Đồng tình cao với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về tổng kết Nghị quyết số 42 và đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết, đại biểu Nguyễn Việt Hà (Đoàn tỉnh Tuyên Quang) cho rằng, trong gần 5 năm triển khai, Nghị quyết số 42 đã mang lại kết quả tích cực trong công tác xử lý nợ xấu; trở thành giải pháp mang tính đột phá và thực chất, giúp khơi thông nguồn vốn, góp phần để các tổ chức tín dụng tiếp tục phát huy tốt vai trò là kênh dẫn vốn chủ đạo, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, thể hiện chính sách đúng đắn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về công tác xử lý nợ xấu.
Cũng theo bà Nguyễn Việt Hà, mặc dù Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng đã rất nỗ lực và quyết liệt trong triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như: miễn, giảm lãi, phí, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, nhưng do ảnh hưởng rất lớn từ dịch nên nhiều khách hàng chưa thể phục hồi kinh doanh ngay, thậm chí có khách hàng không thể phục hồi. Do vậy, trong thời gian tới, nợ xấu có xu hướng tăng là điều khó tránh khỏi. Với thực trạng trên, tại thời điểm này, khi chưa luật hóa được các quy định về xử lý nợ xấu, nếu dừng áp dụng Nghị quyết 42 sẽ tạo một khoảng trống pháp lý khiến cho công tác nợ xấu bị tắc nghẽn, tạo thách thức và áp lực lớn đối với công tác xử lý nợ xấu, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế.
Bà Nguyễn Việt Hà đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài việc áp dụng toàn bộ Nghị quyết số 42 và đưa nội dung này vào nghị quyết chung của kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV theo đề xuất của Chính phủ. Cùng với đó, Quốc hội cần sớm luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, bởi những kết quả nghị quyết mang lại đã chứng minh tính đúng đắn, cần thiết của việc ban hành quy định pháp luật cho công tác xử lý nợ xấu.
Đại biểu từ Đoàn tỉnh Thanh Hoá - bà Cầm Thị Mẫn đánh giá, Nghị quyết 42 của Quốc hội khóa XIV đã tạo hành lang pháp lý cần thiết cho công tác xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, mang lại chuyển biến tích cực; thể hiện định hướng, chính sách đúng đắn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, qua đó củng cố niềm tin của xã hội, góp phần quan trọng vào kết quả triển khai kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 42 đã tạo cơ chế xử lý hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm các khoản nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Đặc biệt, sau khi Nghị quyết 42 ban hành có hiệu lực, ý thức trả nợ của khách hàng được nâng cao, một số quy định tại Nghị quyết 42 đã được các tổ chức tín dụng, Công ty quản lý tài sản của tổ chức tín dụng (VAMC) áp dụng có hiệu quả trên thực tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, theo bà Mẫn, quá trình tổ chức triển khai Nghị quyết còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Do vậy, Chính phủ cần tiếp tục đánh giá tác động, phân tích rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan của những tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết. Từ đó, đề xuất những giải pháp phù hợp với tình hình hiện nay, nhất là khi nền kinh tế vẫn đang tiếp tục chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch Covid-19. Điều này tác động đến thu nhập của các cá nhân, hộ gia đình và kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, dẫn đến khả năng trả nợ của khách hàng vay suy giảm, nợ xấu vẫn có khả năng gia tăng trong thời gian tới.
“Xuất phát từ những lý do nêu trên, cá nhân tôi thống nhất cao chủ trương Quốc hội thông qua việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng tại kỳ họp này để tránh tạo ra khoảng trống pháp lý khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực thi hành. Đồng thời, đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong thời hạn kéo dài thực hiện Nghị quyết cần nghiên cứu, phân tích, đánh giá các vấn đề thực tiễn đặt ra, đề xuất luật hóa quy định về xử lý nợ xấu nhằm tạo hành lang pháp lý ổn định cho công tác xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đáp ứng yêu cầu khơi thông nguồn vốn, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước” - bà Cầm Thị Mẫn kiến nghị.
Đại biểu Lê Đào An Xuân (Đoàn tỉnh Phú Yên) cũng cho rằng, quá trình thực hiện có một số vướng mắc phát sinh từ chính những quy định của Nghị quyết. Do vậy, việc gia hạn lại toàn bộ nội dung Nghị quyết sẽ không giải quyết được toàn bộ mục tiêu đặt ra ban đầu, mà chỉ mang tính xử lý tức thời trong thời gian Chính phủ chưa kịp tham mưu để trình Quốc hội các quy định phù hợp với thực tiễn. Để đảm bảo sửa đổi kịp thời các nội dung không còn phù hợp, đảm bảo sự kế thừa liên tục và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phát sinh, đại biểu đề nghị Quốc hội cần xem xét bổ sung đối tượng điều chỉnh của nghị quyết, trong đó có việc xử lý các khoản nợ xấu mới phát sinh từ sau thời hiệu của Nghị quyết 42.
“Đề nghị bổ sung các quy định về xử lý đối với các khoản nợ xấu không còn tài sản đảm bảo. Trên địa bàn tỉnh Phú Yên hiện nay có khoảng gần 40% nợ xấu không còn tài sản đảm bảo để xử lý do doanh nghiệp phá sản hoặc giải thể. Những khoản nợ này đã treo trong khoảng thời gian dài, có khoản nợ trên 20 năm, rất cần tới giải pháp để xử lý các loại này mang tính đặc thù riêng” - đại biểu Lê Đào An Xuân cho biết thêm.
Thống nhất với việc kéo dài thực hiện Nghị quyết 42 trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều khó khăn như hiện nay, đại biểu Bùi Mạnh Khoa (Đoàn tỉnh Thanh Hóa) cho rằng, cần nâng cao năng lực quản trị của các tổ chức tín dụng, đặc biệt trong công tác thẩm định giá trị tài sản bảo đảm, công tác quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng trong quá trình cho vay.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường kiểm tra, chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc việc thẩm định tài sản để hạn chế tình trạng tiêu cực trong việc thẩm định tài sản cho vay. Có như vậy mới hạn chế được sự gia tăng các khoản nợ xấu - ông Khoa đưa ra ý kiến.
Theo chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, các đại biểu sẽ biểu quyết việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng vào ngày 16/6.