Dù ngắn hạn còn đối mặt với nhiều khó khăn nhưng triển vọng kinh tế trong trung hạn rất tích cực. Đây là quan điểm được ông Aaron Batten - chuyên gia kinh tế Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam trao đổi với Thời báo Ngân hàng.
Tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình
Nhìn nhận của ông về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay và trung hạn?
Trong báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế gần đây nhất (ADOU), ADB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay ở mức 6%. Mức điều chỉnh giảm một chút so với trước đây chủ yếu là vì sự suy giảm tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong nửa đầu năm nay do hạn hán ở khu vực Tây Nguyên và Mê Kông. Đây là những yếu tố phần nhiều nằm ngoài sự kiểm soát của Chính phủ và chúng tôi coi đó là những cú sốc đối với tăng trưởng GDP.
Tuy nhiên, các ngành còn lại của nền kinh tế vẫn có sự tăng trưởng tốt. Tốc tộ tăng trưởng của ngành sản xuất vẫn duy trì ở mức 2 con số, của ngành dịch vụ khoảng 7%. Và FDI vào Việt Nam ở mức kỷ lục. Do đó, triển vọng kinh tế trung hạn của Việt Nam rất tích cực, chúng tôi giữ quan điểm rất lạc quan về triển vọng kinh tế.
Chiến lược Đối tác Quốc gia Việt Nam (CPS) của ADB giai đoạn 2016-2020 có kế hoạch và giải pháp gì hỗ trợ cho Việt Nam trong củng cố nợ công và thâm hụt ngân sách được xem là khá cao hiện nay?
Trong bối cảnh nợ công và thâm hụt ngân sách cao hiện nay, chúng tôi nhìn nhận có hai cách chính để giúp giảm áp lực của các vấn đề này. Đó là tăng thu và giảm chi ngân sách. ADB sẽ nhấn đến các hỗ trợ giúp Chính phủ cải thiện hiệu quả chi tiêu công thông qua chương trình hỗ trợ quản lý tài chính công.
Trong đó, một trong những ưu tiên là giúp Chính phủ xây dựng hệ thống lập kế hoạch chi tiêu công trung hạn hiệu quả hơn (điều này cũng phù hợp với xu hướng chuyển sang lập ngân sách chi tiêu trung hạn của Việt Nam). Quy trình này đóng vai trò quan trọng để nâng cao hiệu quả của các dự án đầu tư và chi tiêu công.
ADB sẽ hỗ trợ Việt Nam nâng cao chất lượng quản lý công sản. Chúng ta biết rằng, có những tài sản là các cơ sở hạ tầng được tạo từ nguồn ngân sách. Nếu quản lý công sản tốt sẽ giúp hiệu quả đầu tư công tốt hơn. Ngoài ra, chúng tôi hỗ trợ để nâng cao hệ thống đánh giá và trách nhiệm giải trình trong quản lý tài chính công. Việc này làm tốt sẽ giúp có được các thông tin phản hồi để đưa vào quy trình lập kế hoạch ngân sách tiếp theo tốt hơn.
Ví dụ, ADB sẽ chú trọng hỗ trợ nâng cấp các hệ thống quản lý tài sản đường bộ, đường sắt, tàu điện ngầm, giúp cải thiện hiệu quả chi phí và sự bền vững của các dự án đầu tư của ADB trong những lĩnh vực này. Bên cạnh đó, ADB sẽ hỗ trợ tăng cường năng lực cho chính quyền địa phương trong lĩnh vực điều phối và quản lý nợ.
Trong tương lai, Việt Nam sẽ cần nguồn tài chính rất lớn cho sự phát triển cơ sở hạ tầng. Nhưng trong bối cảnh nợ công cao, thâm hụt ngân sách lớn thì CPS mới sẽ giúp Việt Nam giải quyết các vấn đề này thế nào?
Một mặt, CPS nỗ lực giúp Việt Nam phát triển thị trường vốn, mặt khác, hỗ trợ phát triển đối tác công – tư (PPP). Bởi như chúng ta biết trong cơ sở hạ tầng (CSHT), không phải dự án nào cũng cần phải được triển khai bởi Chính phủ khi mà khu vực tư nhân có thể tham gia với vai trò lớn hơn. Vì thế ADB có chương trình hỗ trợ cụ thể để tạo lập môi trường thúc đẩy tiến trình này, cũng như cung cấp tài chính để chuẩn bị cho các dự án mà khu vực tư nhân có thể đầu tư.
