Về cơ bản, kết quả khảo sát chỉ ra một số xu hướng chính để ứng phó với khủng hoảng COVID-19 của các tổ chức BHTG và tác động của đại dịch COVID-19 đối với lĩnh vực tài chính nói chung và BHTG nói riêng trong giai đoạn từ tháng 3/2020 đến thời điểm khảo sát.
Theo đó, 47% tổ chức tham gia khảo sát cho biết họ điều chỉnh hoặc bổ sung các chính sách bảo hiểm tiền gửi nhằm hỗ trợ sự ổn định tài chính của hệ thống tổ chức nhận tiền gửi so với các chính sách đã có trước tháng 3/2020. Điều này cho thấy nhiều cơ quan quản lý, giám sát và tổ chức BHTG đang tiếp tục theo dõi các thông tin mới về cuộc khủng hoảng, và điều chỉnh các khía cạnh hoạt động của họ cho phù hợp.
Điển hình, Canada lùi thời gian bắt đầu áp dụng Luật Tổng công ty BHTG Canada sửa đổi 01 năm, từ 30/4/2021 sang từ 30/4/2022, để các tổ chức thành viên tham gia BHTG có thể tập trung vào việc cung cấp dịch vụ phục vụ khách hàng. Tổng công ty BHTG Đài Loan đã điều chỉnh phí BHTG giảm 3% đối với các ngân hàng nội địa hoạt động hiệu quả nhất và giảm 5% đối với các hiệp hội ngư nghiệp và nông nghiệp.
53% tổ chức tham gia khảo sát cho biết đã thực hiện đánh giá hoặc lên kế hoạch đánh giá các hoạt động quản lý khủng hoảng hiện có và/ hoặc lập kế hoạch dự phòng dựa trên kinh nghiệm ứng phó với khủng hoảng COVID-19. Điều này cho thấy sự linh hoạt được các tổ chức BHTG trong việc ứng phó với các hệ lụy của đại dịch.
Đáng chú ý, Tổng công ty BHTG Hàn Quốc (KDIC) đã cập nhật kế hoạch dự phòng thông qua việc bổ sung kịch bản ứng phó khủng hoảng trong điều kiện đại dịch lan rộng. Ngoài ra, KDIC còn thực hiện các bài tập mô phỏng ứng phó khủng hoảng với mục đích tăng cường năng lực xử lý theo trật tự và hiệu quả.
Hơn 30% phản hồi từ các tổ chức BHTG cho biết họ đã có thể đánh giá đầy đủ hiệu quả của các biện pháp hỗ trợ được thực hiện nhằm duy trì niềm tin vào hệ thống tài chính, hay xác định được biện pháp hỗ trợ nào mang lại hiệu quả nhất. Trong khi đó, khoảng 70% tổ chức BHTG tham gia khảo sát cho rằng chưa thể xác định được biện pháp hỗ trợ nào được các tổ chức nhận tiền gửi mong muốn đón nhận nhất. Điều này cho thấy chưa thể đánh giá hoàn toàn hiệu quả của các biện pháp hỗ trợ trong bối cảnh đại dịch tiếp tục gây ra những cú sốc cho hệ thống tài chính toàn cầu.
Trong đại dịch, một số chỉ số cốt lõi về bảo hiểm tiền gửi cũng có xu hướng thay đổi. 79% tổ chức tham gia trả lời khảo sát ghi nhận xu hướng tăng trưởng trong tổng số dư tiền gửi và tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm. Trong khi đó, hạn mức bảo hiểm tiền gửi hầu như không thay đổi (chỉ có 1 tổ chức cho biết có tăng hạn mức, chiếm 3% tổng số tổ chức tham gia khảo sát). Tuy nhiên nguyên nhân của những diễn biến này (sự gia tăng số dư tiền gửi được bảo hiểm và/hoặc những thay đổi về tính toán phí bảo hiểm hoặc quy mô quỹ mục tiêu) vẫn chưa được xác định rõ ràng.
Dù đại dịch gây ra tình thế căng thẳng ở nhiều nước, song không có sự gia tăng trên diện rộng về đổ vỡ ngân hàng. 84% tổ chức tham gia khảo sát cho biết không có sự thay đổi về số lượng các ngân hàng bị đổ vỡ xảy ra tại quốc gia đó.
Một số lượng đáng kể các tổ chức trả lời khảo sát (39%) cho rằng các biện pháp thực hiện trong giai đoạn diễn ra đại dịch COVID-19 có khả năng vẫn được áp dụng sau đại dịch. Phần lớn ý kiến liên quan đến biện pháp tăng cường áp dụng kỹ thuật số đối với các hoạt động BHTG, bao gồm hoạt động chi trả hoặc làm việc từ xa. Điển hình, Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Indonesia cho biết sẽ sử dụng hệ thống kênh thanh toán cho các quy trình chi trả trong tương lai. Các tổ chức BHTG cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của lập kế hoạch dự phòng và kiểm tra sức chịu đựng để ứng phó với các cuộc khủng hoảng và cú sốc tài chính trong tương lai. Ngoài ra, các biện pháp khác cũng được khuyến nghị đó là tăng cường hoạt động phát hiện rủi ro sớm và kiểm tra sức chịu đựng, hỗ trợ vốn dự phòng và kiểm soát rủi ro liên quan đến sự gia tăng tiền gửi như diễn biến tại một số quốc gia.
