Yêu cầu hội nhập quốc tế của đất nước và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra cho tổ chức Công đoàn là phải đổi mới, phải bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế.
Ngày 12/6/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW về “Đổi mới tổ chức hoạt động công đoàn trong tình hình mới”. Nghị quyết ra đời thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, là động lực quan trọng để tổ chức Công đoàn không ngừng đổi mới, xứng đáng với niềm tin của đoàn viên và người lao động, đồng thời nhận diện những khó khăn, thách thức phải đối diện, để từ đó ý thức sâu sắc hơn nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn.
Những năm qua, mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức nhưng tổ chức Công đoàn Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) đã không ngừng lớn mạnh, phát triển cả về số lượng, chất lượng. Hiện nay, Công đoàn BHTGVN có 9 công đoàn cơ sở (CĐCS) với 839 đoàn viên trong toàn hệ thống. Hoạt động công đoàn được đổi mới, ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả hơn, từng bước đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của đoàn viên và người lao động. Trong nhiều năm liên tục, Công đoàn BHTGVN đã trở thành mái ấm của đoàn viên, người lao động (ĐV-NLĐ) với vai trò tuyên truyền, giáo dục, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần,, bảo đảm sự nhất quán, đồng bộ trong việc chỉ đạo và thực hiện các mặt công tác, vị thế của tổ chức công đoàn ngày càng được khẳng định.
Quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước đem lại nhiều cơ hội, thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức cho công đoàn, đó là: việc thực thi các cam kết về lao động, công đoàn theo các Hiệp định thương mại thế hệ mới, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng lần thứ tư đòi hỏi trình độ, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong làm việc… Chính vì vậy Công đoàn BHTGVN đã không ngừng hoàn thiện bộ máy tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động để phù hợp với từng giai đoạn phát triển, tham gia quản lý và đại diện bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động, đồng thời góp phần xây dựng tổ chức BHTGVN ngày càng phát triển hiện đại, bền vững.
Trải qua quá trình hình thành và phát triển trong 20 qua, công tác tuyên truyền, giáo dục luôn được Công đoàn BHTGVN quan tâm đổi mới về nội dung và hình thức, từng bước phù hợp với thực tiễn, sát với nhu cầu của đoàn viên, người lao động. Tại các kỳ đại hội đều xây dựng Chương trình toàn khóa thực hiện Nghị quyết Đại hội tuyên truyền đầy đủ và sâu rộng tới toàn thể đoàn viên, người lao động về chủ trương đường lối của Đảng, chính sách phát luật của Nhà Nước, Luật Công đoàn, điều lệ và các chỉ thị, nghị quyết, quy định của ngành Ngân hàng.
Quy chế dân chủ cơ sở của BHTGVN được thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống. Công đoàn BHTGVN đã chỉ đạo CĐCS phối hợp với chuyên môn đồng cấp thực hiện Quy chế dân chủ trên cơ sở tôn trọng, phát huy quyền làm chủ của ĐV-NLĐ trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị; phối hợp với chuyên môn tổ chức Hội nghị Người lao động hàng năm tại đơn vị theo hướng dẫn chung của BHTGVN, phối hợp với chuyên môn tổ chức đối thoại tại nơi làm việc, chuẩn bị các nội dung tham gia đối thoại, thực hiện giám sát, phản biện xã hội, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ; hướng dẫn thực hiện chế độ nghỉ hàng năm đối với người quản lý và người lao động trong toàn hệ thống BHTGVN.
Công đoàn BHTGVN các cấp thường xuyên quan tâm chăm lo đến đời sống của ĐV-NLĐ, chủ động lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người lao động, tìm hiểu tình hình thực tế, nghiên cứu văn bản pháp luật, có quan điểm trên cơ sở các quy định của pháp luật và trong phạm vi quyền hạn của mình để bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp cho người lao động. Phối hợp với lãnh đạo chuyên môn quan tâm đời sống vật chất tinh thần của ĐV-NLĐ, thăm hỏi động viên kịp thời các ĐV-NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, khi ốm đau hoặc gia đình có việc hiếu, hỷ.