Chính sách tiền tệ cần tiếp tục những thành quả đạt được
Theo ông, điều hành CSTT của NHNN đang gặp những thách thức lớn gì và các gợi ý để điều hành tốt hơn thời gian tới?
Khi nền kinh tế lớn và phức tạp hơn (trở thành nước có thu nhập trung bình và thị trường tài chính phát triển sâu hơn) thì các thách thức trong việc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô cũng tăng lên. Một trong các thách thức là việc quản lý được danh mục luồng vốn vào Việt Nam ngày càng tăng lên, nhất là khi thị trường chứng khoán, tài chính mở hơn cho NĐT nước ngoài.
Cần làm sao để các luồng vốn vào này ổn định, không rút đi một cách quá nhanh và đột ngột có thể gây bất ổn nền tài chính và ổn định vĩ mô là vấn đề cực kỳ quan trọng. Khu vực Đông Nam Á cũng như châu Á trong những năm qua đã có quá nhiều bài học về điều này và Việt Nam cần tham khảo.
Bên cạnh đó, việc làm sao để nền kinh tế linh hoạt và thích ứng tốt hơn cũng cần đặt ra. Trong thời gian qua, chúng ta thấy NHNN đã điều hành chính sách tỷ giá theo hướng linh hoạt hơn và những nỗ lực này cần tiếp tục để tỷ giá là bộ đệm cho nền kinh tế trong đối phó với những cú sốc bên ngoài khi cần thiết. Về mặt dài hạn, một vấn đề quan trọng là NHNN cần tiếp tục cải thiện các quy định và giám sát thận trọng đối với lĩnh vực tài chính.
Trong vài năm tới, việc đưa vào áp dụng các tiêu chuẩn Basel II là một thách thức lớn với Chính phủ và NHNN, nhưng nếu làm được sẽ giúp tạo nền tảng vững chắc hơn cho việc tăng cường phát triển chiều sâu của thị trường tài chính.
Gần đây có nhiều ý kiến cho rằng, nếu không dùng tiền ngân sách thì việc xử lý nợ xấu (XLNX) sẽ không thể triệt để. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Thực tế đã có rất nhiều nước phải dùng ngân sách để XLNX và trong nhiều trường hợp, nếu được triển khai đúng hướng thì việc sử dụng ngân sách lại mang lại lợi nhuận. Tất nhiên, sử dụng ngân sách để XLNX cũng có những rủi ro của nó.
Ví dụ, nó làm tăng thêm áp lực đối với ngân sách nhất là trong bối cảnh nợ công và thâm hụt ngân sách cao. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là cần tạo ra được một khung khổ luật pháp hỗ trợ cho quá trình XLNX này. Đặc biệt là cần tạo lập cơ chế để các NĐT có thể mua bán nợ xấu. Làm được điều này thì nợ xấu ở VAMC và ở các NH sẽ được giải quyết.
Cách thức sử dụng ngân sách thế nào để XLNX hiệu quả, như sẽ qua kênh VAMC hay bơm thẳng tiền vào các NH có nợ xấu lớn?
Đây là câu hỏi khó. Tôi nghĩ nó tùy từng trường hợp cụ thể. Theo kinh nghiệm của một số nước trong đó có Nhật Bản, thì việc bơm thẳng tiền vào những NH cụ thể có nợ xấu lớn trong nhiều trường hợp đã mang lại thành công. Tuy nhiên, có những rủi ro đi kèm với cách làm này và do đó đòi hỏi cần kiểm soát một cách cẩn trọng và cần được tiến hành một cách công khai, minh bạch.
CPS mới của ADB có đề cập cụ thể nào đến việc hỗ trợ Việt Nam XLNX không?
CPS mới không hỗ trợ giải quyết nợ xấu một cách trực tiếp. Nhưng chúng tôi cũng đưa ra nhiều hỗ trợ để về tổng thể giúp tăng cường và phát triển thị trường vốn, cũng như hỗ trợ nỗ lực của NHNN trong cải thiện cách quy định thận trọng để hệ thống NH phát triển bền vững hơn, hay phát triển thị trường trái phiếu và tài chính vi mô để làm sao hỗ trợ các DNNVV cũng như cá nhân có thu nhập thấp có thể tiếp cận vay vốn tốt hơn.
Xin cảm ơn ông