NHTW Anh (BoE) vốn có trong tay đầy đủ các “vũ khí” để trở thành một trong những NHTW hùng mạnh nhất trên thế giới. Với các vũ khí mới, NHTW Anh mong muốn sẽ có thể chấm dứt tình trạng bùng nổ và rồi lại vỡ tung của thị trường tài chính.
Tuy nhiên, chỉ 4 năm sau, ý chí quyết tâm bảo vệ sự ổn định của thị trường tài chính đang được kiểm nghiệm. Hôm nay (26/5), các thành viên của Ủy ban chính sách tài chính được dẫn đầu bởi Thống đốc Mark Carney sẽ tụ họp tại trụ sở của BoE để bàn về cách đối phó với thị trường nhà đất đang có mức giá tăng trưởng theo tốc độ hai con số.
Trên toàn thế giới, trên con đường đi tìm cách ngăn chặn khủng hoảng tài chính lặp lại, các NHTW đang đặt nhiều niềm tin hơn vào những công cụ quản lý. Nỗ lực hạ nhiệt thị trường nhà đất mà không ảnh hưởng tiêu cực đến đà phục hồi của nền kinh tế của NHTW Anh sẽ được dõi theo một cách chăm chú.
Chính sách điều tiết vĩ mô thận trọng
Về lý thuyết, những “vũ khí” như áp trần cho mức nợ thế chấp mà một người có thể nhận được (tương ứng với thu nhập) và buộc các ngân hàng phải tăng vốn sẽ giúp phá tan chu kỳ “nóng lạnh” của hệ thống tài chính. Tuy nhiên, rất nhiều trong số các chính sách theo hướng cẩn trọng vĩ mô (macroprudential) vẫn chưa được kiểm chứng.
Các thống đốc NHTW cũng đang bị chia rẽ sâu sắc về quan điểm họ có nên phụ thuộc quá nặng nề vào các biện pháp này và không cần phải thay đổi chính sách tiền tệ, đặc biệt là ở thời điểm cổ phiếu, trái phiếu và các tài sản đều đều tăng giá mạnh mẽ trong suốt 5 năm qua.
Theo Philipp Hildebrand, cựu Thống đốc NHTW Thụy Sĩ và hiện là phó Chủ tịch của BlackRock, trong trường hợp xấu nhất, các NHTW có thể bị buộc tội đã thất bại tới 2 lần: khiến thị trường nóng lên bằng chính sách tiền tệ nới lỏng và sau đó lại không thể làm dịu thị trường với bộ công cụ không hoàn chỉnh.
BoE đang có trong tay bộ công cụ đầy đủ hơn so với bất kỳ NHTW nào khác. BoE có quyền lực để buộc các ngân hàng phải tăng vốn hay thanh tra người đi vay chặt chẽ hơn.
Bằng cách giảm bớt tâm lý lạc quan trước khi bong bóng tài sản, công cụ điều tiết vĩ mô thận trọng được sử dụng với mục đích ngăn chặn chu kỳ bùng nổ rồi vỡ tung trong thị trường tài chính. Chúng cũng có thể tăng cường sức mạnh của các định chế tài chính, giúp chúng đứng vững khi giá tài sản giảm.
Thách thức của BoE
Tuy nhiên, để đưa những ý tưởng đầy tham vọng này trở thành hiện thực, nước Anh phải đối mặt với nhiều thách thức. Sau khi lên nắm quyền năm 2010, chính phủ dẫn đầu bởi Đảng Bảo thủ đặt lên vai BoE rất nhiều trách nhiệm. Căng thẳng nhanh chóng dâng cao giữa các nhà quản lý muốn “chống sốc” cho hệ thống tài chính và các chính trị gia nóng lòng muốn nền kinh tế phục hồi.
Bao trùm cuộc tranh luận ở Anh là câu hỏi liệu chính sách điều tiết vĩ mô thận trọng có nên chỉ trích bong bóng tài sản vốn không có mối liên hệ rõ ràng với việc tín dụng tăng trưởng quá nóng. Trên thực tế, bong bóng dotcom trong những năm 1990 và giờ đây là giá nhà ở Anh tăng cao chỉ đi kèm với tăng trưởng tín dụng ở mức khá khiêm tốn.
Điều khó khăn nhất có lẽ là mức độ tương phản của chính sách điều tiết vĩ mô với chính sách tiền tệ. Liệu một nước có thể vừa duy trì lãi suất gần 0, vừa cung cấp đặc ân cho người đi vay và sử dụng chính sách điều tiết vĩ mô để ngăn chặn vay mượn quá mức?
Sau cuộc họp tới, một trong những động thái mà BoE có thể đưa ra là áp trần tỷ lệ vay nợ/thu nhập hoặc quy định các điều kiện chặt chẽ hơn trong cho vay thế chấp. Theo Erlend Nier, chuyên gia đến từ IMF, kinh nghiệm của Hồng Kông trong những năm 1990 và Hàn Quốc trong những năm 2000 cho thấy các công cụ này không chỉ hữu ích trong việc giảm sức nóng của thị trường mà còn giúp củng cố sức mạnh của người đi vay trước các cú sốc về giá tài sản.
Tuy nhiên, Matthew Whittaker, chuyên gia kinh tế tại Resolution Foundation, cảnh báo rằng BoE cần bước đi một cách cẩn trọng bởi đang bước vào những “vùng đất lạ”. Rủi ro ở đây là chính sách điều tiết vĩ mô thận trọng có thể kết thúc với bi kịch các hộ gia đình chìm sâu hơn vào nợ nần.
Chuyên gia này ước tính rằng nếu áp tỷ lệ nợ/thu nhập 3,5 lần, sẽ có hơn 2,7 triệu người đi vay bị ảnh hưởng. Họ sẽ rơi vào tình trạng căng thẳng tài chính.
Hơn nữa, không có gì đảm bảo rằng cuộc khủng hoảng tiếp theo sẽ bắt đầu từ khu vực bất động sản. Thị trường trái phiếu cũng có nhiều bất ổn. Có người đã so sánh điều kiện hiện nay giống với thời kỳ trước khủng hoảng 2007 – 09, khi lợi suất trái phiếu Italy và Tây Ban Nha cao hơn 5 điểm phần trăm so với trái phiếu kho bạc Mỹ được coi là những loại trái phiếu chính phủ an toàn nhất trên thế giới.