Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, hệ thống tài chính – ngân hàng nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ khi xuất hiện ngày càng nhiều ngân hàng nội địa, ngân hàng nước ngoài, các tổ chức tài chính vi mô…. Cùng với đó, các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng cũng ngày càng trở nên phức tạp hơn, mà ngay cả những người có nền tảng kiến thức tài chính cũng gặp khó khăn trong việc nắm bắt hay cập nhật. Trong khi đó, bên cạnh hoạt động tín dụng chính thức thì “tín dụng đen” cũng xuất hiện, gây mất lòng tin của người gửi tiền.
Mức độ hiểu biết tài chính tại Việt Nam còn thấp
Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank, 2014), Việt Nam hiện là 1 trong 25 quốc gia có đến 75% dân số không được tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng – tài chính chính thức và chưa có hiểu biết về tài chính. Theo kết quả khảo sát 140 quốc gia của S&P Global Finlit Survey (năm 2014), Việt Nam nằm trong nhóm những quốc gia có tỉ lệ người trưởng thành hiểu biết về tài chính thấp nhất (24%), thấp hơn các nước trong khu vực như Thái Lan (27%), Indonesia (32%), Malaysia (36%), Myanmar (52%), Singapore (59%)…
Kết quả khảo sát của Ngân hàng Nhà nước (năm 2015) cho thấy chỉ có 51% người được khảo sát đã từng nghe và hiểu về các khoản vay cá nhân.
Điều đó cho thấy sự quan tâm và trình độ hiểu biết tài chính của đại đa số người dân Việt Nam hiện nay còn thấp. Người dân có những khoản tiết kiệm cũng như các khoản đầu tư khác nhưng chưa có kế hoạch chi tiết, cụ thể, hợp lý và cũng không xác định được mức độ rủi ro trong đầu tư của mình. Đặc biệt, đối với người dân ở nông thôn, vùng núi, vùng sâu vùng xa có rất ít kiến thức tài chính; thậm chí, họ chưa từng nghĩ đến việc lập kế hoạch trong chi tiêu, tiết kiệm cho bản thân cũng như gia đình.
Khảo sát học sinh/sinh viên trong độ tuổi từ 13-18 (thực hiện năm 2012-2013) cho thấy, chỉ 17,2% biết tiết kiệm một phần tiền sinh hoạt phí của mình, 8,8% tiêu hết tiền và số còn lại không biết làm gì với tiền. Giáo dục về tài chính cấp phổ thông hay đại học vẫn còn nặng về lý thuyết, chưa có tính ứng dụng thực tiễn cao. Các khóa đào tạo về tài chính cá nhân thường được tổ chức quy mô nhỏ, các hộ gia đình thu nhập thấp khó tiếp cận. Phần lớn người dân tiêu số tiền kiếm được theo cảm tính mà thiếu sự tính toán, lên kế hoạch và dự trù các khoản chi bất thường. Đồng thời, người dân cũng không nắm được những khái niệm hay sản phẩm/dịch vụ tài chính của ngân hàng, tổ chức tài chính, ngoài gửi tiền tiết kiệm và vay tín dụng, họ không hiểu rõ hình thức vay ngân hàng đang sử dụng là vay tín chấp hay thế chấp, các mô hình bảo hiểm…Đây thực sự là một tình trạng đáng lo ngại trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, thị trường tài chính ngân hàng ngày càng phức tạp.
Trước thực tế đó, trong những năm gần đây, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã khẩn trương ưu tiên thực hiện các nội dung liên quan đến tăng cường tiếp cận tài chính, phổ cập tài chính tại Việt Nam.
Nhanh chóng triển khai Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện
Tại hội thảo khoa học quốc tế về “Giáo dục tài chính trong bối cảnh phổ cập tài chính ở Việt Nam” mới đây, TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) kiêm Giám đốc Trường Đào tạo BIDV khẳng định, Việt Nam cần xây dựng và triển khai Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện. Theo đó, chiến lược phổ cập tài chính phải có sự tham gia của các bên liên quan như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo…. Chính phủ và khu vực tư nhân cùng hỗ trợ lẫn nhau để thiết lập cơ chế quản lý và điều phối các yếu tố then chốt trong khung chiến lược về tài chính toàn diện như: Thiết kế các sản phẩm/dịch vụ tài chính; kênh phân phối sản phẩm/dịch vụ tài chính; giáo dục tài chính; xây dựng cơ sở hạ tầng tài chính trên nền tảng công nghệ thông tin, khuôn khổ pháp lý…
Ngoài ra, ông Alwaleed Alatabani – Chuyên gia trưởng trong lĩnh vực tài chính Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển năng lực hành vi tài chính như một phần của phổ cập tài chính. Theo ông, các chương trình giáo dục tài chính cần được thiết kế linh hoạt với từng nhóm đối tượng, như: Có thể tích hợp các kiến thức tài chính vào các bộ môn Toán, Khoa học xã hội, Giáo dục công dân... đối với học sinh phổ thông; tích hợp với các đề tài như bảo hiểm mùa màng và thời tiết đối với nông dân... Ông Alwaleed Alatabani cũng lấy một ví dụ phổ cập kiến thức tài chính rất sáng tạo của Cộng hòa Nam Phi khi nước này lồng ghép giáo dục tài chính với giải trí thông qua phim truyền hình, từ đó góp phần thay đổi hành vi tài chính trong người dân.
Tại hội nghị thượng đỉnh G20 tại Argentina tháng 3/2018 cũng như hội nghị APEC cuối năm 2017 vừa qua, đại diện từ các quốc gia đã nhất trí coi giáo dục tài chính là yếu tố then chốt để thực hiện chính sách tài chính toàn diện. Công tác giáo dục tài chính sẽ giúp cải thiện phúc lợi tài chính (OECD,2005), cải thiện năng lực ra quyết định tài chính của mỗi cá nhân, từ đó giảm tình trạng căng thẳng ngân sách chính phủ cho những vấn đề xã hội.
Trước nay chúng ta vẫn quen với việc nói chung chung “cần nâng cao nhận thức của người dân”. Tuy nhiên, để đi vào thực chất, Việt Nam cần xây dựng lộ trình tổ chức khảo sát hiểu biết tài chính định kỳ, có thể hiểu nôm na là để đánh giá hiệu quả các chương trình trên và nắm được các khoảng trống cần củng cố. Theo TS. Cấn Văn Lực, cần phân biệt rõ giữa giáo dục tài chính với tư vấn thương mại và giáo dục tài chính là một phần của thông lệ quản trị tốt giữa các định chế tài chính, trong đó cần khuyến khích sự minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Việt Nam đang tích cực thúc đẩy quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý hướng tới chuẩn quốc tế, vì vậy mỗi cá nhân cần có những nhận thức, kiến thức, kỹ năng, thái độ và hành vi cần thiết để đưa ra những quyết định tài chính lành mạnh. Ở cấp quốc gia, nâng cao hiểu biết và độ phổ cập tài chính giúp Việt Nam nâng cao chất lượng dịch vụ tài chính và góp phần tăng trưởng kinh tế đất nước một cách bền vững.