Khác với tiền tệ thông thường, tiền ảo không do ngân hàng trung ương phát hành nên nằm ngoài phạm vi quản lý của chính phủ các nước.
Sự phát triển của tiền ảo
Một trong những đồng tiền ảo đầu tiên và phổ biến nhất là Bitcoin, ra đời năm 2009, mở đầu cho xu hướng phát triển tiền ảo trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu 2008- 2009. Tiếp theo đó là sự xuất hiện của đồng Litecoin năm 2011, Ripple năm 2012, Dash năm 2014, Ethereum năm 2015… và rất nhiều tiền ảo khác nhau với sự phát triển chóng mặt.
Trong đó chiếm ưu thế lớn nhất vẫn là đồng Bitcoin. Giá trị vốn hóa thị trường đã tăng gần 97 lần trong 5 năm qua, từ 1,7 tỷ USD năm 2013 (chiếm khoảng 93% thị phần) lên 164,1 tỷ USD (chiếm khoảng 36,2% thị phần) tính đến ngày 06/5/2018, với mức giá 9.643,28 USD/đồng. Tiếp theo đó là đồng Ethereum với mức giá vốn hóa tăng từ 2% thị phần năm 2015 lên 17,2%, tương đương 78 tỷ USD tính đến ngày 06/5/2018, với mức giá 785,84 USD/đồng. Đồng Ripple hiện đứng thứ 3 với giá trị vốn hóa về giá trị vốn hóa thị trường là hơn 34 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 7,5% thị phần tính đến 06/5/2018.
Những ẩn họa của tiền ảo
Khó sử dụng: Để có thể đầu tư vào lĩnh vực tiền ảo cần phải có những am hiểu nhất định để tham gia vào lĩnh vực này. Đối với những người mù tịt về công nghệ thì không thể tham gia vào tiền ảo. Nếu không am hiểu, nguy cơ bị lừa đảo là rất cao.
Rủi ro lỗ cao: Vì tiền ảo không được kiểm soát, không có bảo đảm hoặc tài sản đảm bảo nào được cung cấp bởi bất kỳ chính phủ hoặc tổ chức nào, do đó khoản đầu tư của bạn vào tiền ảo có thể thua lỗ bất cứ lúc nào, nếu các quy định bất lợi cho tiền ảo có hiệu lực.
Không được bồi thường, bảo hiểm: Không giống như tiền tệ thông thường, bạn sẽ không thể tìm kiếm sự bồi thường cho bất kỳ thiệt hại phát sinh nếu tiền ảo biến mất, sập sàn giao dịch hoặc bị coi là bất hợp pháp.
Biến động về giá quá lớn: Tổng cung tiền ảo tuân theo một lộ trình xác định trước với một lượng tiền nhất định (hầu hết các hệ thống tiền mã hóa hiện nay bao gồm cả Bitcoin đều giới hạn về số đơn vị tiền tệ cuối cùng có thể được phát hành), kết quả là giá trị đồng tiền ảo có thể biến động đáng kể qua thời gian do sự tác động của cầu hay các động cơ đầu tư, tương tự như giá vàng. Biến động giá quá lớn của các loại đồng tiền ảo hạn chế khả năng đóng vai trò như phương tiện cất trữ đáng tin cậy. Hơn nữa, giá cả của các đồng tiền ảo cũng như sự biến động giá của các đồng tiền này dường như không liên quan đến các yếu tố kinh tế hoặc tài chính, điều này làm cho sự biến động giá của các đồng tiền ảo càng trở nên khó lường, khó dự báo và phòng ngừa.
Trở thành phương tiện cho hoạt động rửa tiền và tài trợ khủng bố: Khả năng truy xuất nguồn gốc của giao dịch tiền ảo bị giới hạn do tính ẩn danh của người sử dụng và nhà cung cấp dịch vụ. Do vậy, một rủi ro từ cơ chế tiền ảo đó là đồng tiền này thường được sử dụng để che giấu nguồn tiền bất hợp pháp hoặc mục đích sử dụng của nguồn tiền, tạo điều kiện cho rửa tiền, tài trợ khủng bố, trốn thuế.
