Thống đốc NHTW Kenya, ông Njuguna Ndung'u cho biết, động thái này rất cần thiết trong bối cảnh lĩnh vực tài chính khu vực Đông Phi chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ và một số tổ chức ở những quốc gia mới có nguy cơ phải đối mặt với nhiều rủi ro và bất ổn tài chính. Thống đốc Ndung’u nhấn mạnh: các cơ quan quản lý khu vực sẽ đảm bảo cơ chế bảo hiểm tiền gửi được đề xuất phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
Tại hội thảo khu vực với chủ đề đánh giá sự tuân thủ các nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống bảo hiểm tiền gửi hiệu quả được tổ chức tại Nairobi, Thống đốc Ndung'u phát biểu: "Khu vực Đông Phi đang đối mặt với một vài rủi ro tiềm ẩn. Chúng tôi muốn tăng cường cơ chế bảo vệ tiền gửi hoặc hệ thống bảo hiểm tiền gửi. Các nước sẽ nỗ lực đảm bảo kế hoạch mở rộng cơ chế bảo hiểm tiền gửi được thực hiện với kết quả tốt nhất".
Nằm trong kế hoạch chuẩn bị hướng đến việc thành lập Liên minh Tiền tệ EAC, các NHTW trong khối đã bắt đầu xúc tiến quá trình nhất thể hóa các quy định pháp lý và giám sát cũng như các thông lệ chung nhằm thúc đẩy sự ổn định và lành mạnh của hệ thống tài chính trong khối.
Thống đốc Ndung'u cũng cho biết thêm, Quỹ Bảo vệ tiền gửi của Kenya hiện có khả năng bảo hiểm được 94% trong tổng số 16 triệu người dân Kenya có giao dịch ngân hàng. Tuy nhiên, các ngân hàng Kenya cần nâng cao nhận thức cho người gửi tiền với thông điệp tiền gửi của họ đều đã được bảo hiểm.
Kể từ khi Quỹ bảo vệ tiền gửi Kenya được thành lập vào năm 1985, Cơ quan này đã thực hiện thanh lý 7 tổ chức tài chính trong số 24 tổ chức bị sụp đổ thập niên 1990. Theo ông Ndung’u, nếu Quỹ được tách khỏi NHTW Kenya sẽ có đủ năng lực tài chính để chi trả cho người dân nước này.
Theo Luật Hệ thống thanh toán quốc gia Kenya, Quỹ bảo vệ tiền gửi Kenya dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động độc lập trước năm 2013. Ngoài ra, NHTW Kenya đang xúc tiến xây dựng một bộ luật mới cho phép bảo vệ các giao dịch ngân hàng điện tử và chuyển tiền trực tuyến tại nước này.