHTGVN tại tọa đàm với sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội về chính sách BHTG vào tháng 9/2016;
- Các bài viết trên các báo, tại chí.