Thân thế, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ngày 19/5/1890 trong một gia đình nhà nho yêu nước, tại làng Hoàng Trù, xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, nay thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Lúc nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung, lớn lên đi học lấy tên Nguyễn Tất Thành, hoạt động cách mạng lấy tên là Nguyễn Ái Quốc. Thân phụ là cụ Nguyễn Sinh sắc, thân mẫu là cụ Hoàng Thị Loan.
Lúc nhỏ Nguyễn Sinh Cung sống cùng gia đình, năm 1895 Nguyễn Sinh Cung theo gia đình vào sống ở Huế. Đầu năm 1901, sau khi thân mẫu qua đời, Người theo cha trở về Nghệ An, rồi lấy tên là Nguyễn Tất Thành. Năm 1906, Nguyễn Tất Thành theo cha vào Huế, thời gian đầu học trường Pháp - Việt, sau học trường Quốc học Huế. Tháng 6/1909, Nguyễn Tất Thành theo cha vào Bình Định, tháng 8/1910 vào Phan Thiết, Bình Thuận làm giáo viên trường Dục Thanh.
Tháng 2/1911, Nguyễn Tất Thành vào Sài Gòn. Ngày 5/6/1911, với tên gọi mới là Văn Ba, Người đã lên tàu Amiran Latusơ Tơrêvin, rời bến cảng Nhà Rồng đi Mác -xây (Pháp). Nguyễn Tất Thành đi qua một số nước châu Phi, châu Mỹ. Đầu năm 1919, Nguyễn Tất Thành tham gia Đảng Xã hội Pháp. Tháng 6/1919, Nguyễn Tất Thành thay mặt Hội những người yêu nước Việt Nam tại Pháp gửi bản yêu sách gồm 08 điểm (ký tên Nguyễn Ái Quốc) tới Hội nghị các nước đế quốc họp ở Véc-xây, đòi chính phủ các nước họp Hội nghị phải thừa nhận các quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam.
Tháng 12/1920, Nguyễn Ái Quốc tham gia Đại hội Đảng Xã hội Pháp. Tại đây, Người đã bỏ phiếu tán thành Quốc tế III và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp, trở thành người Cộng sản đầu tiên của Việt Nam.
Từ năm 1921 đến tháng 6/1923, Nguyễn Ái Quốc tham gia nhiều hoạt động: Thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa, dự Đại hội lần thứ I và lần thứ II của Đảng Cộng sản Pháp, sinh hoạt trong Câu lạc bộ Phôbua, làm Chủ nhiệm kiêm chủ bút Báo Người cùng khổ...
Ngày 13/6/1923, Người rời nước Pháp đi Đức và đến thành phố Xanh-pê-téc-bua (Liên Xô). Từ tháng 7/1923 đến tháng 10/1924, Nguyễn Ái Quốc tham gia Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản và được chỉ định là cán bộ Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản.
Tháng 11/1924, Nguyễn Ái Quốc rời Liên Xô về Quảng Châu (Trung Quốc). Tháng 6/1925, Người thành lập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, trực tiếp mở các lớp huấn luyện cán bộ, ra Báo Thanh niên (1925)- tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam. Các bài giảng của Nguyễn Ái Quốc được tập hợp và in thành tác phẩm Đường Cách mệnh, được xuất bản vào năm 1927.
Hè năm 1927, Nguyễn Ái Quốc rời Trung Quốc đi qua nhiều nước: Liên Xô, Đức, Pháp, Bỉ, Thụy Sỹ, Italia, Thái Lan, rồi trở lại Trung Quốc vào cuối năm 1929.
Từ ngày 6/1 đến ngày 7/2/1930 tại Hương Cảng, Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tháng 6/1931, Người bị nhà cầm quyền Anh bắt giam ở Hồng Kông. Cuối năm 1932, Người được trả tự do, sau đó đến Liên Xô học tại trường Quốc tế Lê-nin.
Tháng 10/1938, Người rời Liên Xô đến Diên An (Trung Quốc) làm việc tại Bộ chỉ huy Bát lộ quân, sau đó bắt liên lạc với tổ chức Đảng, chuẩn bị về nước trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam.
