Tín dụng BĐS chủ yếu đáp ứng nhu cầu để ở của người dân
Cùng với những diễn biến thuận lợi của nền kinh tế vĩ mô và tháo gỡ của Chính phủ, thị trường bất động sản trong năm 2015 đã có những khởi sắc, dư nợ tín dụng ĐTKDBĐS đến 31/12/2015 tăng 25% so với đầu năm. Thị trường bất động sản từ đầu năm 2016 tới nay tiếp tục đà phục hồi, ổn định. Lượng tồn kho giảm nhưng tốc độ giảm đã chậm lại, giá nhà nhìn chung không có nhiều biến động so với năm 2015.
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến 31/8/2016 dư nợ cho vay ĐTKDBĐS tăng 6,73% so với cuối năm 2015, thấp hơn 2,94% so với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung (9,67%), thấp hơn 6,33% so với cùng kỳ năm ngoái (13,06%), chiếm tỷ trọng 8,21% dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế. Dư nợ cho vay ĐTKDBĐS 8 tháng đầu năm 2016 vẫn tăng nhưng tốc độ tăng chậm lại so năm 2015, chủ yếu đáp ứng nhu cầu để ở của người dân, cụ thể: (i) phân khúc xây dựng, sửa chữa, mua nhà để ở kết hợp với cho thuê chiếm tỷ trọng 33,74%, (ii) xây dựng khu đô thị 19,6%.
Có thể nói, xu hướng dư nợ đối với các nhu cầu vay vốn đầu tư, kinh doanh bất động sản phù hợp với diễn biến của thị trường bất động sản hiện nay; đặc biệt là cơ cấu thị trường nhà ở đã chuyển dịch theo nhu cầu thực của khách hàng. Theo đó, dư nợ cho vay xây dựng, sửa chữa, mua nhà để ở, cho vay xây dựng khu đô thị có xu hướng tăng nhanh hơn so với các nhu cầu vốn khác; đồng thời cho vay xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất giảm mạnh. Tốc độ tăng trưởng tín dụng ĐTKDBĐS vẫn tăng nhưng chậm lại so với năm 2015 và vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Tỷ trọng cho vay ĐTKDBĐS so với tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế vẫn ổn định như các năm trước đây.
Rủi ro cho vay lĩnh vực ĐTKDBĐS trong tầm kiểm soát
NHNN đã thực hiện nhiều chính sách nhằm ổn định và phát triển thị trường bất động sản lành mạnh. Cụ thể, để đảm bảo tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, bền vững và giảm thiểu rủi ro trong việc cho vay BĐS, NHNN đã có Công văn 5492/NHNN-TD ngày 21/7/2015 và 6981/NHNN-TTGSNH ngày 14/9/2015 chỉ đạo các TCTD tiếp tục thực hiện các biện pháp tăng cường kiểm soát rủi ro cho vay trong các lĩnh vực ĐTKDBĐS, các dự án BOT, BT giao thông, trong đó yêu cầu các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tăng cường kiểm soát rủi ro cho vay đối với lĩnh vực ĐTKDBĐS, cụ thể: (i) Hạn chế và kiểm soát chặt chẽ mức độ tập trung tín dụng, hạn mức tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, dự án thu hồi vốn thời gian dài...; (ii) Hạn chế cho vay đối với các dự án BĐS khởi công mới, dự án BĐS có quy mô lớn, dự án BĐS cao cấp, cao ốc, văn phòng có hiệu quả thấp, tiềm ẩn rủi ro hoặc có mục đích đầu cơ BĐS, ưu tiên nguồn vốn đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở của người dân, đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại đáp ứng nhu cầu về nhà ở của đối tượng có thu nhập thấp, trung bình, các dự án bất động sản dở dang có khả năng tiêu thụ tốt, có hiệu quả; (iii) Thận trọng khi xem xét, thẩm định hồ sơ vay vốn của khách hàng và quyết định cho vay trên nguyên tắc đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn vốn vay và hiệu quả kinh tế; thường xuyên rà soát, đánh giá và theo dõi kiểm tra chặt chẽ khách hàng vay vốn, khoản tín dụng và tài sản bảo đảm để có biện pháp xử lý thích hợp; nâng cao hiệu quả quản trị rủi ro, theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ trước, trong và sau khi cho vay.
Ngoài ra, tại Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 23/02/2016 về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2016 và Chỉ thị 04/CT-NHNN ngày 27/05/2016, NHNN cũng chỉ đạo các TCTD tăng cường kiểm soát đối với lĩnh vực đầu tư và kinh doanh BĐS.
Ngày 27/5/2016, NHNN đã ban hành Thông tư 06/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ an toàn trong hoạt động của các TCTD, trong đó chính thức công bố việc tăng hệ số rủi ro cho vay bất động sản (từ 150% lên 200%) và giảm nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn.
Theo TS. Cấn Văn Lực - Cố vấn cao cấp Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Trường đào tạo cán bộ BIDV, việc kiểm soát cho vay kinh doanh BĐS trong bối cảnh hiện nay là hợp lý, đặc biệt là đối với một số phân khúc như phân khúc cao cấp, resort, biệt thự nghỉ dưỡng. “ Việc đẩy hệ số rủi ro lên mức 200% cũng phù hợp yêu cầu về kiểm soát cho vay BĐS thời gian tới. Tuy nhiên, việc kiểm soát cần có lộ trình, đồng thời khi quy định bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2017, hệ thống ngân hàng và các doanh nghiệp BĐS sẽ có gần một năm để điều chỉnh” - TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Hiện nay, NHNN đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ và tăng cường thanh tra, giám sát tín dụng đối với lĩnh vực BĐS để có chỉ đạo kịp thời nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả và phù hợp với chủ trương của Chính phủ.
Tháng 10 vừa qua, NHNN đã phát đi thông điệp về hạn chế cho vay BĐS, nhất là đối với các dự án ở phân khúc cao cấp. Theo Văn bản số 7586/NHNN-TD của NHNN gửi các NHTM yêu cầu tăng cường kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng BĐS, tình hình cho vay BĐS đến ngày 31/7/2016 cho thấy mức độ tập trung tín dụng vào lĩnh vực BĐS của ngànhngân hàng là rất lớn.
Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, giảm thiểu rủi ro khi cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS, NHNN yêu cầu các ngân hàng kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực này, đặc biệt là đầu tư kinh doanh BĐS; rà soát việc cấp tín dụng đối với một số chủ đầu tư lớn và tránh tập trung tín dụng để giảm thiểu rủi ro. NHNN cũng đề nghị các ngân hàng cần hạn chế và thận trọng khi xem xét thẩm định, quyết định cho vay các dự án mới, đặc biệt là các dự án nhà ở thương mại cao cấp và các khu nghỉ dưỡng có khả năng thanh khoản thấp.