Có thể thấy, vai trò và vị thế của BHTGVN ngày càng được nâng cao thông qua việc tham gia sâu hơn vào quá trình xử lý các TCTD được KSĐB nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, hỗ trợ các TCTD yếu kém thực hiện cơ cấu lại, góp phần bảo đảm an toàn hệ thống tài chính ngân hàng.
Sau khi Luật Các TCTD 2017 có hiệu lực thi hành, BHTGVN đã nhận được một số văn bản đề nghị góp ý kiến đối với phương án phục hồiQTDND được KSĐB theo yêu cầu của Ban KSĐB. Trong đó, BHTGVN tham gia ý kiến đối với phương án phục hồi QTDND được KSĐB gồm các nội dung:
(i) Phương án tăng vốn điều lệ và thời hạn thực hiện phương án tăng vốn điều lệ trong các trường hợp: giá trị thực của vốn điều lệ thấp hơn vốn pháp định; tỷ lệ an toàn vốn dưới mức quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN); theo yêu cầu của NHNN để bảo đảm an toàn hoạt động của TCTD;
(ii) Phương án hoạt động kinh doanh trong giai đoạn phục hồi;
(iii) Phương án cơ cấu tổ chức, quản trị, điều hành;
(iv) Phương án xử lý tồn tại, yếu kém về tài chính, nợ xấu, tài sản bảo đảm và các biện pháp khắc phục các vi phạm pháp luật;
(v) Phương án chi trả theo lộ trình đối với tiền gửi của khách hàng là pháp nhân, tiền gửi, tiền vay của TCTD khác; phương án xử lý khoản vay đặc biệt đã vay, bao gồm cả khoản vay đặc biệt quy định tại khoản 3 Điều 145a của Luật này;
(vi) Biện pháp hỗ trợ quy định tại Điều 148b của Luật Các TCTD năm 2017 cần áp dụng;
(vii) Lộ trình, thời hạn thực hiện phương án phục hồi.
Trong quá trình tham gia ý kiến đánh giá tính khả thi phương án phục hồi QTDND được KSĐB, BHTGVN gặp một số khó khăn, hạn chế như sau:
- Về cơ sở pháp lý, NHNN chưa ban hành văn bản, nội dung hướng dẫn Luật Các TCTD năm 2017 về nội dung BHTGVN tham gia đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi QTDND, TCTCVM, CTTC được KSĐB. Đồng thời, chưa có quy định cụ thể về cơ sở, tiêu chí, phương pháp đánh giá phương án phục hồi như thế nào là khả thi. Vì vậy, việc tham gia đánh giá chỉ dựa trên tình hình thực tế của các TCTD được KSĐB, không có cơ sở pháp lý rõ ràng. Riêng CTTC không phải là tổ chức tham gia BHTG nên BHTGVN không có thông tin về tổ chức, tình hình hoạt động để có cơ sở thực hiện đánh giá.
- Về hồ sơ, tài liệu và thông tin để đánh giá: Trên thực tế, BHTGVN chỉ được tiếp cận một phần các thông tin về thực trạng, việc xử lý hiện tại tại các QTDND được KSĐB thông qua các văn bản được chia sẻ từ NHNN, Ban KSĐB. Ngoài ra, các thông tin mà BHTGVN nhận được về đánh giá thực trạng QTDND được KSĐB làm cơ sở cho việc thực hiện đánh giá tính khả thi phương án phục hồi, hiện đang do chính QTDND thực hiện, chưa được kiểm tra, rà soát độc lập bởi bên thứ ba nên chưa đảm bảo tính khách quan, chính xác.
Bên cạnh đó, BHTGVN phối hợp với Ban KSĐB thực hiện đánh giá tính khả thi phương án phục hồi QTDND được KSĐB nên BHTGVN phụ thuộc rất nhiều vào đơn vị đầu mối là Ban KSĐB. Trong một số trường hợp, cán bộ BHTGVN tham gia Ban KSĐB QTDND không được nhận thông tin đầy đủ; không được tham gia ý kiến hoặc triệu tập họp, nên việc tham gia đánh giá còn nhiều hạn chế.
