Bà Nguyễn Thị Hiền Thu, Giám đốc điều hành Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, DN đang xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang thị trường Nga, Belarus, Trung Đông. Nếu tỷ giá tăng DN sẽ có lợi do nguồn thu bằng USD, trong khi hoạt động thu mua nguyên liệu nông sản chế biến hàng xuất khẩu lại thanh toán bằng VND. Tuy nhiên, DN cũng đồng thời nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng đưa vào hệ thống siêu thị để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước thì tỷ giá tăng lại không có lợi.
Hàng năm Hapro phải ký kết các hợp đồng nhập khẩu hàng hóa ngay từ những tháng đầu năm để không bị ảnh hưởng trong các đợt biến động tỷ giá. Bên cạnh đó DN cũng chủ động nguồn hàng trong nước như một cách giảm thiểu rủi ro tỷ giá khi không phải sử dụng nhiều USD thanh toán. Bà Hiền cho rằng, những DN chưa có kinh nghiệm ứng phó với tỷ giá cũng nên trao đổi với những DN đã có kinh nghiệm để hiệu quả kinh doanh đạt kết quả tốt hơn.
Có cái nhìn lạc quan về tỷ giá, ông Hoàng Minh Chiến, Giám đốc CTCP Dệt sợi Đức Hoàng, cho rằng nếu mỗi năm tỷ giá tăng từ 1-2% thì tác động không đáng kể đối với DN, do giá trị đồng Việt Nam hiện nay tương đối ổn định. Theo đó, mỗi hợp đồng thanh toán của đối tác nước ngoài sau khi DN nhận USD nên quy đổi sang VND sẽ có lợi hơn.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, cho rằng tỷ giá tăng hỗ trợ cho các DN xuất khẩu, nhưng việc nhập hàng hoá, nguyên liệu sẽ không có lợi khi thanh toán bằng USD. Do vậy, việc biến động tỷ giá có thể chưa ảnh hưởng ngay đến DN nhưng sẽ có tác động nếu tiếp tục kéo dài. Thế nên, mỗi DN cần có kế hoạch lâu dài.
Diễn biến tỷ giá VND/USD trong tháng 1/2018 ổn định, khi tỷ giá trung tâm tiếp tục được NHNN điều hành linh hoạt quanh mức 22.426 đồng/USD, các NHTM cũng niêm yết giá mua bán USD khá ổn định. Diễn biến này được các nhà chuyên môn dự báo sẽ tiếp tục ổn định trong năm nay, nếu không có những biến động lớn trên thị trường quốc tế.
Có một yếu tố rất quan trọng giúp tỷ giá VND/USD ổn định trong suốt thời gian qua là chính sách lãi suất tiền gửi USD trong hệ thống ngân hàng được duy trì ở mức 0%. Trong khi lãi suất tiền gửi VND hiện ở mức 6-7% đối với các kỳ hạn trên 6 tháng, nên thời gian qua đã có một lượng ngoại tệ rất lớn của các tổ chức kinh tế và cá nhân chuyển đổi sang VND.
Khi niềm tin tỷ giá ổn định trong năm 2018 càng được củng cố thì các chuyên gia tài chính cho rằng yếu tố Fed (Cục Dự trữ Liên bang Mỹ) tăng lãi suất cơ bản đồng USD cũng không làm cho tỷ giá biến động quá lớn. Ông Vũ Minh Nam - Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, nếu so với mặt bằng chung của các đồng tiền trong khu vực, tiền đồng có sự cải thiện qua từng năm. Đồng quan điểm, TS. Bùi Quang Tín - Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, nếu Fed tăng lãi suất trong năm 2018 có thể ảnh hưởng đến tiền đồng nhưng tác động là không lớn, do lượng ngoại tệ đang khá dồi dào.
Số liệu ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2017 tổng lượng kiều hối về Việt Nam đạt khoảng 13,8 tỷ USD, tăng 16% so với năm trước đó và đạt mức cao nhất trong vòng 5 năm qua. Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục kiên định mục tiêu chống đô-la hóa, bằng việc hạn chế cho vay ngoại tệ, chỉ cấp tín dụng ngoại tệ cho các nhu cầu thiết yếu và các nhà xuất khẩu có nguồn thu USD cam kết bán lại cho ngân hàng. Tất cả những yếu tố đó sẽ hỗ trợ tỷ giá năm 2018 tiếp tục ổn định và có hỗ trợ cho xuất khẩu.
Với diễn biến thuận lợi về tỷ giá, dự báo môi trường kinh doanh sẽ tiếp tục được cải thiện dựa trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định. Các DN sẽ có cơ hội chủ động trong các kế hoạch kinh doanh. Cùng với đó là sự chuyển động của nền kinh tế gắn với đa dạng hóa của các DN thông qua thị trường vốn ổn định là một tín hiệu tích cực đối với nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh.