Đó là một trong những nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về các nhiệm vụ trọng tâm trong điều hành tháng 8 và những tháng cuối năm 2023 khi chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2023.
Kinh tế đã hồi phục với một số kết quả tích cực
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ nhận định dù có rất nhiều khó khăn, song tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.
Cụ thể, lạm phát tiếp tục xu hướng giảm dần, chỉ số CPI bình quân 7 tháng tăng 3,12% so với cùng kỳ (6 tháng tăng 3,29%; 5 tháng tăng 3,55%; 4 tháng tăng 3,84%; 3 tháng tăng 4,18%; 2 tháng tăng 4,6% ,và tháng 1 tăng 4,89%). Tình hình thị trường tiền tệ, chứng khoán cơ bản ổn định, có xu hướng phục hồi tích cực, mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm; các ngành, lĩnh vực chủ yếu phục hồi tốt; vốn đầu tư đạt kết quả tích cực.
Tình hình phát triển doanh nghiệp tích cực hơn. Tháng 7 có 13.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 4,3% về số doanh nghiệp và tăng 2,4% về vốn đăng ký so cùng kỳ. Tính chung 7 tháng có 131.900 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, cao hơn số rút lui khỏi thị trường là 113.300 doanh nghiệp… Đặt trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới thì đây là những kết quả tích cực.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, khó khăn, thách thức phải đối mặt, xử lý, trong đó nổi lên là: Ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, lạm phát có xu hướng giảm nhưng vẫn chịu nhiều sức ép.
Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng cao, tăng trưởng tín dụng thấp, sức hấp thụ vốn nền kinh tế yếu. Điều hành chính sách tiền tệ khó khăn trong bối cảnh nhiều nước tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ; khu vực doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, nhất là về đơn hàng sụt giảm; công nghiệp phục hồi chậm.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn nhiều khó khăn, vướng mắc; đời sống một bộ phận người dân khó khăn…
Tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, đẩy mạnh triển khai gói 120 nghìn tỷ đồng
Trong phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, những hạn chế và khó khăn có nguyên nhân khách quan là tình hình thế giới phức tạp, khó lường, cầu tiêu dùng còn yếu, hàng rào bảo hộ gia tăng, lạm phát vẫn neo ở mức cao và nhiều quốc gia tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt (Fed, ECB tiếp tục tăng lãi suất), xuất hiện một số rủi ro, thách thức mới về an ninh lương thực, giá dầu tăng mức cao nhất kể từ tháng 4/2023…
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, nguyên nhân chủ quan là một số bộ, ngành, địa phương còn thiếu chủ động, quyết liệt, phối hợp chưa chặt chẽ, hiệu quả trong triển khai, thực hiện chức năng, nhiệm vụ; việc lắng nghe, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiêp chưa thật sự quyết liệt, kịp thời, thực chất, hiệu quả.
Sau khi phân tích tình hình trong nước, khu vực và quốc tế, Thủ tướng đã nhấn mạnh cần kiên định, kiên trì, tập trung thực hiện mục tiêu tổng quát đã đặt ra, tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn, kiểm soát nợ công, nợ Chính phủ, bội chi. Cũng theo Thủ tướng, trong 6 tháng cuối năm, phải đạt tăng trưởng khoảng 9%. Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi tất cả các cấp, các ngành phải nỗ lực rất lớn.
Về trọng tâm chỉ đạo điều hành tháng 8 và những tháng cuối năm 2023, Thủ tướng đặc biệt lưu ý 6 nội dung, giải pháp lớn:
Đảm bảo và cân bằng, hài hòa, hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá;
Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, nhất là ba động lực: tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu;
Chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, tiếp tục có những giải pháp phù hợp, hạ lãi suất, nhất là lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ, giãn hoãn nợ, tăng tín dụng và tăng cung tiền phù hợp;
Chính sách tài khóa mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm, tiếp tục giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, đẩy nhanh hoàn thuế, giải ngân đầu tư công;
Đảm bảo an ninh tiền tệ, tài chính quốc gia;
Rút ngắn quy trình, thủ tục, xây dựng thể chế cũng như các văn bản quy định pháp luật.
Thủ tướng chỉ đạo NHNN chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục điều hành chủ động, kịp thời, linh hoạt, sáng tạo, trọng tâm, trọng điểm, phù hợp, hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách khác để thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; giữ ổn định thị trường ngoại tệ, điều hành tỷ giá phù hợp tình hình.
Triển khai kịp thời, có hiệu quả chính sách giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ vay; chỉ đạo điều hành quyết liệt để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay, tăng cung tiền, tăng tín dụng phù hợp gắn với nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng, tập trung cho sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu.
Điều hành tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và động lực tăng trưởng gắn với bảo đảm chất lượng tín dụng, an toàn hệ thống. Phối hợp với Bộ Xây dựng đẩy mạnh triển khai thực hiện gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, bảo đảm kịp thời, thuận lợi, thông thoáng, linh hoạt, khả thi; định kỳ hằng quý báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ưu tiên hơn cho thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, sinh kế cho người dân gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Tập trung nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế, quyết liệt đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, phân cấp, phân quyền, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh chuyển đổi số phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, triển khai Đề án 06.
PV