Xây dựng Chiến lược phát triển BHTG
Quyền và nghĩa vụ đầu tiên của BHTGVN được quy định trong Luật BHTG là xây dựng Chiến lược phát triển BHTG để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN) trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc xây dựng Chiến lược đối vớí tổ chức. Chiến lược phát triển được coi như kim chỉ nam phát triển chính sách BHTG và BHTGVN trong từng thời kỳ. Dựa trên việc xác định các mục tiêu phát triển trong ngắn hạn, dài hạn và đánh giá thực trạng hoạt động của tổ chức, Chiến lược đề xuất những giải pháp và lộ trình cụ thể phù hợp theo từng giai đoạn. Năm 2021, BHTGVN đã hoàn thiện Dự thảo Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp của NHNNVN và các Bộ, Ngành, đơn vị khác có liên quan. Hiện Dự thảo đã được NHNNVN trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Xây dựng các đề án nghiên cứu đề xuất chính sách BHTG
Nhận thấy sự cần thiết của việc điều chỉnh chính sách BHTG để phù hợp với tình hình kinh tế xã hội trong từng giai đoạn hoặc tiến tới phù hợp với thông lệ quốc tế, BHTGVN xây dựng các Đề án nghiên cứu đề xuất chính sách BHTG. Các đề án này là cơ sở quan trọng để các nhà hoạch định chính sách ra quyết định thay đổi chính sách BHTG phù hợp với từng thời kỳ. Đến nay, BHTGVN đã xây dựng hai Đề án Hạn mức trả tiền bảo hiểm báo cáo NHNNVN (năm 2016 và năm 2020). Đây chính là cơ sở quan trọng để NHNNVN trình Chính phủ phương án điều chỉnh hạn mức trả tiền bảo hiểm lên mức 75 triệu đồng kể từ ngày 05/8/2017 theo Quyết định số 21/2017/QĐ-TTg ngày 15/6/2017 và 125 triệu đồng kể từ ngày 12/12/2021 theo Quyết định số 32/2021/QĐ-TTg ngày 20/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Căn cứ để BHTGVN đề xuất điều chỉnh hạn mức trả tiền bảo hiểm là: phù hợp với năng lực tài chính của tổ chức BHTG, hướng tới bảo vệ toàn bộ đối với 90-95% người gửi tiền được bảo hiểm theo thông lệ quốc tế, và phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam, tương xứng với thu nhập và tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người.
Nghiên cứu đề xuất, sửa đổi, bổ sung Luật BHTG
Việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật BHTG là một trong những nhiệm vụ quan trọng của BHTGVN, theo đó BHTGVN đã chủ động nghiên cứu, tổng kết thi hành Luật BHTG, xây dựng nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHTG để BHTGVN tham gia có hiệu quả vào quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém theo quy định lại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD. Bên cạnh đó, BHTGVN cũng nghiên cứu và xây dựng Bộ tài liệu tham khảo gồm Luật và các văn bản pháp luật của các tổ chức BHTG trên thế giới phục vụ quá trình sửa đổi Luật BHTG.
Thực hiện các đề tài nghiên cứu ứng dụng các cấp
Hàng năm, BHTGVN đã chủ động đăng ký, đề xuất các đề tài cấp ngành ngân hàng và tham gia thực hiện đề tài cấp Nhà nước. Đến nay, BHTGVN đã tham gia thực hiện thành công 01 đề tài cấp Nhà nước và chủ trì thực hiện 06 đề tài cấp ngành. Bên cạnh đó, BHTGVN tích cực triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu ứng dụng cấp cơ sở của BHTGVN. Từ năm 2010 đến nay, BHTGVN đã triển khai 40 đề tài nghiên cứu ứng dụng cấp cơ sở và áp dụng các kết quả nghiên cứu của đề tài một cách hiệu quả. Các đề tài nghiên cứu ứng dụng của BHTGVN luôn chú trọng tìm hiểu, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế tốt nhất, đối chiếu, so sánh với thực tế Việt Nam để từ đó rút ra những bài học đối với Việt Nam và có những đề xuất chính sách phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Nhờ vậy, các đề tài nghiên cứu ứng dụng đã được các hội đồng nghiệm thu đề tài đánh giá cao về khả năng áp dụng thực tế, kết quả thực hiện đề tài đã góp phần quan trọng trong cải tiến, nâng cao chất lượng các hoạt động nghiệp vụ của BHTGVN và làm cơ sở cho những đề xuất nhằm hoàn thiện, điều chỉnh chính sách BHTG.
Bên cạnh hoạt động nghiên cứu trong nước, để nâng cao vị thế của Việt Nam trong cộng đồng các tổ chức bảo hiểm tiền gửi quốc tế, BHTGVN đã tích cực tham gia các hoạt động nghiên cứu chung và khảo sát của Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI) và Ủy ban châu Á – Thái Bình Dương (APRC).