Ngày 28/1/1941, sau hơn 30 năm xa Tổ quốc, Nguyễn Ái Quốc trở về nước (tại cột mốc 108 thuộc xã Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng).
Tháng 8/1942, lấy tên là Hồ Chí Minh, Người bị chính quyền địa phương của Tưởng Giới Thạch bắt giam trong các nhà lao của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Trong thời gian bị giam giữ, Người viết cuốn Nhật ký trong tù. Tháng 9/1943, Người được thả tự do.
Tháng 9/1944, Hồ Chí Minh trở về căn cứ Cao Bằng. Tháng 12/1944, Hồ Chí Minh chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tháng 5/1945, Hồ Chí Minh từ Cao Bằng về Tân Trào (Tuyên Quang). Tại đây, Hội nghị toàn quốc của Đảng và Đại hội Quốc dân đã họp quyết định Tổng khởi nghĩa. Đại hội Quốc dân đã bầu ra Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời) do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Tháng 8/1945, Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi.
Ngày 02/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Người đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Những năm 1945 - 1946, Người cùng Trung ương Đảng lãnh đạo nhân dân xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, đối phó với thù trong, giặc ngoài, đưa cách mạng Việt Nam vượt qua tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”; tổ chức Tổng tuyển cử trong cả nước, bầu Quốc hội và thông qua Hiến pháp dân chủ đầu tiên của Việt Nam. Quốc hội khóa I (1946) đã bầu Người làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ngày 3/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh được Quốc hội giao nhiệm vụ thành lập Chính phủ mới do Người làm Chủ tịch nước kiêm Thủ tướng Chính phủ (từ tháng 11/1946 đến tháng 9/1955) và kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
Đại hội lần thứ II của Đảng (1951), Người được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã giành thắng lợi vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954.
Tháng 10/1956, tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ X (khóa II), Chủ tịch Hồ Chí Minh được cử giữ chức Chủ tịch Đảng.
Tại Đại hội lần thứ III của Đảng (1960), Người được bầu lại làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Quốc hội khóa II, khóa III bầu Người làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Cùng với Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra đường lối, lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc thắng lợi.
Ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Đây là tổn thất vô cùng lớn lao đối với Đảng và dân tộc Việt Nam. Đồng bào và chiến sĩ cả nước ta thương nhớ Người khôn xiết. Sự ra đi của Người để lại muôn vàn tình thương yêu cho toàn Đảng, toàn dân tộc Việt Nam và tình đoàn kết thân ái với nhân dân tiến bộ trên thế giới[1].
Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại Đảng bộ BHTGVN
Đảng ủy Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) xác định việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng Đảng. Vì vậy, Đảng ủy BHTGVN đã chú trọng đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Qua đó, giúp cho cán bộ, đảng viên, người lao động nhận thức sâu sắc nội dung, đồng thời hiểu rõ trách nhiệm, nghĩa vụ học tập, làm theo và nêu gương về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh toàn diện.
Đồng thời, Đảng ủy đã đề ra những giải pháp để nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng, ý thức tổ chức kỷ luật, tính tiên phong, gương mẫu, năng lực công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ BHTGVN. Đó là những yếu tố thuận lợi tác động tốt đến công tác tư tưởng của Đảng bộ BHTGVN.
Để phát huy tinh thần ấy, Đảng ủy BHTGVN đã ban hành Kế hoạch số 557-KH/ĐU, ngày 09/9/2021 về Học tập Chuyên đề toàn khóa “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.
Trong những năm qua, Đảng ủy BHTGVN đã tập trung quán triệt cho cán bộ, đảng viên hiểu rõ hơn quan điểm chỉ đạo của Đảng về phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Đồng thời chỉ rõ: “Động lực và nguồn động lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.
Cấp ủy các cấp và tổ chức đoàn thể đã nghiêm túc triển khai, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05- CT/TW, Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị…Bên cạnh đó, gắn kết chặt chẽ với thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương trong phát triển đơn vị, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh xây dựng chỉnh đốn Đảng; nhiệm vụ chính trị trọng tâm các năm; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng... ; qua đó góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của BHTGVN.
Phạm Thanh Bình - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy BHTGVN
Trích Đề cương tuyên truyền - Ban Tuyên giáo Trung ương
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, tập 1, tr.109
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, tập 1, tr.34