- Đây là hoạt động nghiệp vụ mới của BHTGVN nên cũng có những khó khăn, hạn chế nhất định về nguồn nhân lực; kinh nghiệm và trình độ chuyên môn của cán bộ BHTGVN khi tham gia đánh giá tính khả thi phương án phục hồi QTDND được KSĐB.
Để BHTGVN tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu các TCTD yếu kém theo chỉ đạo của NHNN, BHTGVN đã chủ động xây dựng các nhóm giải pháp cụ thể để từng bước nâng cao hoạt động tham gia vào xử lý TCTD yếu kém nói chung và công tác tham gia đánh giá tính khả thi phương án phục hồi QTDND, TCTCVM, CTTC được KSĐB trong thời gian tới. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, về văn bản quản trị điều hành, BHTGVN đã ban hành Quy chế tham gia đánh giá tính khả thi của PAPHQTDND, TCTCVM, CTTC được KSĐB, thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị, quy định các nội dung cơ bản về nguyên tắc; thẩm quyền quyết định kết quả tham gia đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi; văn bản, tài liệu làm cơ sở đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi; nội dung và phạm vi đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi; quy trình đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi; trách nhiệm của các đơn vị tại BHTGVN tham gia đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi. Đây là cơ sở, căn cứ để cán bộ BHTGVN thực hiện đánh giá tính khả thi phương án phục hồi QTDND, TCTCVM, CTTC được KSĐB và đề xuất phương án xử lý theo yêu cầu của Ban KSĐB; đồng thời, giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình tham gia.
Thứ hai, về đào tạo nguồn nhân lực, BHTGVN đã tổ chức và hoàn thành Đề án đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ BHTGVN tham gia KSĐB TCTD giai đoạn 2019-2021. Đây là Đề án đầu tiên của BHTGVN, bao gồm 05 khóa đào tạo (03 khóa cơ bản và 02 khóa nâng cao) được xây dựng có hệ thống, với đội ngũ giảng viên là các thành viên Ban lãnh đạo BHTGVN, đại diện lãnh đạo NHNN, NHNN Chi nhánh thành phố Hà Nội và các cá nhân, đơn vị liên quan. Khóa học giúp trang bị thêm kiến thức chuyên sâu về nghiệp vụ và các kỹ năng mềm cho hơn 300 lượt học viên tại BHTGVN tham gia công tác KSĐB Luật Các TCTD năm 2017.
Thứ ba, về cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin, BHTGVN đã chủ động xây dựng và ban hành Khung Quy chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa Chi nhánh BHTGVN và NHNN Chi nhánh tỉnh, thành phố và đã thực hiện ký Quy chế làm việc, trao đổi thông tin với 45/57 Chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố có QTDND hoạt động trên địa bàn theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN. Đây là cơ sở để BHTGVN tăng cường phối hợp, tiếp nhận, trao đổi, chia sẻ thông tin với NHNN Chi nhánh tỉnh, thành phố và Ban KSĐB trong việc xử lý các TCTD được KSĐB nói chung, tham gia đánh giá tính khả thi phương án phục hồi QTDND, TCTCVM, CTTC được KSĐB nói riêng.
Thứ tư, tiếp tục nghiên cứu sửa Luật Bảo hiểm tiền gửi trong giai đoạn 2021-2025 theo hướng hoàn thiện chính sách BHTG phù hợp với thông lệ quốc tế; bổ sung cơ chế để BHTGVN nâng cao năng lực tài chính, tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu các TCTD. Phấn đấu để BHTGVN thực sự trở thành công cụ hữu hiệu của Chính phủ, NHNN trong xử lý các TCTD yếu kém theo chỉ đạo của NHNN.
Với những nhóm giải pháp cơ bản trên và dưới sự chỉ đạo sát sao của Ban lãnh đạo BHTGVN, sự quyết tâm của tập thể cán bộ BHTGVN, BHTGVN tiếp tục cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong năm 2022 để tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu các TCTD yếu kém.