Các biện pháp hỗ trợ trong giai đoạn đại dịch COVID-19 của một số tổ chức BHTG trên thế giới
Tên tổ chức |
Các biện pháp hỗ trợ |
Tổng công ty BHTG Đài Loan (CDIC Đài Loan) |
- CDIC Đài Loan đã ban hành Biện pháp thực hiện khấu trừ phí BHTG tạm thời cho các ngân hàng nội địa có hoạt động kinh doanh tốt nhất đã tham gia vào Chương trình cho vay cứu trợ. Tổng số tiền trích cho Chương trình này khoảng 10 triệu USD, chiếm khoảng 3% phí BHTG phải trả của các ngân hàng trong nước trong năm 2020 và thực hiện hai kỳ liên tiếp trong thời gian một năm (giai đoạn 2020-2021) . - CDIC Đài Loan cũng ban hành Biện pháp thực hiện khấu trừ phí BHTG tạm thời cho tất cả các phòng tín dụng của các hiệp hội nông ngư nghiệp. Tổng số tiền khấu trừ khoảng 0,5 triệu USD, chiếm khoảng 5% phí bảo hiểm tiền gửi phải nộp năm 2021 và thực hiện hai kỳ liên tiếp trong năm 2021. |
Tổng công ty BHTG Indonesia (IDIC) |
- Sử dụng hệ thống kênh thanh toán cho các mục đích chi trả. - Hoãn thu tiền phạt do vi phạm nộp phí BHTG - Điều chỉnh nghĩa vụ nộp báo cáo - Nới lỏng việc phạt nộp phí BHTG trễ hạn |
Tổng công ty BHTG Kenya (KDIC-Kenya) |
- Nâng hạn mức BHTG lên 500.000 KSH từ 100.000 KSH - Hoãn thời hạn nộp phí bảo hiểm 6 tháng để tạo điều kiện cho các tổ chức thành viên do tác động của các thành viên do đại dịch COVID-19 gây ra. - Hoãn việc triển khai hệ thống phí phân biệt sẽ có hiệu lực vào tháng 7 năm 2020 đến tháng 7 năm 2021. |
Tổng công ty BHTG Hàn Quốc (KDIC) |
- Theo kế hoạch dự phòng, KDIC đã thành lập Đơn vị Ứng phó Thị trường Tài chính hoạt động dưới sự lãnh đạo của Phó Tổng giám đốc để nâng cao mức báo động và đảm bảo việc giám sát rủi ro liên tục và mạnh mẽ hơn. - Các cuộc họp của Đơn vị phản ứng thị trường tài chính được tổ chức thường xuyên để thảo luận về tác động của COVID-19 và theo dõi diễn biến trên thị trường tài chính hàng ngày. - Cập nhật kế hoạch dự phòng - Tăng cường thực hiện các bài tập mô phỏng khủng hoảng |
Tổng công ty BHTG Philippines (PDIC) |
- Áp dụng hình thức xử lý yêu cầu chi trả đặc biệt: người gửi tiền có thể nộp yêu cầu chi trả thêm thông qua email, dịch vụ chuyển phát nhanh; bổ sung thêm các hình thức thanh toán chi trả qua các kênh khác như Đại lý Thanh toán, Thẻ tiền mặt… - Gia hạn thêm 60 ngày thời hạn nộp hồ sơ yêu cầu bảo hiểm tiền gửi theo luật định đối với các ngân hàng bị đóng cửa từ 2018-2020 - Gia hạn việc nộp đơn kiện của các chủ nợ đối với tài sản của 2 ngân hàng đã đóng cửa trong quý đầu tiên của năm 2020 - Thực hiện kiểm tra ngân hàng từ xa thay cho kiểm tra tại chỗ |
Nguồn: Kết quả khảo sát của IADI về tác động của Đại dịch COVID-19 đối với bảo hiểm tiền gửi (2021)
BHTGVN đảm bảo hoạt động hiệu quả và sẵn sàng ứng phó với đại dịch
Đại dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp trên phạm vi toàn thế giới, gây nhiều tác động tiêu cực chưa từng có tiền lệ lên nền kinh tế thế giới và Việt Nam. Trong đó, ngành ngân hàng cũng chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Với mục tiêu hoạt động nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền và góp phần ổn định hệ thống các tổ chức tín dụng và đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có thể xem xét một số biện pháp phù hợp với từng hoàn cảnh.
Một là, tăng cường theo dõi và giám sát hoạt động của các tổ chức tham gia BHTG, xây dựng kịch bản ứng phó đại dịch và giám sát chi trả trong trường hợp có phát sinh chi trả trong thời gian diễn ra đại dịch;
Hai là, nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt nghiên cứu các hình thức xử lý yêu cầu chi trả đặc biệt như yêu cầu qua mail, website, tổng đài và chi trả qua séc, chuyển khoản, thẻ tiền mặt…;
Ba là, xem xét áp dụng các biện pháp hỗ trợ tổ chức tham gia BHTG như: gia hạn thời gian nộp báo cáo của các tổ chức tín dụng, nới lỏng việc phạt nộp phí BHTG trễ hạn trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp;
Bốn là, xây dựng kế hoạch dự phòng và quản lý khủng hoảng chi tiết, tăng cường thực hiện các bài tập mô phỏng chi trả, mô phỏng khủng hoảng để sẵn sàng ứng phó với các cú sốc lớn xảy ra đột ngột;
Năm là, tối ưu hóa các biện pháp làm việc từ xa để duy trì hoạt động thường xuyên trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Phòng NCTH&HTQT
Nguồn: Kết quả khảo sát của IADI về tác động của Đại dịch COVID-19 đối với bảo hiểm tiền gửi năm 2021