Vốn và quản lý vốn của tổ chức BHTG
Theo thông lệ quốc tế, vốn hoạt động của tổ chức BHTG được hình thành từ những nguồn cơ bản như phí BHTG, ngân sách nhà nước, lợi nhuận tích lũy từ hoạt động đầu tư vốn. Nguồn vốn của tổ chức BHTG được quản lý theo những cơ chế đặc thù riêng của tổ chức tài chính nhà nước hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận.
Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI) khuyến nghị: Một tổ chức BHTG phải luôn sẵn có một lượng vốn nhất định và các cơ chế cấp vốn nhằm đảm bảo chi trả kịp thời cho người gửi tiền, bao gồm cả cơ chế cấp vốn đảm bảo thanh khoản cho tổ chức BHTG (Nguyên tắc số 9 trong Bộ nguyên tắc cơ bản cho hệ thống BHTG hiệu quả). |
Cụ thể, vốn của tổ chức BHTG có thể được hình thành theo cơ chế cấp vốn trước hoặc cấp vốn sau; hoặc có thể kết hợp cả hai để xác lập được quy mô vốn tối ưu cho tổ chức BHTG. Quy mô vốn tối ưu là mức vốn cần thiết và luôn sẵn có để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ người gửi tiền. Mỗi quốc gia sẽ có quy mô vốn tối ưu mang tính cá biệt riêng cho tổ chức BHTG.
Quản lý và đầu tư hiệu quả nguồn vốn nhàn rỗi sẽ giúp tổ chức BHTG tránh được tình trạng lãng phí vốn. Hoạt động đầu tư tài chính hướng tới mục đích cơ bản là có nguồn lực tài chính đủ mạnh để thực hiện sứ mệnh bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền. Muốn vậy, cần xây dựng chiến lược đầu tư nhằm tối đa hóa giá trị tài sản của tổ chức BHTG, đặc biệt là trong bối cảnh ra khủng hoảng tài chính hoặc khi cần chi trả BHTG với lượng tiền lớn trong thời gian ngắn. Chính vì vậy, việc đầu tư cần phải đồng thời đạt được hai mục tiêu ngắn hạn theo từng giai đoạn, cụ thể: Đảm bảo an toàn vốn và khả năng thanh khoản của tổ chức BHTG.
“Tổ chức BHTG có trách nhiệm đầu tư và quản lý an toàn số vốn của mình; phải có chính sách đầu tư vốn đảm bảo hai mục tiêu sau: Bảo toàn vốn và đảm bảo khả năng thanh khoản; có đầy đủ các chính sách và quy trình quản lý rủi ro, hệ thống kiểm soát nội bộ và thông tin báo cáo (Nguyên tắc số 9-tiêu chí thứ 6)” - của IADI khuyến nghị. |
Là nhà đầu tư đặc biệt từ mô hình tổ chức, cấu trúc vốn đến danh mục đầu tư và mục đích đầu tư trên thị trường tài chính, nhằm đảm bảo tôn chỉ hoạt động cũng như phù hợp với khuyến nghị của IADI, các tổ chức BHTG trên thế giới đều xây dựng danh mục đầu tư là các tài sản tài chính cơ bản phi rủi ro hoặc rủi ro rất thấp như: Trái phiếu Chính phủ, trái phiếu/tín phiếu do Ngân hàng Trung ương phát hành và tiền gửi tại Ngân hàng Trung ương hoặc những ngân hàng được xếp hạng tín nhiệm cao.
Thực tiễn những tài sản tài chính mà tổ chức BHTG đầu tư theo thông lệ, khuyến nghị và quy định phổ biến của các quốc gia cho thấy, mặc dù chỉ đem lại phần bù rủi ro nhỏ, nhưng lại có tính an toàn và thanh khoản cao để đáp ứng mục tiêu đảm bảo cho hoạt động của tổ chức BHTG. Bên cạnh đó, điều này giúp danh mục đầu tư của tổ chức BHTG rất gọn nhẹ, đơn giản, giảm thiểu rủi ro và có khả năng thanh khoản tối đa theo mục tiêu hoạt động.
Rủi ro và quản trị rủi ro đầu tư của tổ chức BHTG
Có hai yếu tố có thể gây tổn thất cho hoạt động đầu tư là rủi ro và bất ổn. Rủi ro và bất ổn sẽ luôn song hành cùng tất cả các nhà đầu tư trên thị trường tài chính, dù thị trường này không phải là thủ phạm gây ra bất ổn và rủi ro, nhưng lại là đối tượng chính phải gánh chịu những hậu quả của bất ổn và rủi ro.