Xây dựng báo cáo định kỳ và báo cáo nhanh về tình hình kinh tế vĩ mô, tài chính ngân hàng, BHTG
Nhằm đề xuất các chính sách kinh tế, tài chính, bảo hiểm tiền gửi phù hợp, BHTGVN xây dựng báo cáo nghiên cứu về tình hình kinh tế vĩ mô, tài chính ngân hàng và bảo hiểm tiền gửi định kỳ hàng tháng, quý, năm. Kết quả nghiên cứu của các báo cáo là cơ sở quan trọng để BHTGVN kịp thời nắm bắt tình hình kinh tế, tài chính ngân hàng, từ đó đưa ra những đề xuất chính sách phù hợp. Các báo cáo được gửi đến ban lãnh đạo và tất cả các phòng ban của BHTGVN. Nội dung báo cáo được đánh giá cao và phục vụ tốt công tác nghiên cứu, quản trị, điều hành của BHTGVN.
Bên cạnh những báo cáo định kỳ, BHTGVN thực hiện các báo cáo nhanh khi phát sinh sự kiện kinh tế, tài chính trong và ngoài nước có khả năng ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam, hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam hoặc BHTGVN. Ngoài việc tổng hợp tin tức, báo cáo đưa ra những phân tích chuyên sâu và đánh giá mức độ tác động của các sự kiện đó đến nền kinh tế, hệ thống tài chính ngân hàng hoặc hệ thống bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Từ đó, lãnh đạo BHTGVN có thể nắm bắt kịp thời tình hình và đưa ra những quyết định hay đề xuất, kiến nghị kịp thời với NHNNVN.
Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về BHTG
Ngoài các nghiên cứu chung về hệ thống BHTG của các quốc gia trên thế giới, BHTGVN thực hiện nhiều nghiên cứu chi tiết về chính sách BHTG như vấn đề hạn mức, phí BHTG, việc thiết lập quỹ mục tiêu, cơ chế BHTG xuyên biên giới...và nghiệp vụ BHTG như giám sát, kiểm tra, xử lý, chi trả BHTG. Nguồn tài liệu chính được sử dụng bao gồm Bộ nguyên tắc phát triển hệ thống BHTG hiệu quả và các hướng dẫn nâng cao của Hiệp hội BHTG quốc tế.
BHTGVN cũng nghiên cứu thực trạng hoạt động tại các tổ chức BHTG tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…và học hỏi kinh nghiệm các tổ chức BHTG tại các quốc gia có nền kinh tế tương đồng với Việt Nam như Indonesia, Malaysia, Philippines... thông qua các hình thức như khảo sát, tham gia hội thảo, hội nghị quốc tế, báo cáo thường niên hoặc tài liệu nghiên cứu của các tổ chức đó. Các nghiên cứu này là nguồn tài liệu quan trọng giúp BHTGVN có những đề xuất chính sách phù hợp và giúp nâng cao, cải tiến các hoạt động nghiệp vụ, hướng đến phát triển tổ chức hoạt động phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời, là cơ sở đưa ra những đề xuất trình sửa đổi, bổ sung Luật BHTG.
Định kỳ, BHTGVN đã thực hiện một số hoạt động nghiên cứu khác được đánh giá cao như: xây dựng báo cáo thường niên hàng năm nhằm tổng kết đánh giá tình hình hoạt động của BHTGVN; thực hiện Đánh giá tuân thủ Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả của Hiệp hội bảo hiểm tiền gửi quốc tế và các nội dung liên quan phục vụ cho Chương trình hỗ trợ kĩ thuật tự đánh giá (SATAP) để đưa ra các khuyến nghị, đề xuất với Chính phủ, NHNNVN nhằm củng cố chính sách BHTG cũng như hoạt động của tổ chức BHTG.
Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và hoạt động nghiệp vụ hướng tới thông lệ quốc tế
Trong thời gian tới, công tác nghiên cứu cần tập trung nâng cao hiệu quả các hoạt động nghiệp vụ, thực hiện chính sách BHTG phù hợp với Luật BHTG, Luật Các TCTD và các văn bản pháp luật liên quan về BHTG, dần tiến tới hoạt động phù hợp với thông lệ quốc tế; nâng cao chất lượng các đề xuất, góp ý hoàn thiện chính sách BHTG và các chính sách tài chính - tiền tệ khác. Để đạt được mục tiêu nói trên, cần thực hiện một số biện pháp như:
Thứ nhất, chủ động nghiên cứu về các vấn đề mới như quản lý khủng hoảng, tác động và ứng dụng của fintech, chuyển đổi số đối với hoạt động BHTG…, từ đó đề xuất chính sách BHTG thay đổi phù hợp từng giai đoạn phát triển.
Thứ hai, đa dạng hóa nguồn tài liệu nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất cho toàn hệ thống BHTGVN.
Thứ ba, khuyến khích cán bộ tham gia thực hiện các đề tài, viết bài nghiên cứu, tham dự các hội thảo khoa học về các vấn đề có liên quan như kinh tế vĩ mô, tài chính ngân hàng, BHTG; phổ biến kết quả của công tác nghiên cứu thông qua các tọa đàm, khóa đào tạo nâng cao nghiệp vụ chuyên ngành cho cán bộ BHTGVN.
Thứ tư, tăng cường hợp tác, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với các tổ chức BHTG quốc tế; tích cực tham gia vào các hoạt động nghiên cứu, khảo sát của IADI, APRC; chủ động tổ chức các tọa đàm, hội thảo quốc tế trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực BHTG.