Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, ông Đoàn Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (NHNN) cho biết, hai Thông tư được ban hành để tạo lập khuôn khổ pháp lý mới về cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính đối với khách hàng nhằm đơn giản hóa thủ tục cho vay, đảm bảo minh bạch trong hoạt động cho vay và bảo vệ quyền lợi của khách hàng vay.
Vậy những quy định mới nào được xem là điểm nhấn của các thông tư này, thưa ông?
Các quy định của Thông tư 39, Thông tư 43 có khá nhiều thay đổi quan trọng. Một trong những thay đổi quan trọng đó là 2 thông tư đã đơn giản hóa một số hồ sơ, thủ tục cho vay như: bỏ giấy đề nghị vay vốn của khách hàng tại hồ sơ đề nghị vay vốn; đơn giản hóa yêu cầu về phương án sử dụng vốn vay trong hoạt động cho vay phục vụ đời sống...
Bên cạnh đó, để đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động cho vay, bảo vệ quyền lợi của người vay, Thông tư 39, Thông tư 43 có quy định cụ thể về trách nhiệm của TCTD khi thực hiện hoạt động cho vay. Cụ thể:
Thứ nhất, Thông tư 39 yêu cầu TCTD phải cung cấp cho khách hàng đầy đủ các thông tin quan trọng ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng trước khi xác lập thỏa thuận cho vay, như: Lãi suất cho vay; nguyên tắc và các yếu tố xác định, thời điểm xác định lãi suất cho vay đối với trường hợp áp dụng lãi suất cho vay có điều chỉnh; lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn; lãi suất áp dụng đối với lãi chậm trả; phương pháp tính lãi tiền vay; loại phí và mức phí áp dụng đối với khoản vay; các tiêu chí xác định khách hàng vay vốn theo lãi suất cho vay. Quy định này nhằm bảo đảm khách hàng có đủ thông tín chính xác về chi phí vay vốn.
Thứ hai, thỏa thuận cho vay giữa TCTD và khách hàng phải có nội dung thỏa thuận về mức lãi suất cho vay và phương pháp tính lãi đối với khoản vay. Trường hợp mức lãi suất cho vay không quy đổi theo tỷ lệ %/năm và/hoặc không áp dụng phương pháp tính lãi theo số dư nợ cho vay thực tế, thời gian duy trì số dư nợ gốc thực tế đó, thì trong thỏa thuận cho vay phải có nội dung về mức lãi suất quy đổi theo tỷ lệ %/năm (1 năm là 365 ngày) tính theo số dư nợ cho vay thực tế và thời gian duy trì số dư nợ cho vay thực tế đó.
Thứ ba, trường hợp áp dụng lãi suất cho vay điều chỉnh, TCTD và khách hàng phải thỏa thuận nguyên tắc và các yếu tố để xác định lãi suất điều chỉnh, thời điểm điều chỉnh lãi suất cho vay. Trường hợp căn cứ các yếu tố để xác định lãi suất điều chỉnh dẫn đến có nhiều mức lãi suất cho vay khác, thì TCTD áp dụng mức lãi suất cho vay thấp nhất.
Riêng lãi suất cho vay tiêu dùng, Thông tư 43 quy định công ty tài chính ban hành quy định về khung lãi suất cho vay tiêu dùng áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống trong từng thời kỳ, trong đó bao gồm mức lãi suất cho vay cao nhất, mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng.
Ngoài ra, TCTD phải thông báo cho khách hàng về việc chuyển nợ quá hạn đối với nợ gốc. Nội dung thông báo tối thiểu gồm: số dư nợ gốc bị quá hạn, thời điểm chuyển quá hạn, lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn.
Đồng thời, khi thực hiện quyền chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn theo thỏa thuận, TCTD phải thông báo cho khách hàng về việc chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn với nội dung thời điểm chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn, số dư nợ gốc bị thu hồi trước hạn; thời hạn hoàn trả số nợ gốc này, thời điểm chuyển nợ quá hạn và lãi suất áp dụng…
Thứ tư, để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của khách hàng vay, Thông tư 39 quy định rõ trường hợp sử dụng hợp đồng theo mẫu hoặc điều kiện giao dịch chung trong giao kết thỏa thuận cho vay, TCTD phải niêm yết công khai hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung về cho vay tại trụ sở và đăng tải trên trang thông tin điện tử của TCTD; Cung cấp đầy đủ thông tin về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung cho khách hàng biết trước khi ký kết thỏa thuận cho vay và có xác nhận của khách hàng về việc đã được TCTD cung cấp đầy đủ thông tin.
Thứ năm, đối với hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính tiêu dùng, Thông tư 43 quy định một số nội dung tối thiểu phải có trong quy định nội bộ về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, trong đó phải có nội dung về biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng và quy định của pháp luật, thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 21 giờ và không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng…
Đổi mới trong tiếp cận vốn cho nền kinh tế đang rất được dư luận quan tâm và Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo. Vậy hai thông tư này sẽ khắc phục bất cập hiện nay như thế nào?
Thời gian vừa qua, NHNN đã chủ động rà soát, bãi bỏ, đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính nhằm cắt giảm chi phí tuân thủ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của TCTD, cải thiện khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, NHNN cũng chú trọng việc rà soát, phát hiện và xử lý kịp thời các bất cập nảy sinh trong quá trình thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về ngân hàng, nhằm tạo lập khuôn khổ pháp lý minh bạch, phù hợp cho hoạt động ngân hàng. Việc ban hành 2 Thông tư 39, 43 vừa qua là ví dụ cụ thể.
Các quy định tại hai thông tư này đã khắc phục khá nhiều vướng mắc, bật cấp nảy sinh trong hoạt động cho vay của TCTD, chú trọng quyền tự chủ trong hoạt động của TCTD, đồng thời với việc nâng cao yêu cầu minh bạch hóa, bảo đảm an toàn cho hoạt động cho vay của TCTD. Cụ thể:
Đầu tiên, về mục đích vay vốn, theo Quy chế cho vay tại Quyết định số 1627/2001/QĐ- NHNN (Quy chế cho vay 1627), mục đích vay vốn là nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đầu tư và đời sống.
Nay Thông tư 39 không giới hạn mục đích vay vốn như quy chế cũ mà chia nhu cầu vay vốn thành 02 nhóm: (i) Cho vay phục vụ nhu cầu đời sống; và (ii) Cho vay phục vụ hoạt động kinh doanh, hoạt động khác. Từ đó, Thông tư 39 cũng bổ sung các quy định áp dụng riêng phù hợp với đặc điểm riêng của từng mảng cho vay này (như phương án sử dụng vốn, phương thức cho vay, thời hạn cho vay, lưu giữ hồ sơ).
Hai là, về những nhu cầu vốn không được cho vay, Thông tư 39 đã bỏ quy định về đảo nợ tại Quy chế cho vay 1627 và quy định cụ thể một số nhu cầu vốn không được cho vay nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, nhưng vẫn đảm bảo phù hợp với thực tiễn như: Không cho phép cho vay để trả nợ khoản nợ vay tại chính TCTD cho vay, trừ trường hợp cho vay để thanh toán lãi tiền vay phát sinh trong quá trình thi công xây dựng công trình, mà chi phí lãi tiền vay được tính trong dự toán xây dựng công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật; Hay không được cho vay để trả nợ khoản nợ vay tại TCTD khác, trả nợ khoản vay nước ngoài, trừ trường hợp cho vay để trả nợ trước hạn khoản vay đáp ứng đầy đủ 03 điều kiện sau: (i) Là khoản vay phục vụ hoạt động kinh doanh; (ii) Thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn cho vay còn lại của khoản vay cũ; (iii) Là khoản vay chưa thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Ba là, về phương thức cho vay, Thông tư 39 đã bổ sung một số phương thức cho vay cho phù hợp với thực tế hoạt động tín dụng (như cho vay quay vòng, cho vay tuần hoàn, cho vay lưu vụ).
Trong đó, một số phương thức cho vay được quy định chặt chẽ và có điều kiện áp dụng, như Phương thức cho vay tuần hoàn, chỉ áp dụng đối với khoản vay ngắn hạn và khách hàng không có phát sinh nợ xấu...
Thông tư 39 cũng chỉnh sửa quy định về một số phương thức cho vay cho phù hợp với nhu cầu quản lý Nhà nước: như cho vay thấu chi tài khoản thanh toán để thực hiện các dịch vụ thanh toán trên tài khoản; bổ sung thời hạn hiệu lực của hạn mức cho vay dự phòng (không quá 1 năm) đối với phương thức cho vay theo hạn mức cho vay dự phòng...
Bốn là, đối với khoản nợ vay bị quá hạn trả nợ, TCTD thực hiện theo thứ tự nợ gốc thu trước, nợ lãi tiền vay thu sau. Đối với chuyển nợ quá hạn, theo Quy chế cho vay 1627, đối với khoản nợ vay không trả nợ đúng hạn, được TCTD đánh giá là không có khả năng trả nợ đúng hạn và không chấp thuận cho cơ cấu lại thời hạn trả nợ, thì toàn bộ số dư nợ gốc của hợp đồng tín dụng đó là nợ quá hạn.
Tuy nhiên, Thông tư 39 quy định TCTD chỉ chuyển nợ quá hạn đối với số dư nợ gốc mà khách hàng không trả được nợ đúng hạn theo thỏa thuận và không được TCTD chấp thuận cơ cấu lại thời hạn trả nợ...
Hiện dư luận khá lo lắng khi hai thông tư loại bỏ hộ gia đình khỏi đối tượng được vay vốn, ông có thể giải thích gì về điều này?
Thông tư 39 và Thông tư 43 của NHNN được ban hành là để cụ thể hóa và thực hiện các quy định của Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS 2015). Quy định về chủ thể tham gia quan hệ dân sự (bao gồm cả hợp đồng vay vốn) chỉ bao gồm cá nhân, pháp nhân đã được quy định rất rõ tại BLDS 2015 và quy định này đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/ 2017.
Vì vậy, quy định về khách hàng vay vốn tại Thông tư 39 cũng phải bảo đảm phù hợp với BLDS 2015.Việc TCTD tiếp tục ký hợp đồng cho vay với hộ gia đình, hộ kinh doanh và các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân sẽ tiềm ẩn rủi ro cho TCTD cho vay vì có thể bị tuyên vô hiệu hợp đồng do bên vay không đủ tư cách chủ thể.
Một số ý kiến có đặt vấn đề rằng hiện nay, nhiều hộ kinh doanh nếu không chuyển đổi thành DN sẽ không thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng. Và nếu muốn, các chủ hộ phải vay với tư cách cá nhân.
Tôi cũng muốn khẳng định lại là theo quy định tại BLDS 2015, từ 01/01/2017, hộ kinh doanh không còn đủ tư cách là chủ thể để ký kết tất cả các loại hợp đồng, không chỉ riêng đối với hợp đồng tín dụng ngân hàng.Thông tư 39 không có bất kỳ quy định nào buộc hộ kinh doanh phải thành lập doanh nghiệp để vay vốn.
Việc vay vốn ngân hàng phục vụ nhu cầu vốn kinh doanh của hộ kinh doanh sẽ được phải thực hiện theo tư cách cá nhân của chủ hộ. Thông tư 39 đã có quy định này.
Xin cảm ơn ông!