Các phong trào thi đua khuyến khích ĐV-NLĐ tham gia nghiên cứu, phát huy sáng kiến, cải tiến quản lý nghiệp vụ của đơn vị, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạt được hàng trăm đề tài sáng kiến đóng góp vào sự phát triển của BHTGVN. Công đoàn BHTGVN đã không ngừng hoàn thiện bộ máy tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động để phù hợp với từng giai đoạn phát triển của BHTGVN, của ngành Ngân hàng, của đất nước; thực sự trở thành đại diện về bảo vệ quyền lợi chính đáng cho NLĐ toàn hệ thống BHTGVN, đồng thời góp phần xây dựng một tổ chức BHTG ngày càng phát triển hiện đại, bền vững, tiệm cận với thông lệ quốc tế về mô hình BHTG hiệu quả. Công tác xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh từng bước được nâng cao, đội ngũ cán bộ công đoàn được đào tạo qua các giai đoạn đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nâng cao vai trò, vị trí của tổ chức công đoàn. Số lượng ủy viên BCH từ khi thành lập là 11 thành viên, đến nay đã tăng lên 19 thành viên. Công đoàn BHTGVN đã không ngừng lớn mạnh, từ 7 CĐCS với 249 đoàn viên tại thời điểm thành lập năm 2002. Năm 2016, BHTGVN ra quyết định thành lập 2 chi nhánh mới tại Đà Nẵng và Tây Bắc Bộ, ngay lập tức Công đoàn BHTGVN đã kịp thời thành lập 2 CĐCS tại 2 chi nhành mới và đến nay Công đoàn BHTGVN đang quản lý 9 CĐCS với 839 đoàn viên.
Công đoàn BHTGVN đã phối hợp với chuyên môn hoàn thiện Quy chế phối hợp giữa lãnh đạo chuyên môn và Công đoàn, căn cứ để tăng cường sự phối hợp hoạt động và tạo điều kiện cho Công đoàn hoạt động theo quy định pháp luật và phù hợp với tình hình của BHTGVN. Các CĐCS đã xây dựng được kế hoạch hoạt động cụ thể, tổ chức họp công đoàn định kỳ luôn đổi mới hình thức hoạt động và cập nhật thông tin 2 chiều để có kế hoạch hoạt động kịp thời. Kết quả, hàng năm 100% các CĐCS đạt danh hiệu Công đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Quán triệt tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức hoạt động công đoàn trong tình hình mới”, Công đoàn BHTGVN trong thời gian tới đã xác định tập trung thực hiện các nội dung sau:
Thứ nhất, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết và quán triệt đến toàn thể đoàn viên, người lao động. Cụ thể hóa nội dung Nghị quyết vào hoạt động công đoàn cho thật phù hợp, sát với thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm để tổ chức thực hiện hiệu quả.
Thứ hai, đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy công đoàn bảo đảm tinh gọn hiệu lực, hiệu quả; củng cố, nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động công đoàn ngành địa phương; đổi mới cách theo dõi, đánh giá, xếp loại chất lượng công đoàn phù hợp với thực tế; nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở, nhất là các đơn vị ngoài nhà nước, tăng cường cán bộ chuyên trách về hỗ trợ cho cơ sở; điều chỉnh nhiệm vụ của các cấp công đoàn theo hướng tập trung vào các nhiệm vụ cốt lõi, phù hợp với đặc thù từng cấp.
Thứ ba, đổi mới phương thức chỉ đạo và tổ chức hoạt động công đoàn theo hướng khoa học, sáng tạo, hướng về cơ sở, phù hợp với từng đối tượng đoàn viên, người lao động; khai thác, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong tổ chức hoạt động công đoàn; lấy nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của tập thể đoàn viên, người lao động làm cơ sở xác định nội dung; lấy việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động làm mục tiêu hoạt động. Từ mục tiêu và nội dung được xác định, hình thành phương thức hoạt động phù hợp, đảm bảo sức hấp dẫn, tiết kiệm nguồn lực, thiết thực hiệu quả, nâng cao sức mạnh của tổ chức Công đoàn. Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ năng lực, tâm huyết, trách nhiệm với công việc. Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thực hiện “Đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên trong tình hình mới”.
Thứ tư, chủ động phối hợp với người sử dụng lao động chăm lo lợi ích, bảo đảm quyền lợi cho người lao động; kịp thời giám sát, giải quyết và kiến nghị giải quyết những vấn đề bức xúc của đoàn viên người lao động; thường xuyên đối thoại, phát huy dân chủ, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể. Chú trọng công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, pháp luật, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công việc, kỷ luật lao động cho đoàn viên, người lao động. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; nâng cao đời sống tinh thần cho đoàn viên và người lao động. Tổ chức các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước theo hướng đổi mới, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với đơn vị; biểu dương, khen thưởng kịp thời tập thể, cá nhân có thành tích; chú trọng phát hiện, nhân rộng điển hình tiền tiến, mô hình hoạt động sáng tạo, hiệu quả.