Thách thức đối với việc bảo vệ người tiêu dùng: Tiền ảo được phát hành bởi tư nhân, do vậy tiền ảo không được đảm bảo bởi bất kỳ quốc gia hay cơ quan chính phủ nào. Bên cạnh đó, các đơn vị trung gian và nhà cung cấp dịch vụ tiền ảo (bao gồm sàn giao dịch, ví điện tử, trung gian thanh toán và môi giới) hầu hết chưa bị quản lý. Điều này đặt cơ chế tiền ảo trước rủi ro gián đoạn hay tê liệt hệ thống dẫn đến thiệt hại cho nhà đầu tư. Ngoài ra, chủ sở hữu tiền ảo dễ bị lừa hoặc đánh cắp dữ liệu trong các chương trình đầu tư gian lận.
Thách thức với ổn định tài chính: Hiện tại chưa có rủi ro lớn đối với ổn định tài chính do quy mô tiền ảo còn nhỏ và mối liên hệ với hệ thống tài chính còn hạn chế. Tuy nhiên, nhiều bằng chứng cho thấy tiền ảo mang đến rủi ro cho nhà đầu tư. Thực tế thị trường tiền ảo đã nhiều lần bị gián đoạn do một số sàn giao dịch Bitcoin bị phá sản (sàn Youbit của Hàn Quốc, sàn Mt.Gox của Nhật). Ngoài ra, hệ thống ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng nhiều về mặt doanh thu từ dịch vụ thanh toán nếu thị trường tiền ảo phát triển.
Thách thức với chính sách tiền tệ: Nếu không kiểm soát được khối lượng tiền tệ qua tiền ảo thì nền tài chính sẽ đi vào khủng hoảng, không kiểm soát được, ảnh hưởng đến lạm phát.
Chính phủ một số nước siết chặt quản lý đối với tiền ảo
Sau vụ tấn công và đánh cắp số tiền ảo trị giá 530 triệu USD từ 1 sàn giao dịch vào cuối tháng 1/2018, Chính phủ Nhật Bản đã bắt đầu siết chặt quản lý các sàn tiền ảo tại nước này, tiến hành phạt hành chính các sàn giao dịch tiền ảo có sai sót và yêu cầu các sàn tăng cường quản lý nội bộ, tiếp tục cải thiện hệ thống vận hành.
Ngày 22/1/2018, Chính phủ Hàn Quốc đã tăng thuế các sàn tiền ảo lên mức 24,2% và siết chặt quản lý tiền ảo, chỉ cho phép những tài khoản ngân hàng sử dụng tên thật được tiến hành giao dịch tiền ảo.
Tháng 9/2017, Chính phủ Trung Quốc đưa ra lệnh cấm ICO (hình thức kêu gọi vốn đầu tư trong các dự án tiền điện tử kỹ thuật số). Tiếp đó, Bắc Kinh yêu cầu các mining pool Bitcoin (mỏ đào Bitcoin) phải dừng hoạt động. Sau đó, Trung Quốc còn xây dựng tường lửa nhằm ngăn cản không cho trader (những người tham gia giao dịch) và nhà đầu tư nội địa truy cập vào các trang web giao dịch tiền ảo quốc tế.
Ngày 5/4/2018, Ấn Độ cấm các tổ chức tài chính ở nước này giao dịch tiền ảo, thường xuyên cảnh báo người dân không tiến hành đầu tư, giao dịch tiền ảo do nhiều rủi ro mà chúng có thể mang lại, đồng thời khẳng định sẽ không chấp nhận tiền ảo là tiền tệ hợp pháp.
Ngày 6/4/2018, Ngân hàng nhà nước Pakistan cũng yêu cầu các cá nhân, tổ chức tài chính ngưng các dịch vụ đối với các khách hàng muốn giao dịch tiền ảo. Ngân hàng nhà nước Pakistan xem giao dịch tiền ảo là hành vi bất hợp pháp vì ngân hàng này chưa cấp phép phát hành hay mua bán tiền ảo cho bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào ở Pakistan. Ngân hàng nhà nước Pakistan lưu ý những người sử dụng tiền ảo để chuyển tiền ra nước ngoài sẽ bị truy tố.
Hiện nay, Việt Nam đã có những quy định pháp lý về việc sử dụng tiền ảo. Cụ thể: Về chế tài xử lý vi phạm, theo quy định tại khoản 6 Điều 27 Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức phạt tiền từ 150 triệu đến 200 triệu đồng.
Đồng thời, từ ngày 01/01/2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Việc theo dõi diễn biến tình hình tiền ảo tại Việt Nam, tuyên truyền cảnh báo đưa ra các rủi ro về tiền ảo với người dân là rất cần thiết. Mặt khác, người dân nên tỉnh táo lựa chọn phương thức đầu tư an toàn.