Quản trị rủi ro trong hoạt động đầu tư là một hệ thống quy trình gồm 4 phần cơ bản do các bộ phận khác nhau thực hiện theo phân cấp quản lý và chuyên môn về đầu tư của một tổ chức thực hiện: Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc phụ trách Khối Đầu tư, Giám đốc Tài chính. Đây là những bộ phận chịu trách nhiệm xác định những vấn đề, sự kiện và yếu tố có thể sẽ ảnh hưởng đến hoạt động nói chung và đầu tư tài chính nói riêng của tổ chức trong tương lai như: lạm phát, lãi suất, GDP, chính sách tài khóa hay chính sách tiền tệ…; qua đó đề ra các giải pháp quản lý, giảm thiểu hay hạn chế mức độ rủi ro và các tác động của nó để đảm bảo tổ chức thực hiện được các mục tiêu của mình.
Quy trình cơ bản của Quản trị rủi ro
Nhận biết rủi ro: Đây là khâu quan trọng nhất của quy trình quản trị rủi ro. Muốn nhận biết được rủi ro phải lường trước tập hợp các rủi ro có liên quan, từ đó loại trừ dần để có cơ sở chuẩn bị nguồn lực cho hoạt động quản trị rủi ro.
Có thể nói, nhận diện được rủi ro là đã có thể giảm được 50% rủi ro. Tuy nhiên trên thực tế, rủi ro là yếu tố không thể lường trước năng xảy ra. Đây chính là khoảng trống đương nhiên của nhận thức về rủi ro và phải chấp nhận. Đó cũng có thể được coi là một loại rủi ro.
Đánh giá và phân tích rủi ro: Để thực hiện tốt những việc này cần phải thu thập-tổng hợp và cập nhật kịp thời dữ liệu để phân tích-đánh giá với nhãn quan mang tính bao quát tổng thể các sự kiện có liên quan có thể xảy ra trong tương lai theo các chuỗi thời gian khác nhau. Kết quả tối ưu của hoạt động phân tích-đánh giá cần tính đến những rủi ro có khả năng cao sẽ xảy ra tại một số thời điểm cụ thể trong điều kiện bối cảnh thay đổi thường xuyên, đặc biệt là các kịch bản rủi ro lớn, có xác suất xảy ra cao và có thể gây tác động lớn.
Tuy nhiên, vẫn cần dành sự quan tâm nhất định cho những rủi ro bị coi là có xác suất xảy ra nhỏ. Đôi khi, chính những rủi ro này lại có thể gây ra những tác động lớn. Đặc biệt là khi các rủi ro như vậy không thể nhận biết và nắm bắt được thông qua các phương pháp phân tích kỹ thuật dựa trên hệ thống dữ liệu quá khứ.
Ví dụ tiêu biểu của tình huống này là cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ toàn cầu 2008, bắt nguồn từ sự đổ vỡ của hai ngân hàng đầu tư khổng lồ của Mỹ là Lehman Brother và Bear Stean. Ngay trước thời điểm đó, không có chuyên gia tài chính nào dự báo được sự đổ vỡ của Lehman Brother và dẫn đến cuộc khủng hoảng tầm cỡ thế kỷ đó. Đó là rủi ro được tuyệt đại đa số các nhà phân tích gắn cho xác xuất xảy ra cực nhỏ: Mọi người đều tin vào sự vững chắc của Lehman Brother, một đế chế tài chính khổng lồ có lịch sử tới 158 năm hoạt động tại Mỹ - cường quốc tài chính. Trước đó, các chuyên gia tài chính vẫn chắc chắn rằng những tổ chức có quy mô lớn sẽ khó bị đổ vỡ, mặc dù từ 1984, Tổng Công ty BHTG Liên bang Mỹ (FDIC) đã buộc phải bỏ tiền cứu Ngân hàng Continnental Illinois, một ngân hàng khá lớn của Mỹ khi đó, khỏi đổ vỡ.
Lập kế hoạch quản lý rủi ro: Bao gồm những việc có thể làm và những việc phải làm, cụ thể:
Những việc có thể làm: Tùy thuộc vào cơ cấu, hoạt động và sứ mệnh của tổ chức mà xác định những việc có thể được phép thực hiện để quản lý rủi ro.
Ví dụ, đối với tổ chức BHTG, cần lựa chọn các biện pháp quản lý rủi ro tối ưu; sản phẩm tài chính phù hợp mục tiêu đầu tư; ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin; đào tạo cập nhật kiến thức cho nhân viên.
Những việc phải làm: Là những việc mà một tổ chức buộc phải thực hiện để đảm bảo tuân thủ quy định về quản trị rủi ro.
Ví dụ, đối với tổ chức BHTG, cần đầu tư theo đúng quy định của pháp luật; xây dựng và áp dụng các biện pháp quản trị rủi ro; phân cấp rõ ràng trong việc sử dụng công nghệ thông tin và phân bổ tỷ trọng danh mục đầu tư theo hướng tối ưu nhất.
Duy trì quản lý rủi ro: Đây là bước cuối của quy trình quản trị rủi ro, nhưng nếu không làm tốt nó sẽ là bước khởi đầu gây ra rủi ro. Do đó cần tuân thủ tuyệt đối các quy định, quy trình quản lý rủi ro; thường xuyên có sự kiểm soát quá trình thực hiện; kiểm soát chéo và kiểm tra đột xuất và định kỳ; thực hiện các biện pháp điều chỉnh, sửa đổi và bổ sung kịp thời.
Rủi ro có thể xảy đến với mọi nhà đầu tư vào bất kể lúc nào, tuy nhiên phạm vi và sự tác động của rủi ro sẽ tùy thuộc vào khẩu vị và khả năng quản trị rủi ro của nhà đầu tư. Cũng không cần quá phức tạp hóa vấn đề rủi ro để tránh dẫn đến việc vì quá sợ rủi ro nên dễ bỏ lỡ cơ hội tiềm ẩn.
Quản trị rủi ro là một nét của văn hóa doanh nghiệp, nó thể hiện quan điểm nghiệp vụ cụ thể trong nhãn quan quản trị tổng thể đối với hoạt động của doanh nghiệp.Vì vậy, cũng như hoạt động đầu tư tài chính, quản trị rủi ro không phải là những phép tính chính xác mà là sự kết hợp giữa khoa học và nghệ thuật.
Đầu tư tài chính hiệu quả và Quản trị rủi ro đầu tư tốt là hai yếu tố cần và đủ để tổ chức BHTG có thể góp phần đạt được mục đích chiến lược, đảm bảo tích lũy đủ nguồn lực tài chính để hỗ trợ việc thực hiện sứ mệnh bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền. Muốn vậy, tổ chức BHTG cần xây dựng Chiến lược đầu tư tối ưu với quy trình đầu tư chuẩn, gắn liền với với mô hình quản trị rủi ro tốt, vì về dài hạn quy trình sẽ quyết định kết quả.
Bên cạnh quản lý rủi ro, tổ chức BHTG cũng cần quan tâm đến các yếu tố mang tính bất ổn. Những tác động của vấn đề bất ổn, ví dụ như những xung đột lợi ích kinh tế-chính trị sẽ có thể tác động xấu đến các thị trường nói chung và thị trường trái phiếu chính phủ nói riêng. Chính vì vậy, việc nghiên cứu áp dụng tốt các giải pháp trên sẽ góp phần nâng cao năng lực tài chính của tổ chức BHTG, đảm bảo sự phát triển đó có ý nghĩa tích cực cho việc thực hiện sứ mệnh bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì an toàn, lành mạnh hệ thống tài chính – ngân hàng.
Tài liệu tham khảo:
- Bất ổn và rủi ro trên thị trường chứng khoán-cùng tác giả Nguyễn Thanh Hà trên www.vietstock.vn ngày 30.5.2015(https://vietstock.vn/2015/05/bat-on-va-rui-ro-tren-thi-truong-chung-khoan-3355-422826.htm)
- IADI Core Principles for Effective Deposit Insurance Systems;
- Investing for the bad times – World Bank Group;
- Thiên nga đen - Black Swan. Nassim Nicholas Taleb;
- Hoạt động đầu tư và kinh doanh trái phiếu của các ngân hàng Mỹ và Trung quốc - Vũ Hoàng Nam. Tạp chí Ngân hàng 7.2015;
- Trò bịp trên phố Wall - Liar’s Poker. Michael Lewis;
- Practical Investment Management - Third edition. Roberrt A.Strong;
- Investment - Frank K.Reilly & Edgar A.Norton;
- The Handbook of Fixed Income Securities - Frank J.Fabozzi with Steven V.Mann.