Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, từ nay đến cuối năm 2020, các ngân hàng phải tăng vốn tự có dự kiến gấp 1,8 - 2 lần so với thời điểm hiện tại mới có thể đáp ứng quy định của Basel II, nhất là khối các ngân hàng thương mại nhà nước. Tốc độ tăng vốn tự có của các tổ chức tín dụng chậm hơn nhiều so với tốc độ tăng của tổng tài sản theo thống kê của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia.
Do đó, để có đủ nguồn lực mở rộng hoạt động kinh doanh và đảm bảo an toàn thì việc tìm cách tăng vốn điều lệ là điều cấp thiết và phải làm. Năm 2017, tốc độ tăng vốn tự có của các tổ chức tín dụng chậm hơn so với tốc độ tăng của tổng tài sản.
Cụ thể, tổng tài sản quy đổi hệ số rủi ro tăng 9,3% trong khi vốn tự có của các tổ chức tín dụng chỉ ước tăng 4,6%. Vì vậy, áp lực tăng vốn của nhà băng sẽ cao hơn trong năm 2018, nhất là khi thời hạn áp dụng Basel II đến gần. VPBank là ngân hàng “mở màn” cho việc trình cổ đông kế hoạch tăng vốn trong năm nay. Trong đó, Đại hội đồng cổ đông của VPBank ngày 19/3/2018 đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 15.706 tỷ đồng lên 27.000 tỷ đồng, tức tăng thêm 72% so với hiện nay. Đại hội đồng cổ đông năm 2018 của VIB và MB đều đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ thêm lần lượt 43,5% và 19%.
Nếu kế hoạch phát hành thành công, vốn điều lệ của VIB sẽ tăng lên 8.100 tỷ đồng, còn MB sẽ đạt 21.600 tỷ đồng. Trong mùa đại hội năm nay, LienVietPostBank xin cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ mức gần 7.500 tỷ đồng hiện tại lên hơn 10.368 tỷ đồng, tức tăng hơn 38%, thông qua việc phát hành thêm hơn 286 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và cán bộ nhân viên.
TPBank đã thông qua kế hoạch nâng vốn điều lệ từ 5.842 tỷ đồng lên 8.533 tỷ đồng trong năm nay. HDBank cũng đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 22%, lên 11.972 tỷ đồng bằng phát hành cổ phiếu thưởng và phát hành cổ phiếu ESOP cho người lao động. SCB, VietBank, OCB, ACB cũng đã có phương án tăng vốn. Mức tăng vốn điều lệ lần lượt của các ngân hàng này là 16%, 31%, 50% và 16%.
Đại hội đồng cổ đông của NamA Bank cũng thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng, từ mức 3.021 tỷ đồng hiện nay. Vậy với việc tăng vốn, nguồn tiền từ đâu trong bối cảnh nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tại nhiều tổ chức tín dụng phần lớn đã dứt áo ra đi, nhà đầu tư trong nước buộc phải có nguồn tiền thực? Để đáp ứng các yêu cầu về tăng vốn điều lệ nhằm cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR), theo các chuyên gian năm 2018 áp lực này sẽ dâng cao khi Thông tư 41/2016/TT-NHNN chính thức có hiệu lực. Vậy đâu là những khó khăn thách thức của ngành ngân hàng trước áp lực này.
Thời gian qua, nhiều ngân hàng đã tăng mạnh vốn tự có bằng nhiều biện pháp khác nhau như phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn dài để tăng vốn cấp 2, không chia cổ tức để bổ sung vốn tự có hoặc tăng vốn điều lệ theo hai hình thức phổ biến là trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Ngoài ra, một số ngân hàng cũng xây dựng kế hoạch tăng vốn cấp 2 thông qua phát hành các trái phiếu dài hạn. Phương án tăng vốn của các ngân hàng hiện nay chủ yếu vẫn thông qua 3 kênh: Giữ lại lợi nhuận; phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu; phát hành cổ phiếu cho cổ đông tiềm năng.
Ngoài ra, sáp nhập cũng được coi là một trong những phương án để ngân hàng tăng vốn. Tuy nhiên, đây sẽ là phương án cuối cùng, bất đắc dĩ lắm các ông chủ ngân hàng mới phải sáp nhập. Trong một thời gian dài, thị trường chứng khoán khởi sắc, hoạt động ngân hàng dần trở lại, các nhà băng đã xử lý được nhiều vấn đề tồn đọng về nợ xấu, tái cơ cấu… nên việc tăng vốn có thể thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, nhiều cổ phiếu ngân hàng tăng cao thời gian qua và đang giảm sâu cùng đà lao dốc của chỉ số chứng khoán lại là một thách thức mới trong bài toán tăng vốn của các ngân hàng. Nếu cung cổ phiếu ngân hàng phát hành ra thị trường quá lớn trong năm nay do nhu cầu tăng vốn thì việc cung áp đảo cầu, khiến giá giảm là khó tránh. Điều này khiến kỳ vọng tăng vốn của các ngân hàng vẫn khó được cải thiện.
Ông Võ Trí Thành - chuyên gia kinh tế nhận định: "Trong bối cảnh Việt Nam đang phải cải tổ, lành mạnh hoá hệ thống ngân hàng theo thông lệ của thế giới thì đến năm 2020 cần hoàn thành cơ bản chuẩn Basel II. So với hệ tiêu chí Basel II thì hệ số CAR của ngân hàng Việt Nam còn một khoảng cách khá xa nữa mới đáp ứng được". Theo các chuyên gia, thực tế đã chứng minh, chuẩn mực Basel II là giải pháp tối ưu để các ngân hàng thương mại trụ vững trước những biến động khó lường của thị trường tài chính.
Với Basel II, mọi rủi ro đều phải được lượng hóa bằng con số cụ thể và con số này sẽ chỉ ra rằng ngân hàng cần bao nhiêu vốn để có thể bù đắp rủi ro. Do vậy, năm 2018 sẽ là năm bản lề để các ngân hàng thương mại có lộ trình rõ ràng đáp ứng các yêu cầu về chuẩn theo qui định của ngân hàng nhà nước và chuẩn Basel II./.