Nằm trong chuỗi các sự kiện hướng tới kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Ngân hàng Việt Nam, Cuộc thi trực tuyến Điều tra, ứng cứu sự cố an toàn thông tin” nhằm khuyến khích phong trào thi đua học tập, nâng cao kỹ năng, trình độ của lực lượng chuyên trách về an toàn thông tin; đồng thời tăng cường nhận thức về an toàn thông tin cho toàn thể cán bộ của ngành ngân hàng, góp phần bảo đảm an toàn, an ninh và phát triển bền vững của ngành.
Cuộc thi đã thu hút 40 ngân hàng, tổ chức tài chính đăng ký tham gia với gần 150 cán bộ chuyên trách về an toàn thông tin.
Phát biểu khai mạc và chỉ đạo Cuộc thi, PGS.TS. Nguyễn Kim Anh - Phó Thống đốc NHNN cho biết: Những cán bộ làm công tác an ninh công nghệ thông tin và truyền thông là lực lượng công nghệ cao, hoạt động thầm lặng nhưng có vai trò hết sức quan trọng đảm bảo an toàn hoạt động của ngành Ngân hàng trên không gian mạng.
Trước đó, ngày 26/12/2019, Thống đốc NHNN đã ký Quyết định số 2655/QĐ-NHNN ban hành Chiến lược phát triển Công nghệ thông tin của ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu tổng quát thực hiện thành công chuyển đổi số trong ngành ngân hàng tiến đến Chính phủ số tại NHNN và ngân hàng số tại các tổ chức tín dụng.
Song hành với mục tiêu trên, chiến lược cũng xác định yêu cầu toàn ngành phải đảm bảo an ninh, bảo mật và hoạt động liên tục của các hệ thống thông tin ngành ngân hàng, chuyển từ biện pháp phòng vệ thụ động sang tích cực chủ động phát hiện và xử lý sớm các nguy cơ mất an ninh công nghệ thông tin trong ngành.
Thực tế cho thấy, mặc dù tình hình an ninh mạng ở Việt Nam trong thời gian gần đây có nhiều diễn biến phức tạp, theo báo cáo của A05 - Bộ Công an, năm 2020 đã phát hiện các nhóm tin tặc, gián điệp mạng nước ngoài gia tăng hoạt động tấn công nhằm vào Việt Nam, chủ yếu nhằm vào hệ thống thông tin của các cơ quan trọng yếu, các tập đoàn kinh tế mũi nhọn; phát hiện trên 5.050 trang, cổng thông tin điện tử trong nước bị tấn công, tăng 40% so với năm 2019.
Trong bối cảnh đó, các tổ chức tín dụng đã có chính sách ưu tiên nhân lực, vật lực cho hoạt động an ninh công nghệ thông tin. Chính vì vậy, an ninh công nghệ thông tin ngành Ngân hàng trong thời gian qua cơ bản an toàn, được Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam đánh giá là ngành luôn dẫn đầu về xếp hạng chỉ số an toàn thông tin.
Phó Thống đốc bày tỏ tin tưởng, qua cuộc thi này, cùng với các chương trình đào tạo, tập huấn và diễn tập về an toàn thông tin hàng năm, lực lượng chuyên gia về an toàn thông tin của ngành ngân hàng sẽ ngày càng lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và công cuộc chuyển đổi số của ngành ngân hàng; tiếp tục góp phần đưa ngành ngân hàng là một trong những ngành dẫn đầu về ứng dụng công nghệ và bảo đảm an toàn thông tin.
Ngay từ trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nhiều doanh nghiệp, tổ chức trong ngành tài chính, ngân hàng Việt Nam đã chủ động bước vào giai đoạn chuyển đổi số, cung cấp các dịch vụ thanh toán số cũng như nhiều dịch vụ khác trên nền tảng số. Trong đó, thanh toán dịch vụ công được đẩy mạnh qua việc tích hợp với Cổng dịch vụ công Quốc gia, Cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương.
Tuy nhiên, song hành với đó, nguy cơ về sự cố mất an toàn, an ninh thông tin cũng tăng cao. Theo số liệu của Trung tâm giám sát và phản ứng trên không gian mạng (Công ty An ninh mạng Viettel-VSC), năm 2020 đã có hàng triệu cảnh báo tấn công mạng vào các hệ thống tài chính, ngân hàng, mạng CNTT một số tỉnh thành trên cả nước. Có trường hợp tin tặc lợi dụng lỗ hổng OTP đánh cắp hàng trăm triệu của khách hàng trong vài phút.
Tại Cuộc thi, các đội tham gia đã thực hiện 2 bài thi gồm: Điều tra ứng cứu sự cố an toàn thông tin; Kiểm thử an toàn thông tin phát hiện các lỗ hổng bảo mật có thể xâm nhập hệ thống.
Trải qua các vòng thi gay cấn, với tinh thần quyết tâm cao, đội thi đến từ ngân hàng Vietcombank đã xuất sắc đạt giải Nhất; đội thi của ngân hàng Sacombank đạt giải Nhì và đội thi đến từ ngân hàng Techcombank đạt giải Ba chung cuộc.